Sự xuất hiện nổi bật của Ấn Độ tại HSE 2018
Với hơn 100 gian hàng, Triển lãm Quốc tế về An ninh năm 2018 (Home Security Expo – HSE 2018) đã quy tụ trên 50 doanh nghiệp trong và ngoài nước chuyên về công nghệ và thiết bị cho ngành An ninh.
Triển lãm có sự tham gia của các đơn vị sản xuất, phân phối trang thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ cho công tác An ninh - Quốc phòng đến từ các quốc gia hàng đầu thế giới như: Pháp, Israel, Belarus, Nga, Ukraina, Hàn Quốc, Trung Quốc và đặc biệt là Ấn Độ.
Phía Ấn Độ có sự góp mặt của một số tên nổi bật như Brahmos Aerospace, Hindustan Aeronautics Limited , Indian Ordinance Factory, Bharat Electronics Limited… Các gian hàng của doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng Ấn Độ đều có diện tích trưng bày rất rộng, đặt tại các vị trí trung tâm nổi bật của HSE 2018.
Tới Việt Nam lần này, Ấn Độ đã mang theo nhiều sản phẩm với mục đích tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu. Bên cạnh các loại vũ khí sát thương thu hút nhiều sự chú ý gần đây như tên lửa chống hạm BrahMos, tên lửa phòng không Akash còn có sự xuất hiện của hai sản phẩm nổi bật là máy bay vận tải đa dụng Dornier Do 228 và trực thăng đa dụng hạng nhẹ Dhruv.
Vì còn nhiều vướng mắc mà mục tiêu xuất khẩu máy bay Do 228 và trực thăng Dhruv sang cho một số bạn hàng tại khu vực châu Á trong đó có Việt Nam vẫn chưa thực hiện được.
Do đó, sự xuất hiện của mô hình máy bay vận tải đa dụng Dornier Do 228, trực thăng đa dụng hạng nhẹ Dhruv tại HSE 2018 được cho là một động thái tiếp thị của Ấn Độ hướng tới thị trường Việt Nam.
Ngược lại, phía Việt Nam cũng rất quan tâm, tìm hiểu tính năng của các sản phẩm trên so với những đối thủ trên thế giới nhằm phục vụ mua sắm, trang bị trong tương lai.
Trong thời gian diễn ra triển lãm, công ty Hindustan Aeronautics Limited (HAL) đã tiếp xúc với đoàn cán bộ của Quân chủng PKKQ và giới thiệu về tính năng kỹ - chiến thuật của máy bay vận tải Dornier Do 228, trực thăng Dhruv.
Phía Việt Nam dành sự quan tâm tới một số tiêu chí cơ bản như tầm hoạt động, trần bay, kích thước, tải trọng, khả năng chuyên chở người… của hai loại máy bay nêu trên.
Hai bên cùng trao đổi về tính năng kỹ - chiến thuật của máy bay vận tải đa dụng Dornier Do 228, trực thăng đa dụng hạng nhẹ Dhruv. Ảnh: Ngọc Quỳnh
Máy bay vận tải đa dụng Do 228
Dornier Do 228 là một loại máy bay được thiết kế để có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm vận tải hàng hóa, hành khách, hoạt động trong các hãng hàng không, các công ty tư nhân, huấn luyện phi hành đoàn và phục vụ giám sát, tìm kiếm và cứu hộ cũng như quan sát và truyền thông.
Năm 1983, HAL của Ấn Độ đã mua giấy phép từ nhà sản xuất máy bay Dornier GmbH của Đức và đến nay đã sản xuất được 125 chiếc. Tính tới tháng 7/2018, dòng máy bay Do 228 đã đạt được con số hơn 4 triệu giờ bay.
Do 228 có chiều dài 16,56m, cao 4,86m, sải cánh 16,97m, trọng lượng rỗng 3,2 tấn, tải trọng hữu ích 2 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 6,4 tấn.
Để làm được điều đó, Do 228 được trang bị 2 động cơ tuốc bin cánh quạt Garrett AiResearch TPE-331-5 công suất 776 mã lực/chiếc. Do 228 đạt vận tốc cực đại 434km/h, trần bay hơn 8.500m. Do 228 có khả năng cất cánh đường băng ngắn, chỉ cần dài 750m.
Máy bay được vận hành bởi một phi hành đoàn gồm 2 phi công và có thể chở được 15–19 hành khách. Do 228 có thể chở tối đa 20 người trong nhiệm vụ chở khách. Ngoài chức năng trên, chiếc Do 228 còn được chế tạo cả phiên bản quân sự phục vụ mục đích chở quân, vận tải hàng hóa, đào tạo phi công, giám sát biển và tìm kiếm cứu nạn.
Do 228 tiêu thụ ít nhiên liệu và mức độ bảo dưỡng bảo trì thấp, máy bay có thể bay được cự ly 2.500 km trong thời gian 5,5 giờ.
HAL đang sản xuất phiên bản Do 228NG mới là biến thể cải tiến của Do 228-212 và là máy bay turbine cánh quạt đa năng, có thể chở 19 hành khách, hoặc cải hoán cho các mục đích khác nhau như quan sát biển, kiểm soát biên giới, phát hiện vệt dầu loang…
Do 228NG khác với Do 228-212 ở chỗ có các cánh quạt 5 lá cánh bằng composite, "buồng lái kính" và thiết bị avionics số mới.
Theo thông tin từ hợp đồng cung cấp Do-228 dành cho Quân đội Ấn Độ giai đoạn 2014-2015, giá thành Do-228 rơi vào khoảng 15 - 25 triệu USD, trong đó phiên bản dành cho Hải quân sẽ có giá cao hơn so với Không quân do lắp đặt thêm trang thiết bị trinh sát, tuần thám.
Mô hình máy bay vận tải Do-228 tại HSE 2018. Qua quan sát, có thể thấy về mặt tổng thể, mô hình Do-228 tại HSE 2018 vẫn là phiên bản Do-228-212 với điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất là việc sử dụng cánh quạt 4 lá (so với loại 5 lá của Do 228NG). Ảnh: Ngọc Quỳnh
Trực thăng HAL Dhruv
Trực thăng HAL Dhruv được thiết kế với sự trợ giúp của MBB (Đức), thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 20/8/1992, chính thức được chấp nhận đưa vào phục vụ năm 2002. Tính đến thời điểm năm 2017 đã có 231 chiếc xuất xưởng.
Chiếc máy bay lên thẳng hạng nhẹ này có chiều dài 15,9 m; đường kính rotor 13,2 m; cao 4,98 m; trọng lượng rỗng 2.502 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 5.500 kg; tải trọng có ích 2.600 kg; kíp lái 1 - 2 người; sức chứa 12 - 14 hành khách hoặc 4 cáng cứu thương.
Máy bay được trang bị 2 động cơ turbine trục Turbomeca TM 333 Turboshaft công suất 801 kW (1.074 mã lực) mỗi chiếc (phiên bản Mk I/II) hoặc 2 động cơ HAL Shakti công suất lên tới 899 kW (1.206 mã lực) mỗi chiếc (biến thể Mk III/IV).
Mô hình trực thăng Dhruv MK III tại HSE 2018 với một pháo Nexter M621 20mm, các giá treo tích hợp được rocket cỡ 70 mm, tên lửa chống tăng có điều khiển Ảnh: Ngọc Quỳnh
Bản thuyết minh về tính năng kỹ - chiến thuật của trực thăng Dhruv tại HSE 2018. Ảnh: Ngọc Quỳnh
Tốc độ lớn nhất trực thăng HAL Dhruv đạt được là 295 km/h, tầm bay 640 km, thời gian hoạt động tối đa 3 giờ 42 phút, trần bay 6.096 m; vận tốc lên cao 10,3 m/s.
Phiên bản MK III là phiên bản trực thăng đa dụng tương tự như MK I/II, nhưng sử dụng động cơ ARDIDEN 1H1 do Ấn Độ tự sản xuất chuyên hoạt động ở độ cao lớn.
Mặt khác, trực thăng HAL Rudra MK III được tích hợp thêm vũ khí, có thể mang theo một pháo Nexter M621 20mm, các giá treo tích hợp được rocket cỡ 70 mm, tên lửa chống tăng có điều khiển và cả tên lửa không đối không tầm ngắn cùng hệ thống tìm kiếm mục tiêu thông qua camera ảnh nhiệt (FLIR) gắn phía trước mũi.
Ngoài ra, phiên bản hải quân của Dhruv (sử dụng bánh đáp thay vì càng đáp) còn có thể mang theo 2 ngư lôi hoặc bom chìm chống ngầm hay 2 tên lửa đối hạm hạng nhẹ để chống tàu mặt nước.
Với giá thành một chiếc máy bay rẻ hơn khoảng 15% so với các đối thủ cạnh tranh, Dhruv đã dành được sự quan tâm của nhiều quốc gia, chủ yếu là từ Nam Mỹ, Châu Phi, Tây Á, Đông Nam Á và Vành đai Thái Bình Dương.
Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ đã có nhiều bước tiến vượt bậc, phía bạn luôn tỏ ý sẵn sàng cung cấp cho chúng ta những vũ khí tối tân nhất.
Bởi vậy, không loại trừ khả năng trong tương lai, Không quân hoặc Không quân Hải quân Việt Nam sẽ mua sắm và đưa vào biên chế hai dòng máy bay vận tải đa năng này của Ấn Độ.
Nữ bộ trưởng QP Ấn Độ ngồi trên chiến đấu cơ Su-30MKI