Vị quan chức này tiết lộ, quan điểm rằng việc mua S-400 “không phải là vấn đề lớn” là hoàn toàn sai lầm. “Tôi không đồng ý. Vấn đề S-400 rất đáng chú ý do Ấn Độ có thể sẽ bị trừng phạt theo đạo luật CAATSA (Đạo luật Chống lại Kẻ thù của Mỹ Thông qua Trừng phạt). Ngoài ra nó cũng sẽ cản trở các hoạt động hợp tác phát triển công nghệ cao với Mỹ trong tương lai”.
Cũng theo vị quan chức giấu tên, việc miễn trừ áp dụng trừng phạt theo đạo luật CAATSA phải được các quan chức Mỹ xem xét kỹ lưỡng, và vì vậy Ấn Độ vẫn sẽ phải đối mặt với những khó khăn lớn.
Người này nhận định rằng Ấn Độ cũng sẽ trải qua “những cuộc thảo luận căng thẳng” giống như những gì mà Washington đang thực hiện với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia cũng quyết định mua S-400 từ Nga.
Ngoài ra, vị quan chức cũng nhấn mạnh, với mỗi lựa chọn mà Ấn Độ thực hiện liên quan đến việc mua về hệ thống phòng không S-400, họ sẽ bị mất những cơ hội khác. Cụ thể, các cuộc thảo luận giữa Ấn Độ và Mỹ về việc mua các máy bay chiến đấu và các loại khí tài hiện đại khác có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Ấn Độ đã ký kết một thỏa thuận mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 vào tháng 10/2018 có giá trị 5 tỉ USD, qua đó trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới được Nga bán loại vũ khí này sau Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ, và Washington đã đe dọa sẽ ngừng cung cấp máy bay chiến đấu F-35 cho nước này. Không những vậy, các quan chức Mỹ cũng cảnh báo rằng Ankara có thể sẽ phải đối mặt với những hình thức trừng phạt và thậm chí có thể bị khai trừ khỏi NATO khi quyết định mua vũ khí từ Moscow.
Ankara đã chỉ trích những tuyên bố trên của Mỹ và nhấn mạnh Washington đã có cơ hội bán hệ thống Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ nhưng đã không đưa ra được một thỏa thuận có lợi. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhiều lần khẳng định chính phủ của ông sẽ không rút lại quyết định mua S-400.