Dự án thủy điện tại huyện Medog ở Tây Tạng dự kiến sẽ phá vỡ kỷ lục của đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử, ở miền Trung Trung Quốc, với công suất dự kiến đạt 300 tỷ kw điện mỗi năm. Dự án đầy tham vọng này cũng được đề cập trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc tại Kỳ họp thứ 4 Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc vào tháng 3/2021. Tuy vậy, giới chức Trung Quốc vẫn chưa công bố chi tiết, khung thời gian và ngân sách cho dự án. Trước đó, Trung Quốc đã triển khai xây dựng một số dự án thủy điện nhỏ hơn trên con sông này.
Tháng 10/2020, giới chức Tây Tạng đã ký một “thỏa thuận hợp tác chiến lược” với PowerChina – công ty chuyên xây dựng các dự án thủy điện. Bày tỏ niềm đam mê với “khu vực được cho là giàu có nhất thế giới về tài nguyên thủy điện này”, ông Yan Zhiyong, người đứng đầu công ty PowerChina giải thích rằng, con đập sẽ tạo ra nguồn điện dồi dào nhờ độ dốc lớn của dòng sông ở quãng này.
Bắc Kinh cho rằng dự án là một giải pháp thân thiện với môi trường để thay thế cho việc sử dụng nhiên liệu hóa thách, tuy nhiên, nó có nguy cơ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà bảo vệ môi trường, giống như những gì từng xảy ra với đập Tam Hiệp. Đập Tam Hiệp được xây dựng từ năm 1994 đến 2012, chắn ngang sông Dương Tử, đoạn chảy qua tỉnh Hồ Bắc, và hiện là đập thủy điện lớn nhất trên thế giới.
Đập Tam Hiệp đã tạo ra một hồ chứa nước khổng lồ với diện tích bề mặt hơn 1.000km2, khiến 1,4 triệu người dân phải sơ tán. Để hoàn thành công trình, 40.000 công nhân đã làm việc không ngơi nghỉ trong 17 năm, với chi phí hàng chục tỷ USD.
Ông Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Stimson tại Washington D.C, Mỹ nhận định: “Việc xây dựng một con đập có kích cỡ siêu lớn có thể là một ý tưởng tồi vì nhiều lý do”. Không chỉ nổi tiếng với các hoạt động địa chấn mạnh, khu vực mà Trung Quốc dự kiến xây siêu đập còn có hệ đa dạng sinh thái độc nhất. Theo ông Brian Eyler, con đập mới có thể ngăn chặn sự di cư của các loài cá và dòng chảy phù sa giúp đất đai trở nên màu mỡ ở hạ lưu trong mùa lũ.
Còn Tempa Gyaltsen Zamlha, chuyên gia môi trường tại Viện Chính sách Tây Tạng cho rằng, dự án có thể đối mặt với rủi ro về sinh thái lẫn chính trị. Phát biểu với AFP, ông Tempa Gyaltsen Zamlha cho biết: “Chúng tôi có di sản văn hóa rất phong phú ở trong khu vực này. Vì thế, bất cứ công trình xây dựng đập nào cũng có thể hủy hoại hệ sinh thái và ảnh hưởng đến các di sản đó”. Theo ông Tempa Gyaltsen Zamlha, dự án xây đập sẽ buộc nhiều người dân địa phương phải rời bỏ nhà cửa.
Nguy cơ bùng nổ "cuộc chiến nước"
Giới phân tích lo ngại căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ có thể chuyển hướng từ khu vực biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya sang dòng chảy từ dãy núi cao nhất thế giới này. Ấn Độ đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về dự án xây dựng siêu đập của Trung Quốc.
Nhiều nhà phân tích nhận định, Trung Quốc có ý định dùng siêu đập trên sông Yarlung Zangbao để kiểm soát dòng chảy, gây áp lực với các nước hạ lưu, giống như những gì nước này đã làm với sông Mekong. Một số ý kiến khác cho rằng, Bắc Kinh đang có ý đồ kiểm soát nguồn nước của cả khu vực Nam Á.
Trong một bài bình luận trên tờ Thời báo Ấn Độ (Times of India), nhà khoa học chính trị Brahma Chellaney đánh giá: “Cuộc chiến nước là một yếu tố quan trọng của chiến tranh. Trung Quốc có thể tận dụng sức mạnh ở thượng nguồn để kiểm soát nguồn tài nguyên thiên nhiên thiết yếu nhất”.
Chuyên gia này cảnh báo, rủi ro liên quan đến các hoạt động địa chấn sẽ khiến con đập trở thành một “quả bom nước” có thể phát nổ bất cứ lúc nào và đe dọa cuộc sống của người dân ở khu vực hạ lưu.
Để đối phó với kế hoạch xây siêu đập của Trung Quốc, chính phủ Ấn Độ đã đưa ra ý tưởng xây dựng một con đập khác trên sông Brahmaputra nhăm tăng cường việc trữ nước và vô hiệu hóa ảnh hưởng của dự án mà Bắc Kinh theo đuổi.
“Vẫn còn nhiều thời gian để đàm phán với Trung Quốc về tương lai của siêu đập và ảnh hưởng mà nó tạo ra”, chuyên gia Eyler nói, song ông cũng lưu ý “kết quả đàm phán thất bại sẽ khiến Ấn Độ xây dựng một con đập khác ở hạ lưu”./.