Ngày 26/04 vừa qua, một cô gái họ Liêu ở Quý Dương, Trung Quốc đã ăn một bát mỳ thịt cừu ở trên đường Quan Thủy. Tuy nhiên, khi ăn hết cô mới phát hiện ra dường như trên sợi mỳ có dính gì đó.
Ngay trong buổi sáng cùng ngày, phóng viên đã tới ngay quán mỳ có tên "Mỳ trộn thịt kìm Kim Sa chuẩn vị", bát mỳ mà cô Liêu ăn vẫn còn trên bàn, sợi mỳ có vấn đề đã được gắp ra một bên, có thể thấy rõ ràng trên sợi mỳ có những vết đen giống như bị mốc. Sau khi phát hiện ra việc này, cô Liêu cảm thấy rất buồn nôn.
Cô Liêu cho biết, bởi vì trong bát mỳ có rất nhiều hạt tiêu và củ cải chua nên có lẽ các gia vị này đã lấn át hết mùi vị ban đầu của mỳ. Phải mãi tới khi ăn xong cô mới phát hiện ra.
Cô Liêu nói: "Khi ăn gần hết, tôi mới nói là sao hạt tiêu lại dính chặt vào sợi mỳ không rơi ra? Nghĩ đến đây tôi mới sực ý thức được rằng đó là vết mốc. Bây giờ tôi muốn nôn ngay ra mà không được. Mới đầu tôi đứng đây nôn khan mãi nhưng nhân viên của quán chỉ bảo tôi bé giọng lại."
Cô Liêu cũng chia sẻ thêm với phóng viên rằng, cô vừa làm phẫu thuật cách đây không lâu và mới xuất viện hai ngày, không dám ăn bất cứ đồ linh tinh gì. Thật không ngờ dù đã đề phòng rất kỹ nhưng cuối cùng cô vẫn không tránh được.
Ngay sau đó phóng viên đã liên lạc với đầu bếp của quán để tìm hiểu tình hình.
Hình ảnh sợi mỳ bị mốc đã được để riêng ra.
Đầu bếp họ Mẫn nói, tất cả số mỳ bán ngày hôm đó chỉ có bát của cô Liêu có vấn đề. Anh nhập mỳ từ một nhà cung cấp khác nên có khả năng trong quá trình sản xuất xảy ra sự cố.
Các nhân viên phân cục đường Tây Hồ thuộc Cục quản lý giám sát thị trường Quận Nam Minh cũng đã đến hiện trường và giúp đôi bên hòa giải.
Qua quá trình hòa giải, đôi bên nhất trí, đầu bếp họ Mẫn sẽ đưa cô Liêu đi viện khám, nếu sức khỏe cô Liêu có vấn đề gì sau khi ăn mỳ, thì anh ta sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm.
Đôi điều cần lưu ý
Tuyệt đối không nên ăn những thức ăn mốc đã quá hạn sử dụng, kể cả việc đã cắt bỏ đi phần bị mốc.
Khi ăn những loại hạt như hạt dưa, hạt thông, hạt lạc bị đắng, phải nhổ ra và súc miệng kịp thời, vì vị đắng này là độc tố aflatoxin sinh ra trong quá trình ẩm mốc.
Không ăn mộc nhĩ ngâm lâu trong nước, sốt mè và bơ đậu phộng kém chất lượng.
Ngoài ra, chúng ta cần thay đũa thường xuyên, vì đũa tre và đũa sơn đều rất dễ nứt và ẩn cặn thức ăn sinh ra độc tố aflatoxin, nếu dùng thường xuyên sẽ tăng nguy cơ bị ung thư gan.