Sự kiện này diễn ra không bao lâu sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Việt Nam và tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương.
Đoàn đại biểu ngành công nghiệp - gồm đại diện của các công ty vũ khí lớn ở Ấn Độ - sẽ tháp tùng Bộ trưởng Quốc phòng Manohar Parrikar trong chuyến thăm.
Các quan chức Ấn Độ cho biết, New Delhi sẽ cân nhắc khả năng hợp tác phát triển và sản xuất với Việt Nam. Hiện nay, cả 2 nước đều có trong biên chế nhiều loại vũ khí do Nga chế tạo, như khinh hạm và tàu ngầm...
Tên lửa hành trình siêu âm Brahmos.
Theo Economic Times, Ấn Độ đã xác định Việt Nam là quốc gia mà họ có thể xuất khẩu vũ khí một cách "thoải mái", kể cả những hệ thống vũ khí tiên tiến nhất như tên lửa diệt hạm Brahmos.
Hiện Bộ Quốc phòng Ấn Độ vẫn đang trong quá trình lựa chọn đoàn đại biểu. Phái đoàn này có thể bao gồm trên 15 đại diện từ các đơn vị tư nhân, gồm giám đốc điều hành của L&T, Tata và Reliance Defence bên cạnh các đơn vị nhà nước như Brahmos Aerospace.
Tàu tuần tra lớp Car Nicobar do GRSE thiết kế và chế tạo.
Các chuyên gia nhận định, tăng cường xuất khẩu sang Việt Nam sẽ giúp thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ.
Theo chuyên gia Ankur Gupta đến từ hãng kiểm toán Ernst and Young, Ấn Độ đã đề xuất cung cấp 4 tàu tuần tra của GRSE cho Việt Nam. Ngoài ra, tên lửa BrahMos cũng là một sản phẩm xuất khẩu khả thi.
Hôm qua (28/5), ông Praveen Pathak, đại diện tập đoàn BrahMos Aerospace thông báo, Moscow và New Dehli đã xác định danh sách 14 quốc gia có thể thực hiện các hợp đồng xuất khẩu tên lửa hành trình BrahMos do liên doanh Nga-Ấn sản xuất.
"Các cuộc đàm phán với UAE, Chile, Nam Phi và Việt Nam về việc cung cấp tên lửa hành trình siêu âm BrahMos đang ở giai đoạn tiến triển. Chúng tôi cũng đồng thời thảo luận khả năng xuất khẩu tên lửa này đến một số quốc gia khác như: Philippines, Hàn Quốc, Algeria, Hy Lạp, Malaysia, Thái Lan, Ai Cập, Singapore, Venezuela và Bulgaria" - ông Pathak nói.
Về khả năng các hợp đồng đầu tiên có thể được ký kết trước cuối năm nay, ông Pathak khẳng định "điều đó là có thể, và trong năm nay, cũng như trong năm kế tiếp, nhưng trong lĩnh vực này nói về thời hạn chính xác là không thể được".
Trước đó, theo ông Pathak, khách hàng đầu tiên rất có thể là một trong những nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Về mặt bằng chung, sản lượng xuất khẩu quốc phòng của Ấn Độ vẫn còn khá khiêm tốn nhưng cũng đã tăng lên đáng kể trong 2 năm qua.
Điều này được thúc đẩy bởi những thay đổi trong chính sách, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho hoạt động xuất khẩu trang thiết bị quân sự.
Ngoài ra, New Delhi còn có chính sách cấp hạn mức tín dụng cho các quốc gia thân thiện để mua thiết bị quân sự.
BrahMos là dự án liên doanh giữa Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) và NPO Mashinostroeyenia (Nga), sau đó thành lập tập đoàn Brahmos Aerospace vào năm 1998. Tên BrahMos được ghép từ tên 2 con sông Brahmaputra và Moskva.
Tên lửa BrahMos có thể đạt tốc độ tối đa đến Mach 3. Hiện tại, phiên bản cải tiến đang được thử nghiệm có thể đạt đến tốc độ Mach 6. Brahmos có tầm bắn tối đa 290km, độ cao bay từ 10m - 15km, mang được đầu đạn nặng từ 200 - 300kg.