Ăn gì để giết sâu bọ trong ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5/5?

PV |

Cứ đến ngày 5/5 âm lịch hàng năm, các gia đình lại tất bật chuẩn bị những món ăn như rượu nếp, cơm rượu, hoa quả… để giết sâu bọ và mong một mùa màng bội thu.

Tại sao phải giết sâu bọ vào ngày Tết Đoan Ngọ?

TS Nguyễn Ngọc Thơ (Phó Trưởng khoa Văn hóa học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) cho rằng, ý nghĩa lớn nhất và sâu sắc nhất của phong tục Tết Đoan Ngọ là giết sâu bọ.

Theo đó, quan niệm dân gian xưa cho rằng, trong hệ tiêu hóa thường có sâu bọ, nếu không trừ đi thì chúng sẽ sinh sản ngày một nhiều và gây tai hại. Tuy nhiên, việc tiêu diệt chúng không phải thời gian nào cũng có thể làm được. Chỉ có ngày mùng 5/5 âm lịch hàng năm chúng mới ngoi lên, là cơ hội để trừ khử.

Do đó, tại nhiều vùng của các tỉnh Bắc Bộ, người dân thường dùng mận, là loại quả chua phổ biến trong mùa này để giết sâu bọ, theo VTC News.

Ăn gì để giết sâu bọ trong ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5/5? - Ảnh 1.

Mận là loại quả được nhiều gia đình lựa chọn để ăn buổi sáng sớm ngày Tết Đoan Ngọ để giết sâu bọ.

Buổi sáng sớm, những người nội trợ hay phụ trách việc đi chợ trong gia đình thường dậy sớm để mua các đồ cúng lễ, các món ăn sẽ dùng trong ngày lễ Đoan Ngọ, trong đó có mận.

Theo quan niệm, phải ăn là món đầu tiên thì mới có tác dụng giết sâu bọ.

Các món ăn giết sâu bọ hiệu quả nhất theo quan niệm dân gian

Trong ngày Tết Đoan Ngọ, nhiều vùng miền đặc biệt là ở các tỉnh miền Bắc quan niệm, mận là loại trái cây tốt nhất để giết sâu bọ.

Vì thế, nhiều gia đình sáng sớm ngày Tết Đoan Ngọ thường đi chợ sớm và mua mận về. Khi các thành viên trong gia đình thức dậy, việc đầu tiên là mỗi người ăn vài quả mận để giết sâu bọ.

Ngoài ra, rượu nếp là món ăn không thể thiếu trong ngày lễ đặc biệt này vì theo quan niệm của người dân, vị nồng của cơm nếp hòa với men cay của rượu cơm nếp sẽ có tác dụng loại bỏ những loài ký sinh có hại trong cơ thể.

Ngay buổi sáng mồng 5 sau khi thức dậy, nhiều gia đình còn có thói quen ăn một bát cơm rượu để diệt sâu bọ.

Ăn gì để giết sâu bọ trong ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5/5? - Ảnh 2.

Cơm rượu nếp.

Gạo được chọn để nấu cơm rượu nếp là loại nếp cẩm hoặc nếp cái hoa vàng. Các gia đình có thể nấu cơm nếp, ủ rượu ở nhà hoặc mua ngoài hàng bán sẵn.

Rượu nếp được làm từ xôi nguyên hạt lên men. Người dân thường dùng các loại gạo nếp trắng và nếp cẩm đồ thành xôi, để nguội rồi rắc men, ủ trong ba ngày. Thúng xôi ủ được đặt trên một chiếc chậu, hứng lấy nước rượu để khi ăn, trộn với cái, tạo vị ngọt, cay rất dễ chịu. Tùy ở mỗi nơi mà cách chế biến cơm rượu nếp lại khác nhau.

Cơm rượu của người miền Trung được ép thành từng khối, còn cơm rượu miền Nam được viên tròn lại khác hoàn toàn với thứ cơm rượu rời của người Bắc.

Theo quan niệm của ông bà xưa, sau khi các loài sâu bọ trong cơ thể bị cơm rượu nếp “chuốc say”, chúng ta tiếp tục ăn các loại trái cây có vị chua sẽ khiến chúng chết nhanh hơn.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại