Số liệu mới nhất do Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hôm 9/3 cho thấy, Ấn Độ tiếp tục là nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia, trong khi New Delhi đã vươn lên vị trí thứ 23 trong tốp 25 nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu, với Myanmar, Sri Lanka và Mauritius là những khách hàng lớn nhất.
Theo báo cáo của SIPRI, Ấn Độ chiếm 9,2% tổng lượng nhập khẩu vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2015-2019, trong khi Saudi Arabia chiếm 12%. Trung Quốc xếp thứ 5 với 4,3%, trong khi Pakistan đứng thứ 11 với 2,6%.
Báo cáo có đoạn: "Trong giai đoạn 2010-2014 đến 2015-2019, nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ và Pakistan giảm lần lượt 32% và 39%. Mặc dù cả hai nước đều có mục tiêu lâu dài là tự sản xuất các vũ khí lớn, họ vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu và đang có những đơn đặt hàng cũng như kế hoạch nhập khẩu đáng kể tất cả các loại vũ khí chính."
SIPRI đã lấy ví dụ về các vụ không kích của Ấn Độ ở Balakot (Pakistan) và việc Pakistan đáp trả hồi tháng 2 năm ngoái, để cho thấy sự phụ thuộc rất lớn của hai nước này vào vũ khí nước ngoài.
Theo đó, trong cuộc đối đầu quân sự này, Ấn Độ triển khai các máy bay chiến đấu của Pháp ( Mirage-2000 ) và Nga (Sukhoi-30MKI và MiG-21), cùng với bom dẫn đường chính xác của Israel (Spice-2000) và pháo của Thụy Điển (Bofors), thì Pakistan sử dụng các chiến đấu cơ của Mỹ (F-16) và Trung Quốc (JF-17) cùng hệ thống cảnh báo sớm trên không AWACS của Thụy Điển.
Cũng theo SIPRI, Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ trong giai đoạn 2010-2014 và 2015-2019, nhưng lượng giao hàng đã giảm 47% và thị phần của Moskva trong kim ngạch nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ đã giảm từ 76% xuống 56%.