Tàu sân bay IAC-1 của Ấn Độ. Ảnh: RT
Kênh RT (Nga) cho biết Hải quân Ấn Độ đã ca ngợi đây là "ngày lịch sử và đáng tự hào" của quốc gia. Ấn Độ đã đầu tư rất mạnh vào công nghệ tự sản xuất trong nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đánh giá chuyến thử nghiệm trên biển đầu tiên của chiến hạm 40.000 tấn là "bằng chứng cho cam kết của chúng ta với Atmanirbharta trong quốc phòng". "Atmanirbhar Bharat" là cụm từ tiếng Hindi được sử dụng phổ biến, tạm dịch là "Ấn Độ tự lực cánh sinh".
Ông Rajnath Singh cho biết thêm sự kiện này thể hiện sự cam kết và cống hiến thực chất của các bên liên quan.
Ngày 4/8, tài khoản mạng xã hội Twitter của Hải quân Ấn Độ đã chia sẻ đoạn video về tàu sân bay dài 262m có tên gọi IAC-1 đang hướng ra biển để thử nghiệm (video dưới, nguồn: News18).
IAC-1 dự kiến hoạt động cùng nhiều chiến đấu cơ của Ấn Độ như tiêm kích MiG-29K và trực thăng cảnh báo sớm Kamov-31.
Truyền thông Ấn Độ đưa tin rằng nhiều khả năng IAC-1 sẽ được phiên chế trong năm 2022 và trở thành tàu sân bay thứ hai của nước này. Tàu sân bay duy nhất hiện nay đang hoạt động của Ấn Độ là chiếc INS Vikramaditya do Nga sản xuất. Hải quân Ấn Độ cũng tiết lộ IAC-1sẽ được đặt tên là INS Vikrant một khi đi vào hoạt động chính thức.
Ấn Độ nhiều năm qua đã thúc đẩy tự lực trong một số ngành công nghiệp với quốc phòng là lĩnh vực then chốt. Chính phủ Ấn Độ cũng đẩy mạnh kế hoạch tự lực lĩnh vực y tế trong thời điểm dịch COVID-19. Những năm gần đây, Ấn Độ đã công bố ngày càng nhiều thiết bị quân sự và thường xuyên quảng bá thành tựu trên mạng xã hội.