Ấn Độ gặp khó khi "thay máu" lực lượng không quân

Tuấn Sơn |

Chương trình "thay máu" lực lượng không quân đầy kỳ vọng của Ấn Độ với việc thay thế hoàn toàn các đơn vị máy bay Mig-21 và Mig-27 bằng máy bay chiến đấu tiên tiến vào năm 2024 đang gặp nhiều trở ngại nghiêm trọng.

Giới chức quân sự Ấn Độ đang đau đầu với các kịch bản hãng chế tạo Mỹ Lockheed Martin từ chối chuyển giao hoàn toàn công nghệ máy bay chiến đấu F-16V Viper; hãng chế tạo Thụy Điển SAAB sẵn sàng chuyển giao thì không sở hữu hoàn toàn công nghệ lõi, còn hãng chế tạo hàng không nội địa HAL không đáp ứng được mục tiêu về chất lượng và số lượng máy bay lắp ráp nội địa.

Khi nhà thầu nước ngoài "làm khó"

Chương trình thay thế máy bay chiến đấu hạng trung mới của Ấn Độ đang gặp vấn đề nghiêm trọng khi nhà thầu Mỹ Lockheed Martin tuyên bố sẽ không chuyển giao hoàn toàn công nghệ lắp ráp máy bay chiến đấu F-16V Viper cho New Delhi nếu tổng giá trị hợp đồng giữa hai bên chỉ đạt 10 tỷ USD.

Chương trình thay thế máy bay Mig-21 và Mig-27 vào năm 2024 lại càng khó đạt kỳ vọng của giới chức quân sự Ấn Độ khi cả hãng chế tạo Pháp Dassault Aviation cũng từ chối cung cấp công nghệ của máy bay chiến đấu Rafale theo hợp đồng MMRCA.

Ấn Độ gặp khó khi thay máu lực lượng không quân - Ảnh 1.

Ấn Độ gặp khó khi thay máu lực lượng không quân - Ảnh 2.

Ấn Độ muốn thông qua các hợp đồng tỷ đô để sở hữu công nghệ hàng không hiện đại trên máy bay chiến đấu Rafale (ảnh trên) và F-16V (ảnh dưới).

"Công nghệ của máy bay F-16 sẽ không bao giờ được chuyển giao hoàn toàn cho nước ngoài. Đây không phải là vấn đề kinh tế hay bí mật công nghiệp, mà đơn giản là nó không được phép cung cấp đầy đủ cho nước ngoài", Phó giám đốc phụ trách vấn đề hàng không thuộc Diễn đàn hợp tác chiến lược Mỹ-Ấn, Keith Webster tuyên bố, khi đánh giá về khả năng phiên bản máy bay F-16V được lắp ráp tại Ấn Độ.

Hiện tại, máy bay F-16V và Gripen-E (hãng chế tạo SAAB) đang là ứng cử viên chính cho gói thầu tìm mua 114 máy bay chiến đấu hạng trung mới của Không quân Ấn Độ. Điều kiện tiên quyết của hợp đồng máy bay trung thầu phải được sản xuất tại Ấn Độ trên cơ sở công ty liên doanh.

"Ấn Độ đang rất khao khát sở hữu những công nghệ hàng không hiện đại trong lĩnh vực ra-đa hàng không, động cơ phản lực, tàng hình và đối kháng điện tử. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rõ vào vấn đề Ấn Độ là thị trường đầy tiềm năng, không một nhà thầu quốc tế nào muốn New Delhi sở hữu đầy đủ công nghệ để tự chủ hoàn toàn", nhà phân tích quân sự Ấn Độ Anil Chopra đánh giá.

Không giống như Lockheed Martin và Dassault Aviation, hãng chế tạo Thụy Điển SAAB tuyên bố sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của Ấn Độ về việc chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, vấn đề lại phát sinh ở chỗ SAAB không nắm hoàn toàn công nghệ của máy bay Gripen-E, mà phụ thuộc vào các nguồn cung phụ tùng từ nhiều quốc gia khác nhau.

Chiến lược phát triển công nghiệp quốc phòng Ấn Độ những năm gần đây là sử dụng các gói thầu có giá trị lớn, nhưng kèm theo điều kiện chuyển giao công nghệ để thu hút các hãng chế tạo quân sự lớn trên thế giới. Chiến lược này dường như đã không phát huy tác dụng khi hầu hết các hãng chế tạo đều ngần ngại hoặc từ chối chuyển giao công nghệ lõi.

Chất lượng và năng lực sản xuất nội địa hạn chế

Chương trình "thay máu" không quân của Ấn Độ không chỉ gặp vấn đề đối với các nhà thầu nước ngoài, mà còn ở năng lực chế tạo của HAL và chất lượng của dòng máy bay chiến đấu nội địa Tejas Mk-1.

Dù đã được chấp nhận vào biên chế Không quân Ấn Độ, máy bay chiến đấu Tejas Mk-1 vẫn còn rất nhiều hạn chế về hệ thống ra-đa, động cơ và đối kháng điện tử. Chính vì lý do này, giới chức Không quân Ấn Độ đã nhiều lần từ chối tiếp tục hợp đồng mua 83 máy bay Tejas Mk-1 mới.

"Ấn Độ sẽ cần nỗ lực nhiều hơn nữa để chương trình LCA (máy bay Tejas Mk-1) thành công. Nó cần được nâng cấp đáng kể về hệ thống ra-đa, động cơ và đối kháng điện tử", chuyên gia A. Chopra nhận định.

Ấn Độ gặp khó khi thay máu lực lượng không quân - Ảnh 3.

Máy bay chiến đấu nội địa Tejas Mk-1 vẫn chưa đạt kỳ vọng của giới chức quân sự Ấn Độ.

Vấn đề không chỉ nằm ở chất lượng máy bay Tejas Mk-1. Kể cả khi dòng máy bay nội địa của Ấn Độ đạt yêu cầu, nhưng với năng lực sản xuất của HAL chỉ đảm bảo 16 máy bay/năm, thì hợp đồng đặt mua 83 máy bay của Không quân Ấn Độ sẽ chỉ hoàn thành vào năm 2028.

Con số đó là không đủ để Không quân Ấn Độ thay thế 11 không đoàn (18-20 máy bay/không đoàn) máy bay Mig-21 và Mig-27 vào năm 2024.

"Để giải quyết vấn đề này, Ấn Độ sẽ buộc phải chấp nhận mua máy bay thành phẩm từ nước ngoài và chấp nhận sản phẩm nội địa có chất lượng không đáp ứng yêu cầu đề ra", chuyên gia A. Chopra đánh giá.

Những vấn đề trên chắc chắn sẽ làm suy giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của Không quân Ấn Độ. Một quan chức Không quân Ấn Độ khẳng định: "Chúng đã đang phải trả giá cho hơn một thập kỷ do dự".

Điều này là hoàn toàn hợp lý khi kể cả ở kịch bản hoàn hảo nhất, Ấn Độ sẽ chỉ đảm bảo được khả năng chiến đấu của 33 không đoàn chiến đấu vào năm 2032 (theo kế hoạch con số này phải là 42).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại