“Ăn gì bổ nấy”, có đúng không?

ThS.BS. Lê Thị Hải |

Bấy lâu nay nhiều người trong chúng ta thường có quan niệm rằng: “Ăn gì bổ nấy”. ...Điều đó có thật sự đúng như vậy không?

Về mặt khoa học, muốn biết một loại thực phẩm nào đó có thực sự là bổ, là tốt đối với cơ thể hay không chúng ta phải biết được thành phần và hàm lượng các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm là bao nhiêu?

“Ăn gì bổ nấy”, có đúng không? - Ảnh 1.

Gan nhiều đạm, vitamin A và sắt tốt cho trẻ em và phụ nữ mang thai nhưng không phù hợp với người cao tuổi, người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa.

Nếu so sánh óc và tủy lợn với một số phủ tạng khác như: tim hay đặc biệt là gan lợn, gan gà là loại thực phẩm mà nhiều người cho rằng “không tốt, ăn gan gà là độc”... thì hàm lượng chất đạm của óc chỉ bằng một nửa gan, của tủy chỉ bằng 1/9 gan.

Đặc biệt, trong gan có chứa nhiều vitaminA, loại vitamin rất tốt đối với sự phát triển của trẻ em và chống lão hóa ở người cao tuổi thì trong óc và tủy lại không có. Hoặc nếu so sánh với một số loại thực phẩm khác như: thịt lợn nạc, thịt gà, thịt bò thì hàm lượng chất đạm của óc và tủy cũng thấp hơn rất nhiều. Mặt khác, trong óc hàm lượng cholesterol rất cao.

Trong 100g óc lợn có tới 2.195mg cholesterol là chất dễ gây xơ vữa động mạch ở người lớn. Nhu cầu cholesterol hàng ngày chỉ cần dưới 300mg. Nếu ăn 100g óc thì lượng cholesterol đã cao gấp 7 lần nhu cầu hàng ngày. Điều đó cho thấy óc không phải là thức ăn bổ dưỡng như nhiều người lầm tưởng, nếu ăn quá nhiều thì còn có hại.

Một đứa trẻ thông minh hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: di truyền, phương pháp nuôi dưỡng, dạy dỗ chứ không phải ăn óc trẻ sẽ thông minh. Phương pháp nuôi dưỡng đúng đắn là cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng như: chất đạm, chất đường, chất béo, các vitamin và khoáng chất ở tỷ lệ cân đối hợp lý bằng cách ăn đa dạng các loại thực phẩm.

Thành phần các chất dinh dưỡng có trong 100g một số loại thực phẩm

“Ăn gì bổ nấy”, có đúng không? - Ảnh 2.

Tim, gan, thận có tác dụng cung cấp sắt để chống thiếu máu - thiếu sắt rất tốt cho trẻ em và phụ nữ mang thai, cũng như phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ. Các loại phủ tạng này cung cấp nhiều vitamin A, có tác dụng bổ mắt, tăng cường sức đề kháng và tăng trưởng ở trẻ. Nhưng ngược lại, vì các loại phủ tạng đều chứa nhiều cholesterol nên không phù hợp với người cao tuổi, người mắc các bệnh rối loạn chuyển hoá như tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh gout, bệnh thận, người thừa cân - béo phì...

Nhiều người cho rằng ăn não bổ não, ăn óc để chữa bệnh đau đầu là một quan niệm sai lầm nghiêm trọng. Như đã nêu ở trên, óc chứa quá nhiều cholesterol nên ăn nhiều sẽ bị cholesterol trong máu cao dẫn đến xơ vữa động mạch là nguyên nhân chính dẫn đến tăng huyết áp, mà tăng huyết áp triệu chứng chính là đau đầu cho nên càng ăn óc rất có thể đau đầu càng tăng.

Quan niệm “ăn thận bổ thận” cũng hoàn toàn không đúng, nhất là những người bị suy thận cần ăn giảm chất đạm. Quan niệm “ăn tim bổ tim” cũng vậy, người bị bệnh tim mạch thường có tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, nếu cứ ăn nhiều tim sẽ làm cholesterol máu tăng cao, rất nguy hiểm.

Còn chuyện ăn gan có thật sự là độc? Thật ra, gan là loại phủ tạng chứa nhiều chất đạm nhất, lại chứa nhiều vitamin A và sắt nên rất tốt cho trẻ bị thiếu máu và suy dinh dưỡng. Như vậy, ăn gan là tốt chứ không phải độc. Tuy nhiên phải chọn mua gan của những động vật không bị bệnh: gan màu đỏ sẫm tươi, không có nốt sần trên mặt gan, ấn vào bề mặt vẫn còn đàn hồi tốt, tránh mua loại có màu vàng hoặc tím sẫm, có mùi hôi.

“Ăn gì bổ nấy”, có đúng không? - Ảnh 3.

Một đứa trẻ thông minh hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: di truyền, phương pháp nuôi dưỡng, dạy dỗ chứ không phải ăn óc trẻ sẽ thông minh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại