Theo First Post, quân đội Ấn Độ hiện đang tập trung đóng quân tại khu vực biên giới, xây dựng lều trại và không có ý định rút quân khỏi khu vực tranh chấp ở độ cao hơn 3.000 m so với mực nước biển tại Sikkim. Nhiều nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho biết nước này sẽ không lui quân trước những áp lực tới từ Bắc Kinh, trừ phi quân đội Trung Quốc cũng giảm căng thẳng bằng cách rút quân.
The Times of India cho biết quân đội Ấn Độ đã triển khai 2.500 binh sĩ dự bị động viên tới vùng biên giới căng thẳng. Trong khi đó, những lực lượng quân sự đóng dọc theo biên giới của Ấn Độ được lệnh sẵn sàng chiến đấu và trong tình trạng báo động cao nhất.
Không ảnh hưởng đến thương mại
Bất chấp căng thẳng biên giới leo thang, giới chức kinh tế hai nước Ấn Độ và Trung Quốc đều khẳng định vụ việc lần này sẽ không ảnh hưởng đến thương mại giữa hai quốc gia.
"Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều có sự hợp tác lâu dài với nhau vì chúng ta là hàng xóm láng giềng", ông Li Rongrong, Bí thư thứ hai của Văn phòng Tham tán Kinh tế và Thương mại của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ tuyên bố hôm 10.7 tại một hội chợ triển lãm quốc tế ở Trung Quốc.
Mohammad Sadiq, Tổng thư ký của Hội đồng Kinh tế và Văn hóa Ấn Độ - Trung Quốc thì nói rằng những căng thẳng biên giới hiện nay chỉ là tạm thời và hai bên sẽ nhanh chóng giải quyết vấn đề này ổn thỏa. Ông Sadiq cam kết rằng các doanh nhân Trung Quốc đang làm ăn tại Ấn Độ sẽ được nước này đảm bảo an ninh và nên yên tâm kinh doanh.
Giải quyết tranh chấp hòa bình
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar ngày 11.7 tuyên bố rằng Ấn Độ và Trung Quốc có thể quản lý được sự khác biệt trong tranh chấp biên giới giữa hai nước.
Phát biểu tại Singapore, ông Jaishankar nói rằng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được sự đồng thuận về hai điểm tại cuộc họp vào tháng trước bên lề hội nghị thượng đỉnh khu ở tại Astana, Kazakhstan.
Hai điểm đồng thuận là Ấn - Trung sẽ không biến những khác biệt của họ thành tranh chấp và phải đảm bảo ổn định quan hệ giữa hai nước trong bối cảnh toàn cầu đang bất ổn, ông Jaishankar giải thích.
"Sự nhất trí này nhấn mạnh sự trưởng thành chiến lược mà hai nước phải tiếp tục tiếp cận với nhau", ông Jaishankar giải thích trong một sự kiện được tổ chức bởi Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ khẳng định là New Delhi và Bắc Kinh có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết tranh chấp biên giới. Ông nói thêm là biên giới hai nước này giao nhau rất dài và chưa hề được phân định chính xác nên có những tình huống tranh chấp là bình thường.
"Đây không phải là lần đầu tiên chuyện này xảy ra và khi có những tình huống như thế này thì cách chúng tôi xử lý nó là một sự thử thách về sự trưởng thành của chúng tôi. Tôi thấy không có lý do gì để chúng tôi không thể giải quyết vụ việc lần này khi đã giải quyết nhiều tình huống tương tự trong quá khứ", ông Jaishankar nói.