Ấn Độ từ bỏ S-400 để mua F-35 nhằm sẵn sàng đối phó J-31 Pakistan?

Nam Đồng |

Trong vụ đụng độ giữa Không quân Ấn Độ và Pakistan dọc đường phân giới LoC, vai trò của máy bay chiến đấu đã được thể hiện rõ còn phòng không hoàn toàn mờ nhạt.

Trong biên chế Quân đội Ấn Độ lẫn Pakistan đều có những tổ hợp tên lửa phòng không khá uy lực do Nga, Israel và Trung Quốc sản xuất. Vậy nhưng suốt hơn 10 ngày qua dọc đường giới tuyến LoC hầu như chỉ ghi nhận các vụ đụng độ giữa tiêm kích đôi bên.

Duy nhất một lần tổ hợp SPYDER của Ấn Độ bố trí sâu trong nội địa được ghi nhận đã bắn hạ 1 máy bay trinh sát không người lái của Pakistan, ngoài ra còn nghi vấn cũng chính SPYDER đã bắn nhầm vào chiếc trực thăng Mi-17-V5 tại khu vực Nowshera, cách LoC khoảng 100 km.

Tình trạng trên có lẽ đến từ điều kiện địa hình cực kỳ phức tạp của cao nguyên Kashmir với nhiều dãy núi cao chắn tầm nhìn của radar, khiến tên lửa phòng không phải bố trí lùi lại ở tuyến sau nhằm ngăn máy bay đối phương xâm nhập sâu vào nội địa chứ chẳng thể nào đưa ra sát tiền tuyến.

Trường hợp Ấn Độ có trong tay tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 do Nga sản xuất thì nó cũng rất khó phát huy tác dụng bởi Triumf là vũ khí chuyên đánh tầm cao, đối đầu với tiêm kích đối phương lợi dụng địa hình địa vật bay thấp xâm nhập thì nó gần như hoàn toàn "bị mù", thực tế cũng cho thấy Nga thường phải bố trí Pantsir-S1 bên cạnh S-400 để bảo vệ.

Ấn Độ từ bỏ S-400 để mua F-35 nhằm sẵn sàng đối phó J-31 Pakistan? - Ảnh 1.

Tiêm kích tàng hình J-31 của Không quân Trung Quốc

Vấn đề hiện nay đó là khi tên lửa phòng không khó phát huy vai trò, phải phụ thuộc gần như hoàn toàn vào tiêm kích thì bên nào sở hữu chiến đấu cơ thế hệ cao hơn sẽ dễ dàng áp đảo phía bên kia, bằng chứng là MiG-21 Bison của Ấn Độ đã bị JF-17 của Pakistan bắn rơi.

Trong khi Ấn Độ còn đang tranh cãi về việc nên mua Rafale hay dùng Su-30MKI để đối phó lại kẻ địch thì theo dự đoán Pakistan nhiều khả năng sẽ trở thành khách hàng đầu tiên của tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-31 của Trung Quốc, tương tự như những gì họ từng làm với JF-17.

Nếu viễn cảnh trên xảy ra thì kể cả khi New Delhi mua được tiêm kích Rafale thì ưu thế cũng không còn thuộc về họ nữa. Để tránh thua thiệt, chẳng còn cách nào khác ngoài việc Ấn Độ phải nhanh chóng đưa chiến đấu cơ thế hệ 5 vào biên chế nếu không muốn hứng chịu thêm thất bại trong tương lai.

Ấn Độ từ bỏ S-400 để mua F-35 nhằm sẵn sàng đối phó J-31 Pakistan? - Ảnh 2.

Tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II của Mỹ

Hiện Ấn Độ và Nga đang hợp tác chế tạo chiến đấu cơ thế hệ 5 FGFA, đây thực chất là phiên bản 2 chỗ ngồi của Su-57. Mặc dù vậy tiến độ công việc vô cùng chậm trễ, New Delhi hiện đã rút khỏi dự án và chưa rõ có quay lại hay không, kể cả "tình xưa" được nối lại thì nhanh nhất cũng phải trên 10 năm nữa may ra mới có sản phẩm hoàn thiện, nhất là khi Su-57 còn trầy trật.

Lựa chọn gần như duy nhất của Ấn Độ vào lúc này để nhanh chóng tạo ưu thế chỉ còn phương án đi mua F-35 Lightning II. Đề xuất này đã được nhắc đến khi họ rút chân khỏi FGFA và tưởng như sẽ thành hiện thực đến nơi, nhưng khi hợp đồng S-400 được ký kết thì rất khó cho quốc gia Nam Á này tiếp cận F-35 bởi hiệu lực của Đạo luật CAATSA.

Khi tên lửa phòng không tầm xa bị đánh giá là kém hiệu quả trong xung đột tương lai tại khu vực Kashmir thì liệu Ấn Độ có quyết tâm hủy bỏ hợp đồng S-400 để có cơ hội sở hữu F-35 nhằm sớm tạo ưu thế trước khi Không quân Pakistan đưa J-31 vào biên chế? Viễn cảnh trên nếu xảy ra thì có lẽ cũng chẳng phải là điều gây bất ngờ lớn cho giới quan sát.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Giới thiệu tiêm kích tàng hình J-31 (phiên bản xuất khẩu là FC-31)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại