Bài công bố vừa được đăng tải trên tạp chí khoa học Papers in Palaentology đã mô tả một chi và loài bò sát giống cá sấu mới đáng ngạc nhiên từng lang thang ở Ấn Độ khoảng 235 đến 208 triệu năm trước.
Nó được đặt tên là Colossosuchus techniensis, thuộc về một nhóm bò sát cổ đại lớn tên Phytosauridae, sống lưỡng cư giống cá sấu và đã hoàn toàn tuyệt chủng.
Các phần xương của một trong 21 cá thể được khai quật và hình ảnh phục dựng bộ xương - Ảnh: VIỆN CÔNG NGHỆ ẤN ĐỘ
"Chúng tạo thành một nhánh riêng biệt và đại diện cho kỷ lục sớm nhất về tính đặc hữu trong số các loài phytosaurs ở Gondwana" - các nhà cổ sinh vật học Debajit Datta và Sanghamitra Ray từ Viện Công nghệ Ấn Độ cho biết.
Gondwana là một siêu lục địa cổ đại của Trái Đất, nằm ở phía Nam địa cầu và tồn tại song song với siêu lục địa phía Bắc Lausaria, đã bắt đầu tan rã từ khoảng 200 triệu năm về trước.
Phần còn lại hóa thạch của Colossosuchus techniensis được tìm thấy trong Hệ tầng Tiki, nằm trong Lưu vực Rewa Gondwana của Ấn Độ. Đó là di tích của cả một đàn " khủng long lai cá sấu" với 27 mẫu sọ - hàm và khoảng 339 mảnh xương khác, tương ứng với ít nhất 21 cá thể động vật, chủ yếu là các con chưa trưởng thành.
Chân dung Colossosuchus techniensis khi còn sống trên Trái Đất - Ảnh: VIỆN CÔNG NGHỆ ẤN ĐỘ
Tuy nhiên cũng có con đạt đến kích thước quái vật. "Tổng chiều dài cơ thể của cá thể lớn nhất được phục hồi từ xương được ước tính là hơn 8 m, cho thấy Colossosuchus techniensis là một trong những loài phytosaurs lớn nhất được biết đến" - tờ Sci News trích dẫn nghiên cứu.
Ngoài Colossosuchus techniensis, ít nhất hai loài phytosaurs khác từng sống cùng thời điểm ở các vùng khác nhau của Ấn Độ.