Theo Thỏa thuận về Cung cấp vật tư và dịch vụ song phương, cả hai quốc gia sẽ hỗ trợ hậu cần cho lực lượng quân đội của nhau trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, hoạt động nhân đạo và khi tàu chiến của Ấn Độ và Nhật Bản ghé thăm các cảng của nhau.
Trong cuộc gặp thượng đỉnh ngày 10/9 giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - được tiến hành qua điện thoại trong thời kỳ đại dịch hiện nay - cả hai nhà lãnh đạo khẳng định rằng thỏa thuận “sẽ tăng cường hơn nữa chiều sâu hợp tác quốc phòng giữa hai nước và đóng góp cho hòa bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”, Forbes dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho hay.
Nói rõ hơn, đây không phải là một hiệp ước phòng thủ. Không quốc gia nào thực hiện bất kỳ cam kết cung cấp viện trợ quân sự cho bên kia trong một cuộc xung đột.
“Đó là một thỏa thuận chia sẻ hậu cần,” Nilanthi Samaranayake, giám đốc chương trình Phân tích Chiến lược và Chính sách tại Trung tâm Phân tích Hải quân có trụ sở tại Mỹ, nói.
“Ấn Độ đã và đang ký các thỏa thuận này với một số quốc gia để hỗ trợ tiếp cận khi các lực lượng Ấn Độ đến thăm các căn cứ ở nước ngoài và có thể nhận được hỗ trợ hậu cần”.
Thỏa thuận hậu cần với Nhật Bản cũng tương tự như những thỏa thuận mà Ấn Độ đã ký với các thành viên khác của Nhóm Bộ Tứ: Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.
Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà hai nước láng giềng và đối thủ của Trung Quốc đang tìm kiếm mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn.
Giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã xảy ra đụng độ biên giới vào mùa hè này với việc quân đội Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ tranh chấp do Ấn Độ kiểm soát, khiến nhiều binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc thiệt mạng.
Nhật Bản lo lắng về các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản đang nắm giữ.
Về hỗ trợ quân sự trực tiếp, sự giúp đỡ mà Ấn Độ và Nhật Bản có thể dành cho nhau là hạn chế. Delhi và Tokyo cách nhau 6.400km.
Trọng tâm chiến lược của Ấn Độ là biên giới đất liền phía bắc với Trung Quốc và an ninh hàng hải ở sân sau Ấn Độ Dương. Nhật Bản tập trung vào Đông Bắc Á, và cả Ấn Độ và Nhật Bản đều không thực sự được trang bị để điều động các lực lượng viễn chinh đường dài.
Trong khi các tàu và máy bay hiện đại của Nhật Bản đã tiến hành các cuộc tuần tra chống cướp biển ở Vịnh Aden, thì lần cuối cùng một hạm đội lớn của Nhật Bản hoạt động ở Ấn Độ Dương là năm 1942, khi các tàu sân bay của Hải quân Đế quốc Nhật Bản đánh chìm nhiều tàu chiến của Đồng minh.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định Trung Quốc không thể không lưu ý rằng các thỏa thuận hậu cần này cho phép các đối thủ tiềm năng của họ linh hoạt hơn. Ví dụ, việc tiếp cận các căn cứ của Ấn Độ sẽ giúp các tàu chiến của Úc, Nhật Bản và Mỹ hoạt động ở Ấn Độ Dương dễ dàng hơn.
Pankaj Jha, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh tại Đại học Jindal của Ấn Độ, cho biết: “Nhật Bản và các nước Bộ Tứ khác muốn phát triển các điểm hẹn trên khắp Ấn Độ - Thái Bình Dương, bao gồm Djibouti, Guam và các đảo Andaman và Nicobar”.
“Điều này sẽ giúp Nhật Bản trong các hoạt động hải quân ở Ấn Độ Dương và khi Hải quân Ấn Độ thăm Nhật Bản,” Samaranayake nói. "Vì vậy, hiệp ước chắc chắn sẽ mang lại nhiều ích lợi cho các bên”.