Theo Tư lệnh lực lượng Không quân Ấn Độ, bên cạnh Su-30MKI, khi cần thiết các máy baytiêm kích MiG-29K hiện có trong biên chế không quân hải quân nước này cũng sẽ được huy động. Ông nói:
"Những máy bay này có thể thực hiện các nhiệm vụ không chỉ trong phạm vi những chiến dịch hải quân mà chúng có thể được tung vào không phận trên địa hình sa mạc, trên các vùng lãnh thổ khác của chúng tôi, khi bảo vệ bờ cõi của đất nước.
Việc sử dụng MiG-29K chỉ có thể được thực hiện trong trường hợp không có nhu cầu triển khai các chiến dịch trên không của lực lượng hải quân vào thời điểm đó".
Tiêm kích MiG-29K của Không quân hải quân Ấn Độ.
Tuyên bố này được ông Rakesh Bhadauria đưa ra khi trả lời câu hỏi về việc các máy bay của lực lượng không quân hải quân có thể được sử dụng hay không khi triển khai những chiến dịch tại biên giới của Ấn Độ với Pakistan hoặc với Trung Quốc.
Ông Rakesh Bhadauria: "Tất cả sức mạnh không quân của chúng tôi sẽ phải là một thể thống nhất. Điều đó rất quan trọng để thực hiện nhiệm vụ cụ thể. Nếu cần triển khai nhiệm vụ chiến đấu trên sa mạc - MiG-29K sẽ bay trên sa mạc".
MiG-29K là dòng tiêm kích tàu sân bay mà Ấn Độ đang sử dụng với tổng cộng 45 chiếc, bao gồm cả biến thể huấn luyện 2 chỗ ngồi MiG-29KUB. Chúng là biến thể nâng cấp sâu với hệ thống radar và điện tử hàng không hiện đại, kèm theo đó là những vũ khí tối tân nhất.
Sự leo thang căng thẳng gần đây đã xảy ra khi các binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ gần một đường biên giới ở Sikkim vào đầu tháng Năm. Cuộc tranh cãi được nói là bắt đầu khi lính Trung Quốc hét lên với lực lượng Ấn Độ rằng Sikkim không phải là lãnh thổ của Ấn Độ và họ nên rời khỏi khu vực.
Bảy người Trung Quốc và bốn người Ấn Độ đã bị thương trong vụ đụng độ nhưng không có phát súng nào được bắn.
Bất chấp việc cả hai quốc gia đang triển khai hàng ngàn binh sĩ cùng vũ khí hiện đại đến các khu vực miền núi nơi hai bên đối đầu, rất ít nhà quan sát quân sự tin rằng cuộc chiến tranh biên giới năm 1962 của hai nước lớn ở châu Á đang lặp lại.