Hãng tin Reuters cho biết, Ấn Độ đang tăng cường nỗ lực bán hệ thống tên lửa hành trình tiên tiến cho Việt Nam. Bên cạnh đó, nước này còn đang "nhắm" tới ít nhất 15 thị trường nữa.
Việc xuất khẩu tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos (do Nga-Ấn liên doanh sản xuất) sẽ đánh dấu một bước chuyển đối với quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.
New Delhi đang tìm cách xuất khẩu vũ khí để hỗ trợ các quốc gia đối tác củng cố phòng thủ, trong khi giúp ngành công nghiệp trong nước tăng doanh thu.
Theo Reuters, chính phủ Thủ tướng Narendra Modi đã đề nghị tập đoàn BrahMos Aerospace (đơn vị sản xuất tên lửa BrahMos) đẩy nhanh tiến độ cung cấp cho một danh sách khách hàng gồm 5 quốc gia, đứng đầu là Việt Nam. Các nước còn lại bao gồm Indonesia, Nam Phi, Chile và Brazil.
Philippines đứng đầu bản danh sách thứ 2 gồm 11 nước, trong đó có Malaysia, Thái Lan, UAE. Đây là những quốc gia "đã bày tỏ sự quan tâm nhưng cần thảo luận và phân tích sâu hơn".
Chiến hạm INS Ranvir thuộc lớp Rajput của Ấn Độ phóng tên lửa hành trình BrahMos
Ấn Độ đang tích cực xây dựng quan hệ quân sự với Việt Nam. Trước đó, New Delhi đã thông qua khoản vay tín dụng 100 triệu USD để hỗ trợ Việt Nam mua tàu tuần tra.
Trong tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch.
Một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng nói với Reuters rằng, Ấn độ hy vọng sẽ kết thúc các cuộc đàm phán về việc cung cấp tên lửa BrahMos cho Việt Nam vào cuối năm nay.
Cũng theo nguồn tin này, chính phủ Ấn Độ đang cân nhắc đề nghị cung cấp cho Việt Nam tàu chiến trang bị sẵn tên lửa BrahMos, thay vì chỉ cung cấp các tổ hợp tên lửa riêng lẻ.
"Một khinh hạm trang bị tên lửa BrahMos có thể đóng vai trò quyết định, nó có thể trở thành công cụ răn đe thực sự ở Biển Đông" - nguồn tin nói, đồng thời cho biết thêm rằng, New Delhi có thể mở rộng hạn mức tín dụng để hỗ trợ Việt Nam trang trải chi phí của con tàu.
BrahMos được xem là một trong những loại tên lửa hành trình đáng gờm nhất trên thế giới, chủ yếu là do tốc độ hành trình siêu thanh và độ chính xác cao của nó.
Mặc dù BrahMos có tầm bắn ngắn hơn một số loại tên lửa hành trình khác nhưng nó vẫn là tên lửa hành trình chống tàu nhanh nhất hiện nay, có thể di chuyển với tốc độ lên tới Mach 3 trong khi bay sát mặt biển để tránh bị phát hiện.
Tên lửa BrahMos có thể phóng từ đất liền, trên tàu nổi, trên không, thậm chí từ tàu ngầm hay bệ phóng dưới mặt nước.
Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos rời bệ phóng thẳng đứng trên tàu hộ vệ INS Tarkash (F50) của Ấn Độ