Ước tính khoảng 10 triệu người dân ở Bihar, một trong những tiểu bang nghèo nhất Ấn Độ đang bị đe dọa tính mạng trước nguy cơ nhiễm độc asen trong nguồn nước ngầm.
Tiến sĩ Ashok Ghosh đến từ Trung tâm nghiên cứu và Viện ung thư Mahavir ở Patna, Bihar, người đã nghiên cứu tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm của bang này từ năm 2004 nói rằng nồng độ asen trong nguồn nước tại một số huyện ở Bihar đã tăng lên kể từ khi ông nghiên cứu.
Một cậu bé bơm nước cho bạn tắm ở một ngôi làng tại bang Bihar.
Theo báo cáo, 17 trong số 38 huyện ở Bihar có nguồn nước ngầm chứa nồng độ asen vượt quá giới hạn cho phép.
Các máy bơm tay ở một số nơi như huyện Buxar đã bị nhiễm độc asen với nồng độ trên 1.500 ppb.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO ) cho biết giới hạn cho phép của asen trong nước là 10 ppb, trong khi chính phủ Ấn Độ ban hành lượng asen an toàn là 50 ppb, tức cao gấp 5 lần so với ngưỡng giới hạn.
Kể từ năm 2004, tiến sĩ Ghosh đã kiểm tra 44.000 giếng ở Bihar và nhận thấy nguồn nước có lượng asen cao hơn 10 ppb chiếm khoảng 30%. Và ông tin rằng những người tiếp xúc với độc tố này trong thời gian dài đang có dấu hiệu của ung thư và các bệnh khác.
Tìm ra mối liên hệ giữa nguồn nước nhiễm arsen và bệnh ung thư
Năm 2016, Viện ung thư Mahavir đã tiếp nhận 23.000 bệnh nhân ung thư và mặc dù không phải tất cả nhưng đa số trường hợp có liên quan tới việc tiếp xúc với asen. Một số trường hợp khác là do nhai thuốc lá và hút thuốc, ông Ghosh cho biết.
Người dân Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt đang cho trẻ uống nước tại một trại tị nạn ở Bihar.
"Tôi đã kiểm tra các mẫu máu, tóc và móng của những bệnh nhân ung thư và phát hiện ra họ có các triệu chứng rõ ràng về ngộ độc asen. Những đứa trẻ 6 - 7 tuổi cũng mắc bệnh ung thư mặc dù chúng không nhai thuốc hay hút thuốc. Điều này thật đáng lo ngại", ông Ghost nói.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) cho biết asen là một nguyên tố hóa học tồn tại trong các hợp chất hữu cơ và vô cơ. Trong đó, asen vô cơ rất độc và gây ra ung thư,
Theo tiến sĩ Ghosh, asen là một chất độc phát tác chậm. Các triệu chứng xuất hiện sau khi hấp thụ asen liên tục trong 5 - 12 năm.
Tiến sĩ Kunal Kanti Majumdar, giáo sư tại trường Cao đẳng y tế KPC và bệnh viện ở Kolkata đã phát hiện trường hợp ngộ độc asen đầu tiên ở Kolkata, phía Tây Bengal, Ấn Độ vào năm 1983, khi bệnh nhân đang gặp các tổn thương về da.
Ganesh Rai ở Saran, Bihar đã bị bệnh dày sừng quang hóa, một triệu chứng của ngộ độc asen. Ông qua đời khi mới 58 tuổi do bị ung thư thận.
Tùy thuộc vào các yếu tố như liều lượng, thời gian tiêu thụ, mức dinh dưỡng và yếu tố di truyền mà ngộ độc asen mạn tính có thể dẫn tới ung thư.
Asen có liên quan tới nhiều loại ung thư khác nhau ở Ấ Độ và phổ biến nhất là ung thư da, tiếp theo là ung thư bàng quang, thận và phổi, tiến sĩ Majumdar cho biết.
Các triệu chứng phổ biến của ngộ độc asen bao gồm biến đổi sắc tố da và dày sừng - yếu tố dẫn tới cứng da ở lòng bàn tay và lòng bàn chân.
Ngoài ra, ngộ độc asen cũng có thể dẫn đến các bệnh về đường hô hấp, bệnh về mạch máu, thần kinh và xơ gan.
Đề xuất giải pháp cho mạch nước ngầm ở bang Bihar
IARC cho biết trước năm 1970, người dân Ấn Độ sử dụng nước từ bể, ao và giếng khoan để sinh hoạt hàng ngày.
Nhưng sau đó, từ khi có hàng triệu giếng ống được lắp đặt ở vùng đồng bằng Ganges với mục đích để ngăn ngừa các bệnh tiêu hóa như tiêu chảy thì người dân ở đây nhanh chóng phụ thuộc vào nguồn nước ngầm,
Dày sừng là một triệu chứng của nhiễm độc asen.
Điều này có nghĩa là trước đây ở tầng nước ngầm có tồn tại một hợp chất không thể hòa tan với sắt gọi là Arsenopyrit và sau khi phân chia nhiều lần khiến asen bị tách ra dưới dạng ion hòa tan và xâm nhập vào nguồn nước ngầm - nguồn nước mà hàng triệu người tiêu thụ trong nhiều thập kỷ qua.
Nguyên nhân sự gia tăng nồng độ asen là do sử dụng nước ngầm quá nhiều. Sử dụng nguồn nước này quá nhiều sẽ làm thay đổi tính chất của tầng nước ngầm, tiến sĩ Ghosh cho biết.
Để khắc phục tình trạng này, tiến sĩ Ghosh đề nghị kiểm tra từng cái bơm hoặc giếng và dựa vào mức độ asen trong nước mà đánh dấu an toàn hoặc không an toàn.
Nhóm nghiên cứu của ông bắt đầu kiểm tra những cái bơm ở Bihar và sử dụng màu xanh để đánh dấu an toàn, màu đỏ là không an toàn nhưng chúng nhanh chóng bị đổi màu.
Vì vậy, theo tiến sĩ Ghosh, cần có sự hỗ trợ của chính phủ để phân biệt giữa nguồn nước có nồng độ asen cao và thấp, đồng thời giúp người dân địa phương nhận ra những rủi ro có thể gặp phải.
Cơ quan nghiên cứu quốc tế về ung thư cho biết việc ô nhiễm asen trong mạch nước ngầm cũng xảy ra ở các nước khác như Argentina, Chile, Mexico, Mỹ, Trung Quốc và Bangladesh.
*Theo CNN