Ấn Độ xây boongke gần biên giới tranh chấp với Trung Quốc, dân lo sợ muốn rời đi

Minh Thu |

Người dân sinh sống gần nơi tranh chấp biên giới Trung - Ấn muốn rời đi, sau khi New Delhi công bố kế hoạch xây loạt boongke.

Người dân sinh sống ở những ngôi làng gần khu vực biên giới tranh chấp Trung - Ấn muốn rời đi vì lo sợ xung đột bùng nổ. (Ảnh: SCMP)

Người dân sinh sống ở những ngôi làng gần khu vực biên giới tranh chấp Trung - Ấn muốn rời đi vì lo sợ xung đột bùng nổ. (Ảnh: SCMP)

Trải qua nhiều thế hệ, ông Gyalson và gia đình đã sinh sống ở khu vực Chushul thuộc bang Ladakh của Ấn Độ và nằm gần khu vực tranh chấp biên giới với Trung Quốc. Nhưng người đàn ông 50 tuổi làm nghề chăn thả gia súc lại đang cân nhắc rời nơi sinh sống để đi tránh nạn, giữa lúc căng thẳng biên giới Trung - Ấn có dấu hiệu gia tăng.

Tình hình căng thẳng khiến những người dân sống cùng làng với ông Gyalson lo ngại một ngày nào đó chiến tranh tổng lực sẽ bùng nổ. Bởi vào năm 1962, Trung – Ấn từng xảy ra chiến tranh biên giới.

“Chúng tôi không thể tiếp cận các đồng cỏ rộng lớn nên rất khó có đủ thức ăn cho đàn gia súc. Đàn gia súc là cả cuộc sống của chúng tôi”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Gyalson.

Căng thẳng biên giới Trung - Ấn bùng phát trở lại kể từ tháng 6/2020, sau vụ đụng độ khiến 20 lính Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng tại thung lũng Galwan. Đây là cuộc xung đột đẫm máu nhất giữa hai nước láng giềng trong vòng 50 năm qua.

Kể từ đây, quân đội Trung - Ấn đã điều động thêm hàng chục ngàn binh sĩ, cùng vũ khí hạng nặng tới gần khu vực biên giới đang xảy ra tranh chấp.

Chính phủ Ấn Độ còn cho đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới bao gồm mở rộng đường bộ, bãi đỗ trực thăng và đường băng sân bay.

Hồi tháng Chín, Bộ trưởng Giao thông Đường bộ và Đường cao tốc Ấn Độ NitinGadkariđã tới thăm đường hầm Zojila nối giữa hai bang Ladakh và Kashmir. Con đường này được xây dựng nhằm rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển giữa hai bang trong giai đoạn mùa đông lạnh giá kèm tuyết phủ dày.

Thậm chí, trong chuyến thăm tới thủ phủ Leh của bang Ladakh gần đây, Tư lệnh Lục quân Ấn Độ Manoj Mukund Naravane đã nói với truyền thông địa phương rằng, quân đội Ấn Độ đang cho triển khai binh sĩ và vũ khí tương xứng với hoạt động tăng cường từ phía Trung Quốc, và “hoàn toàn có thể đối phó với mọi tình huống bất ngờ xảy ra”.

Trước đó, nhằm hạ nhiệt căng thẳng vùng biên, hồi đầu năm nay, New Delhi và Bắc Kinh đã đồng thuận rút quân khỏi hai điểm nóng tranh chấp là hồ băng Pangong Tso vào tháng Hai và Gogra vào tháng Tám.

Gần nhất là vào ngày 10/10, Trung - Ấn tiến hành vòng đàm phán thứ 13. Song sau sự kiện, hai bên không ngừng đổ lỗi cho nhau làm cảm trở tiến trình hòa giải. Trung Quốc cáo buộc Ấn Độ đưa ra những yêu cầu vô lý, trong khi Ấn Độ chỉ trích Trung Quốc không đưa ra được những biện pháp để cải thiện tình hình.

Còn hiện tại, binh sĩ Ấn Độ đã có mặt ở ngôi làng mà ông Gyalson đang sinh sống. Ngôi làng này nằm Leh, thành phố lớn nhất trên dãy núi Himalaya, khoảng 200 km. Nhiều dân làng đang bày tỏ sự lo sợ và kêu gọi chính phủ Ấn Độ hỗ trợ, bởi họ không có tiền của để rời đi nơi khác định cư.

Người dân không cần boongke

Trong tháng Chín, ông Konchok Stanzin, ủy viên hội đồng khu vực, đã viết thư gửi tới Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla. Nội dung thư nhấn mạnh, người dân ở các vùng biên giới cần được hỗ trợ và đưa tới định cư ở khu vực khác.

“Tôi cũng đã đặt vấn đề này với các quan chức khác và các Bộ trưởng Ấn Độ. Người dân đang sống trong sợ hãi và chính phủ cần làm điều gì đó cho họ”, ông Stanzin nói.

Ấn Độ xây boongke gần biên giới tranh chấp với Trung Quốc, dân lo sợ muốn rời đi - Ảnh 3.

Lính Ấn Độ làm nhiệm vụ ở LAC, nơi được xem là biên giới chia cắt lãnh thổ Trung - Ấn. (Ảnh: AP)


Ông Stanzin nhấn mạnh thêm, sự lo sợ càng gia tăng sau khi chính phủ Ấn Độ công khai kế hoạch xây dựng nhà trú ẩn dưới lòng đất hay còn gọi là boongke tại các ngôi làng nằm gần Đường Kiểm soát thực tế (LAC) trên dãy Himalaya, nơi được xem là biên giới chia cắt lãnh thổ Trung - Ấn.

Cũng theo ông Stanzin, dự án xây dựng các boongke này có giá 500 triệu rupee (6,6 triệu USD) và “đây là lần đầu tiên phương án này được triển khai”.

Trong khi đó, các quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết những boongke này tương tự như công trình đã được xây tại các làng biên giới ở Kashmir, nơi thường xuyên xảy ra đụng độ giữa binh sĩ Ấn Độ và Pakistan.

Hiện có 18.000 boongke kiên cố bằng bê tông nằm dưới lòng đất được Ấn Độ xây dựng làm nơi tránh pháo và súng đạn.

Kể từ sau vụ đụng độ ở thung lũng Galwan vào tháng 6/2020, các đại diện ở bang Ladakh đã yêu cầu chính phủ Ấn Độ cho xây các boongke tương tự để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống ở vùng biên giới.

Đáng nói, quân đội Ấn Độ được biết cũng đã xây thêm nhiều boongke trong khu vực này do có thêm quân tăng cường được điều động tới.

Các quan chức quân sự Ấn Độ thừa nhận sau vụ giao tranh với Trung Quốc, họ đã tập trung vào tích trữ vũ khí, tăng cường quân, xây dựng thêm boongke, bởi nhiệt độ mùa đông ở khu vực này có thể xuống dưới -40 độ C.

Người dân ở biên giới cho biết, cái mà họ muốn không phải là chính phủ Ấn Độ xây dựng boongke.

“Thay vì xây các công trình lánh nạn, người dân cần được chuyển tới nơi khác sinh sống. Người dân hiện rất lo sợ vì tình hình căng thẳng biên giới Trung - Ấn ngày càng gia tăng”, ông Stanzin cho hay.

Ông Stanzin cho biết thêm, người dân làng hiện đối mặt với ngày càng nhiều khó khăn và nếu như tình hình leo thang, “họ không còn lựa chọn nào khác là rời nơi sinh sống để bảo toàn tính mạng”.

“Chúng tôi đã mất nhiều bãi cỏ màu mỡ do bị Trung Quốc chiếm đóng. Ngay cả những bãi cỏ đang nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Ấn Độ, chúng tôi hiện cũng không được phép tiến vào. Chúng tôi không thể sống ở nơi quân đội hai nước đang sắp bùng nổ xung đột”, ông Nobru, một cư dân địa phương ở bang Ladakh tâm sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại