Tạp chí quốc phòng Jane's của Anh mới đây đã đăng tải một thông tin rất đáng chú ý, đó là Không quân Ấn Độ (IAF) dự định sẽ loại biên toàn bộ tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn Vympel R-77 (AA-12 Adder) do Nga sản xuất đang được trang bị cho tiêm kích đa năng Su-30MKI vào năm 2021 - 2022.
Được biết số tên lửa R-77 trên của IAF là phiên bản đời đầu có tầm bắn khá hạn chế (90 km), áp dụng công nghệ đầu dò lạc hậu và chất lượng đã xuống cấp. Tuy nhiên sản phẩm thay thế lại khiến nhiều người ngạc nhiên khi đó là tên lửa I-Derby ER do Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Rafael của Israel chế tạo.
So với R-77, I-Derby ER có lợi thế ở tầm bắn tối đa xa hơn (lên tới 100 km), được lắp đặt đầu dò radar chủ động có độ nhạy cũng như khả năng kháng nhiễu điễn tử cao, giúp nó đủ sức bắn hạ mọi mục tiêu bay từ tiêm kích, trực thăng, cho tới tên lửa hành trình... trong mọi điều kiện thời tiết.
Điểm đặc biệt nữa của I-Derby ER đó là tương tự tên lửa tầm ngắn Python-5, nó cũng có chế độ "khóa mục tiêu sau khi phóng - LOAL" cực kỳ tiên tiến, đây là lợi thế lớn trước R-77.
Tên lửa không đối không I-Derby và Python-5 do Israel chế tạo
Trước kia tên lửa I-Derby và Python-5 chỉ được Ấn Độ trang bị cho tiêm kích nội địa HAL Tejas, tuy nhiên với tuyên bố trên thì có thể hiểu rằng hai loại vũ khí này hoàn toàn đủ khả năng tích hợp trên tiêm kích Su-30MKI do Nga chế tạo.
Ngoài tính năng ưu việt hơn, nguyên nhân Ấn Độ lựa chọn tên lửa không đối không Israel thay vì mua tiếp phiên bản nâng cấp của R-77 được nhận định có thể còn do Tel Aviv sẵn sàng chuyển giao công nghệ để New Delhi sản xuất tại chỗ, đây là điều khoản mà Nga thường không chịu đáp ứng.
Bên cạnh đó, việc trang bị tên lửa Israel cho Su-30MKI sẽ giúp Ấn Độ có thể tận dụng cơ số đạn đánh chặn biên chế cho tổ hợp phòng không SPYDER-SR lúc cần thiết, bởi tên lửa Derby và Python-5 là hai thành phần của "Lưới nhện".
Tiêm kích đa năng Su-30MK2 của Không quân Việt Nam
Sau khi nhìn qua cách làm của Không quân Ấn Độ thì có lẽ câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu phương thức trên có thể áp dụng cho Không quân Việt Nam mà cụ thể ở đây là tiêm kích đa năng Su-30MK2, khi chúng ta cũng sử dụng tổ hợp phòng không SPYDER với đạn Derby và Python-5.
Israel từ lâu đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc tích hợp vũ khí do mình sản xuất lên nền tảng phương tiện mang phóng ra đời từ thời Liên Xô hay nước Nga ngày nay. Nếu đã đưa được tên lửa I-Derby ER lên tiêm kích Su-30MKI thì biết đâu họ có thể làm điều tương tự với Su-30MK2.
Nếu được bổ sung thêm những loại tên lửa không chiến tối tân như Derby hay Python-5 thì kho vũ khí của Su-30MK2 sẽ trở nên phong phú hơn rất nhiều, tạo ra ưu thế trước đối thủ trong trường hợp hai bên đã quá hiểu về nhau. Đây là phương án rất nên quan tâm để triển khai tại thời điểm phù hợp.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Tính năng kỹ chiến thuật vượt trội của tên lửa không đối không do Tập đoàn Rafael của Israel sản xuất