Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh ngày 10/8 cho biết nước này sẽ sớm cấm nhập khẩu 101 loại vũ khí quốc phòng để chuyển sang đặt hàng trong nước. Đây được coi là bước đi để triển khai chính sách ‘Tự lực, tự cường’ của Chính phủ Ấn Độ.
Phát biểu trong một sự kiện tại thủ đô New Delhi, bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ khẳng định sẽ sớm công khai danh sách gồm các hệ thống vũ khí, nền tảng công nghệ và linh kiện mà các nhà sản xuất nội địa có thể tham gia cung ứng. Bộ trưởng Singh cho biết biện pháp này sẽ giúp Ấn Độ tiết kiệm hàng chục triệu rupees nhờ hạn chế được nhập khẩu.
Ấn Độ hiện là một trong các quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho lĩnh vực quốc phòng. Phần lớn các khoản đầu tư này phục vụ các hợp đồng mua sắm với nước ngoài.
Theo một báo cáo do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hồi tháng Tư, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ là ba quốc gia đứng đầu danh sách mua sắm vũ khí trong năm 2019. Tiếp theo là Nga và Saudia Arabia. Ngân sách của Ấn Độ dành cho lĩnh vực này tăng 6,8%, chạm mốc 71,1 tỷ USD.
101 thiết bị vũ khí sẽ bị cấm nhập khẩu gồm tàu ngầm, máy bay huấn luyện bên cạnh các loại trực thăng chiến đấu hạng nhẹ. Chính phủ Ấn Độ kỳ vọng chính sách mới sẽ giúp thúc đẩy sản xuất công nghiệp trong nước.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ ước tính sẽ giành cho các nhà thầu trong nước nhiều hợp đồng cung ứng trị giá 55 tỷ USD trong vòng 5 – 7 năm tới.
Thông tin này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Ấn Độ công bố Chính sách Xúc tiến Xuất khẩu và Sản xuất Quốc phòng 2020; trong đó coi công nghiệp quốc phòng là lĩnh vực then chốt nhằm khởi động lại toàn bộ nền kinh tế sau khi đã trải qua một trong những đợt phong tỏa lớn và khắc nghiệt nhất thế giới vì đại dịch Covid-19.
Ngày 9/8, Hải quân Ấn Độ cũng đã công bố hợp đồng đặt mua 6 tàu ngầm mới với trị giá 5,8 tỷ USD. Các tàu ngầm mới sẽ được đóng trong nước do các công ty Ấn Độ triển khai. Không quân Ấn Độ cũng đang xem xét khả năng đặt hàng một nhà sản xuất nội địa 123 máy bay chiến đấu hạng nhẹ MK-1A trị giá 11,8 tỷ USD./.