Ngay sau khi thông tin này được công bố, nhiều cơ quan truyền thông của Ấn Độ đã lên tiếng quan ngại. Tờ Times of India nói rằng nếu đường hầm này được xây dựng, nó có thể sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lượng nước ở sông Brahmaputra, gây hạn hán bất thường ở lưu vực sông này.
Đồng thời, người dân Ấn Độ và Bangladesh có thể sẽ chịu hậu quả nặng nề nếu đường hầm này tích nước vào mùa mưa, gây lũ bất thường.
Trước thông tin trên, Bắc Kinh ngày 31-10 đã lên tiếng bác bỏ việc tác động đến sông Brahmaputra. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Doanh tái khẳng định TQ sẽ tiếp tục “coi trọng vấn đề hợp tác về sông biên giới” với các nước láng giềng.
Theo báo cáo ban đầu của SCMP, đường hầm dài 1.000 km trên sẽ giúp vận chuyển nước từ huyện Sangri thuộc Tây Tạng tới sa mạc Taklamakan ở Tân Cương.
Hơn 100 nhà khoa học được cho là đã nỗ lực nghiên cứu dự án này. Kế hoạch đã được đề xuất lên chính phủ trung ương và sẽ sớm được công bố. Các nhà nghiên cứu ước tính nếu được xây dựng, đường hầm này sẽ có khả năng vận chuyển 10-15 tỉ tấn nước về Tân Cương mỗi năm.
TS Uông Vĩ đến từ ĐH Tứ Xuyên, người được cho tham gia phác thảo dự án trên, cho biết ước tính cứ 1 km đường hầm sẽ tốn 1 tỉ nhân dân tệ (150 triệu USD). Điều này có nghĩa để xây đường hầm, TQ phải chi tổng cộng 150 tỉ USD.