Binh sĩ Ấn Độ ở vùng Ladakh. Ảnh: ANI.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN News 18, Trung tướng Y.K Joshi, Tư lệnh của Bộ Tư lệnh phía Bắc Lục quân Ấn Độ cho biết, tình hình tại biên giới Ấn Độ - Trung Quốc ở Đông Ladakh vào ngày 31/8/2020 là "rất, rất căng thẳng".
Khi đó, quân đội Ấn Độ đã ngăn chặn binh lính Trung Quốc chiếm lĩnh các điểm cao trên dãy núi Kailash ở bờ Nam hồ Pangong. Binh lính hai bên được mô tả là ở trong tình huống mặt đối mặt và sẵn sàng sử dụng vũ khí.
Viên tướng Ấn Độ nói: “Vụ việc tại thung lũng Galwan đã xảy ra. Lằn ranh đỏ đã được vạch và chúng tôi được trao toàn quyền sử dụng vũ lực, hành động theo cách chúng tôi muốn”.
Trung tướng Joshi cũng nhắc tới vụ đụng độ trước đó tại thung lũng Galwan đêm 15/6, khiến nhiều binh lính của cả Ấn Độ và Trung Quốc thương vong.
Sau vụ va chạm chết người này, Chính phủ Ấn Độ cho phép binh lính được quyền nổ súng để tự vệ nếu xảy ra tình huống nguy hiểm.
Đây là lần đầu tiên sau hơn 4 thập kỷ, Ấn Độ và Trung Quốc phá vỡ các quy tắc tiếp xúc tại biên giới của quân đội. Theo đó, không cho phép khai hỏa để tránh thương vong. Đây là một trong những bằng chứng cho thấy tình hình đã tới mức bùng nổ thành chiến tranh.
Viên tướng Ấn Độ nhớ lại, khi đó binh lính và xe tăng Ấn Độ đang nắm giữ tại các vị trí quan trọng trên đỉnh của dãy núi Kailash.
Xe tăng Trung Quốc bắt đầu triển khai trên các sườn của dãy núi này. “Tình huống hoàn toàn có thể xảy ra nếu ai đó nổ súng nhắm vào xe tăng Trung Quốc. Chúng ta hoàn toàn ở bên bờ vực của một cuộc chiến tranh”.
Sau 10 tháng leo thang đối đầu tại đường LAC, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đang tiến hành rút bớt binh lính và vũ khí tại biên giới theo thỏa thuận đạt được tại vòng 9 cuộc đàm phán ở cấp Tư lệnh quân đoàn.
Dự kiến quan chức quốc phòng 2 bên sẽ nhóm họp lại ở biên giới trong vòng 48 giờ sau khi hoàn thành quá trình rút quân này.
Ấn Độ và Trung Quốc có lịch sử tranh chấp biên giới kéo dài, nhưng hai bên chỉ để xảy ra chiến tranh vào năm 1962.
Kể từ đó, đã có nhiều cuộc đối đầu và đụng độ xảy ra giữa binh lính hai nước. Vụ việc hôm 15/6 năm 2020 tại thung lũng Galwan là lần đầu tiên có thương vong kể từ năm 1975.
Liên quan tới con số thiệt hại về người của phía Trung Quốc trong vụ đụng độ đẫm máu này, hãng thông tấn TASS của Nga hồi tuần trước tiết lộ rằng đã có tổng cộng 45 binh lính Trung Quốc tử nạn.
Trước đó, Bắc Kinh không công bố bất cứ số liệu nào về các trường hợp tử vong trong vụ việc này.