Ấn Độ mở chiến lược kìm chân Trung Quốc

Xuân Mai |

Các nhà phân tích nhận định việc Ấn Độ tăng cường đa dạng hóa quan hệ đối tác quân sự có thể buộc Trung Quốc phải thay đổi chiến lược trong khu vực.

Ấn Độ và Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận chung Hand-in-Hand (Tay trong Tay) năm 2018 hồi tuần rồi với mục tiêu tăng cường các hoạt động chống khủng bố giữa hai bên.

Song song đó, Ấn Độ cũng tiến hành tập trận chung với các nước khác trong năm nay, trong đó có Mỹ và Nga.Cuộc tập trận chung Hand-in-Hand diễn ra ở TP Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, dự kiến kéo dài 14 ngày.

Cuộc diễn tập này bắt đầu từ năm 2013 nhưng bị hoãn hồi năm ngoái do xảy ra xung đột giữa hai bên về dự án xây đường của Trung Quốc tại khu vực Doklam. Căng thẳng giữa hai nước được xoa dịu sau 8 tuần nỗ lực ngoại giao.

Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang có kế hoạch tập trận với lực lượng không quân và hải quân Nga. Giai đoạn đầu cuộc tập trận Avia Indra, diễn ra 2 năm/lần, được thực hiện tại Nga hồi tháng 9 và đợt thứ hai sẽ diễn ra tại TP Jodhpur - Ấn Độ trong tuần này.

Trong khi đó, cuộc tập trận hải quân diễn ra trong một tuần dự kiến kết thúc vào ngày 23-12. Bên cạnh đó, Ấn Độ tiếp tục gia tăng quan hệ với Mỹ. Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), lực lượng không quân hai nước đang thực hiện cuộc tập trận Cope 18 kéo dài 11 ngày ở Tây Bengal.

Ông Collin Koh, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam thuộc ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), nhận định: "Việc Ấn Độ hợp tác an ninh và quốc phòng với các cường quốc trên thế giới giúp nâng cao khả năng hợp tác chặt chẽ hơn với những đối tác nước ngoài, đồng thời gây trở ngại cho hoạt động tự do quân sự cũng như chiến lược của Trung Quốc".

Quan hệ quân sự - chính trị cũng như các thương vụ vũ khí giữa Ấn Độ và Mỹ gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Washington đã bán cho New Delhi 15 tỉ USD vũ khí trong thập niên vừa qua. Đây được xem là một phần trong chính sách đối ngoại của Mỹ nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á.

Trước đó, Ấn Độ cùng Mỹ, Nhật Bản và Úc tham gia các cuộc thảo luận về tự do hàng hải, chống khủng bố và an ninh biển ở châu Á bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN hồi tháng 11 ở Singapore.

Cuộc họp này được xem là sự hồi sinh "Đối thoại An ninh Tứ giác" hay còn gọi là "Bộ tứ" - một cuộc gặp thường niên không chính thức, bắt đầu từ năm 2007 và kéo dài trong 3 năm - trong đó tập trung tìm ra chiến lược đối phó việc Trung Quốc gia tăng tầm ảnh hưởng kinh tế và quân sự tại châu Á.

Ông Abhijit Singh, người đứng đầu Sáng kiến Chính sách hàng hải tại Tổ chức Nghiên cứu Observer (Ấn Độ), cho rằng sự nhạy bén trong việc đa dạng hóa quan hệ đối tác quân sự của Ấn Độ được thúc đẩy từ nhu cầu duy trì ảnh hưởng trong khu vực. Ông Singh cũng cảnh báo bước đi cân bằng của Ấn Độ có khả năng khiến Trung Quốc thận trọng hơn.

Trong khi đó, ông Debasis Dash, nhà phân tích châu Á về các chiến lược trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương thuộc Trường ĐH Malaya (Malaysia), cho rằng New Delhi có thể trở thành người bạn đáng tin cậy với Moscow hơn là Bắc Kinh và việc Ấn Độ phát triển quan hệ với Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ giúp nâng tầm vị thế của hai bên.

Ông Rajeev Ranjan Chaturvedy, Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, cho rằng Ấn Độ đẩy mạnh đa dạng hóa đối tác quân sự có thể mang lại sự cân bằng cho khu vực giữa lúc Trung Quốc và Mỹ đang cạnh tranh lợi thế quân sự.

Chuyên gia này nói thêm ngoại giao quân sự Ấn Độ ngày một gia tăng được xem là bước đi ổn định và phù hợp với chính sách "phản ứng trước" và "bảo đảm an ninh khu vực" của Ấn Độ.

Thách thức lớn nhất với ông Tập Cận Bình

Kinh tế Trung Quốc sụt giảm rõ rệt trong những tháng gần đây được cho là thách thức lớn nhất đối với Chủ tịch Tập Cận Bình trong 6 năm lãnh đạo. Ở trong nước, ông phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn có thể phục hồi đà tăng trưởng kinh tế nhưng cũng nảy sinh các vấn đề dài hạn, như nợ công nặng nề.

Trên trường quốc tế, nhà lãnh đạo Trung Quốc buộc phải đưa ra những nhượng bộ trước Mỹ khi cuộc chiến thương mại với Tổng thống Donald Trump ngày càng căng thẳng.

Cuối tuần rồi, giới chức Trung Quốc đã thừa nhận tốc độ tăng trưởng suy yếu đáng sửng sốt về doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp hằng tháng.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định đây là đợt sụt giảm tồi tệ nhất của kinh tế Trung Quốc kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một thập kỷ trước, khi Bắc Kinh buộc phải bơm hàng ngàn tỉ USD vào nền kinh tế để giữ cho tốc độ tăng trưởng không bị trượt đường ray.

"Ông Tập Cận Bình từng ví Trung Quốc như một đại dương mà không cơn bão nào có thể khuấy động nhưng trận cuồng phong đang tấn công Trung Quốc là trận mạnh nhất từ trước đến nay" - nhà kinh tế học tại London (Anh) Diana Choyleva nhận định, đồng thời dự đoán tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc thậm chí sẽ giảm xuống mức thấp hơn giai đoạn khủng hoảng tài chính.

Trong các tài liệu được công bố chính thức, Bắc Kinh luôn thể hiện nền kinh tế này vẫn phát triển ổn định, với tăng trưởng 6,5% trong quý III năm nay so cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, phía sau những con số này là sự sụt giảm đáng kể.

Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc xuống dốc trong tháng trước. Doanh số ôtô trong 3 tháng qua giảm với tỉ lệ kỷ lục. Thị trường bất động sản cũng ảm đạm...

Theo The New York Times, tình trạng ảm đạm của nền kinh tế có thể thấy rõ ở các "công xưởng sản xuất" của Trung Quốc như Quảng Châu và Đông Quản. Hầu như không còn việc để làm, nhiều công nhân... nghỉ Tết sớm trước 2 tháng.

Câu hỏi lớn đang được đặt là chuyện gì sẽ xảy ra vào năm tới, đặc biệt ở những khu vực ven biển vốn phụ thuộc các hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ.

Trong một bình luận trên Twitter hôm 14-12, ông Donald Trump viết: "Trung Quốc vừa thông báo rằng nền kinh tế của họ đang tăng trưởng chậm hơn nhiều so với dự tính vì chiến tranh thương mại".

Thu Hằng

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại