Ấn Độ tiếp tục "chơi rắn" để triệt ảnh hưởng của Trung Quốc

Bảo Hạnh |

Ấn Độ đang tăng cường hạn chế hoạt động của Trung Quốc tại nước này bằng cách siết chặt thị thực và xem xét các mối liên hệ của Bắc Kinh với các trường đại học địa phương

Tạp chí Bloomberg dẫn lời các quan chức cấp cao giấu tên cho biết Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã được thông báo rằng visa cho doanh nhân, học giả, chuyên gia công nghiệp và các nhóm vận động của Trung Quốc sẽ cần được xem xét về mặt an ninh trước.

Các biện pháp này tương tự thủ tục đang được áp dụng cho Pakistan, đối thủ của Ấn Độ.

Một quan chức cho biết hoạt động của các trường đại học Ấn Độ có liên quan tới viện nghiên cứu Trung Quốc có thể sẽ bị giảm bớt đáng kể. Người này tiết lộ ngoại trừ các khóa học tiếng Trung Quốc, hoạt động liên quan đến các viện nghiên cứu Trung Quốc có thể sẽ bị chấm dứt.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.

Gần đây, Ấn Độ đã cấm nhiều ứng dụng điện thoại phổ biến của Trung Quốc, bao gồm TikTok, và thay đổi quy định để hạn chế nguồn đầu tư Trung Quốc cho các công ty Ấn Độ.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh cả 2 nước điều động hàng ngàn binh lính, súng pháo và xe tăng đến một khu vực tranh chấp ở biên giới Himalaya sau khi hàng chục binh sĩ của 2 nước thương vong trong vụ đụng độ ngày 15-6.

Mỹ và Úc cũng sử dụng những biện pháp tương tự để hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Cụ thể, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tăng cường giám sát các Viện Khổng Tử dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc tại Mỹ và những nước khác.

Trong khi đó, vào năm 2018, Úc đã thông qua các đạo luật cứng rắn nhằm ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài do báo động về tình trạng bất ổn trong các trường đại học và ảnh hưởng của Trung Quốc đối với sinh viên. Năm 2019, Úc công bố hướng dẫn mới cho các trường đại học có hợp tác nghiên cứu với Trung Quốc.

Ấn Độ, Úc và Mỹ còn ngăn chặn tập đoàn Huawei tham gia vào mạng lưới 5G. Cùng với Nhật Bản, những nước này đẩy mạnh hoạt động của "Bộ tứ kim cương". Lần đầu tiên trong năm nay, bộ tứ này sẽ tham gia một đợt trao đổi quân sự khi Ấn Độ mời Úc gia nhập cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar vốn chỉ gồm Nhật - Mỹ - Ấn từ trước đến nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại