Theo Times of India, một đoạn video ghi lại sự việc nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội khiến mọi người bối rối không biết chiếc máy bay đến đó bằng cách nào.
Ngay sau đó, báo giới đã liên lạc với Air India để hỏi về vụ việc và phát hiện ra rằng chiếc máy bay mắc kẹt dưới gầm cầu vốn đã được bán cho một đơn vị tư nhân vì nó “quá cũ và hư hỏng”.
Chủ sở hữu mới của chiếc máy bay quyết định vận chuyển nó tới nơi khác nhưng đã không tính toán đúng về kích thước của chiếc phi cơ, do đó dẫn tới sự cố mắc kẹt dưới gầm cầu đường bộ.
Đoạn video cho thấy chiếc máy bay “khổng lồ” đã chặn một phần đường cao tốc. Mũi và nửa thân máy bay đã vượt qua gầm cầu dành cho người đi bộ, còn phần đuôi thì mắc kẹt.
Người phát ngôn của sân bay Delhi cũng tuyên bố rằng, không có máy bay nào đang hoạt động liên quan đến vụ việc.
“Tất nhiên, chiếc máy bay mắc kẹt không thuộc phiên chế bay của phi trường Delhi và trong đoạn video cho thấy, nó đang được vận chuyển mà không có cánh. Rõ ràng đây là chiếc máy bay bị hỏng, và tài xế có lẽ đã tính sai khi vận chuyển nó trên cao tốc”, người phát ngôn của sân bay cho biết.
Một sự cố tương tự cũng xảy ra vào năm 2019. Do không chú ý đến biển báo hạn chế chiều cao, một tài xế xe tải ở Durgapur, Tây Bengal (Ấn Độ) đã lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan khi xác chiếc máy bay Boeing B737 mà xe tải kéo theo bị kẹt cứng dưới chân cầu.
Trước đó, chiếc máy bay Boeing B737 đã bị bỏ quên tại sân bay Kolkata suốt nhiều năm sau khi ngừng hoạt động. Cuối cùng, ban quản lý sân bay quyết định đưa xác máy bay đến một bãi phế liệu.