Ấn Độ với tham vọng dự báo thời tiết vũ trụ

PV (Tổng hợp) |

Chỉ vài ngày sau thành công của sứ mệnh hạ cánh mặt trăng, Ấn Độ tuyên bố mặt trời là mục tiêu thăm dò tiếp theo.

Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) thông báo sẽ triển khai sứ mệnh nghiên cứu mặt trời đầu tiên của nước này vào đầu tháng 9. Theo kế hoạch, ngày 2/9, ISRO sẽ phóng tên lửa mang theo vệ tinh Aditya-L1 vào không gian từ sân bay vũ trụ chính ở Sriharikota, bang Andhra Pradesh. Vệ tinh sẽ mất khoảng 4 tháng để di chuyển từ điểm phóng đến điểm lý tưởng để quan sát mặt trời, nằm cách trái đất 1,5 triệu km, còn gọi là điểm L-1.

Aditya L-1 sẽ mang theo 7 thiết bị để nghiên cứu bầu khí quyển của mặt trời. Đáng chú ý nhất trong đó là kính viễn vọng chụp ảnh tia cực tím mặt trời (SUIT), có nhiệm vụ thu thập dữ liệu các tia cực tím gần (bước sóng 200 - 400 nm) phát ra từ mặt trời. Thiết bị thứ hai có tên VELC sẽ nghiên cứu vành nhật hoa, chụp ảnh quang học và ghi lại quang phổ. Năm thiết bị còn lại chịu trách nhiệm thu thập, phân tích tia X và các hạt từ mặt trời.

Theo phát ngôn viên của ISRO, Aditya-L1 là kính viễn vọng không gian nghiên cứu mặt trời đầu tiên của Ấn Độ và là "lợi thế cho phép quan sát mặt trời mà không bị che khuất".

Tàu còn có nhiệm vụ sẽ nghiên cứu sâu hơn về gió mặt trời - hiện tượng có tiềm năng gây tác động xấu tới đồ điện trên Trái đất. Gió mặt trời được coi là nguyên nhân dẫn đến các trận bão từ, có liên hệ trực tiếp đến hiện tượng cực quang trên trái đất và trên các hành tinh khác. Ảnh hưởng từ gió mặt trời có thể làm gián đoạn liên lạc, bao gồm cả tín hiệu định vị được truyền qua lại giữa vệ tinh và thiết bị mặt đất.

Trước đó, vào năm 2020, Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) đã phóng lên không Solar Orbiter với mục đích nghiên cứu mặt trời. Một năm sau thời điểm này, tàu thăm dò mặt trời Parker của NASA chính thức khởi hành với nhiệm vụ lấy mẫu hạt và trường điện tử tỏa ra từ ngôi sao trung tâm của Thái Dương Hệ.

Dự báo thời tiết vũ trụ là mục tiêu mà nhiều quốc gia hướng tới. Những dòng hạt mang điện từ mặt trời thường ngày vẫn liên tục phóng vào không gian và va chạm với Trái đất. Dòng hạt mang điện đó được gọi là gió mặt trời. Thời tiết vũ trụ khắc nghiệt nhất xảy ra khi mặt trời phóng thẳng hàng tỉ tấn hạt năng lượng về phía Trái đất với tốc độ lên tới 3.000 km/giây. Những vụ phun trào nhật hoa có thể gây ra các cơn bão từ dữ dội và ảnh hưởng tiêu cực đến các phi hành gia, vệ tinh, tàu vũ trụ và con người trên Trái đất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại