Tin xấu với CNQP Nga: 12 tỷ USD sắp bốc hơi
Cụ thể là chương trình FGFA (Fifth Generation Fighter Aircraft) - chế tạo chiếc máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 đầu tiên của Ấn Độ trên nền tảng Su-57. Nguyên nhân dẫn tới quyết định này của Dehli đó là các biện pháp trừng phạt từ phía Mỹ, tờ Times of India đưa ra ngày 15/5.
Theo đó, nằm trong "tầm ngắm" sẽ là bất cứ bên thứ ba nào thực hiện chuyển tiền cho các công ty của Nga năm trong danh sách bị trừng phạt. Bên cạnh đó, "danh sách đen"của Bộ Ngoại giao Mỹ gồm có cả "Rosoboronexport", doanh nghiệp xuất khẩu vũ khí Nga mà Ấn Độ có các mối quan hệ làm ăn.
Times of India khẳng định rằng các biện pháp trừng phạt đã khiến những ngân hàng Ấn Độ thuộc diện bị ảnh hưởng phải dừng thanh toàn các khoản tiền tạm ứng cho phía Nga.
"Một mặt, Mỹ muốn Ấn Độ trở thành đối tác chiến lược thân cận nhất tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, là tấm thẻ bảo hiểm trước Trung Quốc. Mặt khác - họ đe doạ việc chúng ta có thể mua của Nga tổ hợp tên lửa phòng không S-400, cũng như các dự án tàu hộ vệ tên lửa, tàu ngầm và máy bay trực thăng", một quan chức chính phủ Ấn Độ đã chia sẻ với Times of India.
Ảnh đồ họa tiêm kích FGFA mà Nga-Ấn từng mong muốn phát triển.
Theo lời quan chức này, đối với Dehli diễn biến tình hình này không phải là thảm hoạ. Chính phủ Ấn Độ "chuyển hướng một cách sáng suốt" hoạt động nhập khẩu sản phẩm quân sự.
Thậm chí họ làm vậy vì Moscow thường xuyên thất hứa về thời hạn bàn giao sản phẩm, tăng giá giữa chừng, tạo ra những rào cản trong quá trình chyển giao công nghệ và không đảm bảo việc cung cấp phụ tùng thay thế một cách đúng hạn.
Nói cách khác, người Ấn Độ gửi tín hiệu cho thấy rằng họ bị trói tay, và từ giờ họ sẽ mua nhiều vũ khí của Mỹ hơn.
Đối với lĩnh vực công nghiệp quốc phòng (CNQP) Nga thì đây là một tin xấu. Thị trường vũ khí Ấn Độ có ý nghĩa rất lớn đối với Nga. Sau khi năm 2007 Ấn Độ vượt Trung Quốc về các bản hợp đồng mua sắm sản phẩm quốc phòng của Nga, đến nay Dehli vẫn là khách hàng nước ngoài lớn nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Năm 2016 Ấn Độ đã phê chuẩn hợp đồng mua 464 chiếc xe tăng T-90MS "Tagil" của Nga với tổng trị giá lên tới 2 tỷ USD, còn năm 2017 Tập đoàn Rostec thông báo về việc ký kết hợp đồng bán cho Ấn Độ 48 máy bay trực thăng Mi-17V-5 và 4 tàu khinh hạm tên lửa đề án 11356.
Hợp tác quân sự Nga-Ấn. Ảnh: ens.mil.ru.
Trong năm 2017, Tập đoàn chế tạo hàng không Nga (UAC) và Công ty Hindustan Aeronautics Limited của Ấn Độ đã ký hợp đồng dịch vụ bảo dưỡng các máy bay Su-30MKI - Ấn Độ đã mua 272 chiếc theo nhiều bản hợp đồng với tổng trị giá không dưới 12 tỷ USD.
Mỹ không khoanh tay đứng nhìn
Trong những năm gần đây Ấn Độ đã đặt mua của Mỹ các máy bay trực thăng tấn công AH-64 Apache, các máy bay trực thăng vận tải CH-47 Chinook, các máy bay tuần tra săn ngầm P-8, các máy bay vận tải C-130, C-17, các máy bay trinh sát Gulfstream-3. Tổng cộng từ năm 2008 Ấn Độ đã mua của Mỹ số lượng vũ khí giá trị 15 tỷ USD.
Mùa hè năm 2017, người đứng đầu Lầu Năm góc James Mattis, khi phát biểu tại Singapore, đã tuyên bố rằng Ấn Độ là đối tác trọng yếu của Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng. Còn tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp với thủ tướng Ấn Độ Modhi đã bày tỏ sự cảm ơn đã mua vũ khí của Mỹ, và nói rằng mối quan hệ giữa hai nước chưa bao giờ lại thân thiết đến vậy.
Tất cả những thứ này giúp Dehli tự tin ngã giá với Moscow. Hoặc thậm chí "đá đít" các đối tác phía Nga.
Viện sĩ Học viện các vấn đề địa chính trị, cựu cục trưởng cục hợp tác quốc tế Bộ Quốc phòng Nga, đại tướng Leonid Ivashov cho biết rằng Ấn Độ là đối tác chiến lược của Nga từ thời Liên Xô, bao gồm cả trong lĩnh vực kỹ thuật-quân sự.
Nhưng sau khi Liên Xô tan rã, Nga đánh mất vị thế quốc tế, kéo dài thời gian thực hiện hàng loạt các hợp đồng, thậm chí một số hợp đồng còn không thực hiện. Chỉ vào cuối thập niên 90, Nga mới tăng cường hợp tác với Ấn Độ.
Người đóng vai trò lớn chính là Abdul Kalam - tổng thống Ấn Độ giai đoạn 2002-2007, người ủng hộ mối quan hệ hữu hảo với Nga. Ấn Độ khi đó không chỉ quan tâm đến việc mua sắm vũ khí mà còn phối hợp với Nga nghiên cứu chế tạo và sản xuất.
Máy bay vận tải quân sự C-17 của Không quân Ấn Độ do Mỹ chế tạo.
Vào thời điểm này giữa các bộ ngành của Nga có sự bất đồng quan điểm. Bộ Quốc phòng Nga đồng tình với việc hàng loạt vũ khí, bao gồm cả tiêm kích thế hệ thứ 5, Nga phải hợp tác chế tạo cùng với Ấn Độ.
Nhưng một loạt thành viên của Chính phủ Nga lại giữ quan điểm khác: cứ để người Ấn Độ mua những gì Nga đang có, sau này đến lúc nào đó Nga sẽ tính tới mong muốn của phía Ấn Độ.
Vì thế, không có sự đột phá trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật-quân sự với Ấn Độ. Thêm vào đó, cựu bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov đã phương hại tới mối quan hệ giữa hai nước khi ông là người đứng đầu phía Nga trong tiểu ban hợp tác liên chính phủ về hợp tác kỹ thuật-quân sự với Ấn Độ.
Trong những năm gần đây mối quan hệ với Dehli đã có những cải thiện, nhưng đã xuất hiện các đối thủ cạnh tranh rất mạnh như Mỹ, Pháp và Isarel xâm nhập thị trường vũ khí Ấn Độ.
Vì thế, Nga cần phối hợp chặt chẽ với người Ấn Độ. Cần phải hiểu rằng Ấn Độ không phụ thuộc quá vào Mỹ, và Dehli đã nhiều lần chứng tỏ điều đó.
Lấy ví dụ vào năm 2015, khi TT Barak Obama có chuyến viếng thăm Ấn Độ nhân dịp Ngày Quốc khánh, người Mỹ rất muốn các máy bay tiêm kích Su-30MKI của Nga không xuất hiện trong lễ duyệt binh. Thế nhưng phi đội Su-30 vẫn thẳng hàng bay ngang qua đầu ông Obama, và Washington đã phải ngậm bồ hòn làm ngọt.
Tiêm kích Su-30MKI Nga trong Lễ duyệt binh mừng Quốc khánh Ấn Độ năm 2015.
Vì thế cho nên Nga cần phải hợp tác chặt chẽ với Ấn Độ, không chỉ để bán sản phẩm quân sự của Nga, mà phải kéo người Ấn Độ vào các dự án hợp tác và sản xuất. Thêm vào đó, cần phải chia sẻ công nghệ hay nói cách khác, cần phải cung cấp các dịch vụ mà người Ấn Độ khó lòng từ chối.
Ngoài ra, không nên quên rằng Ấn Độ là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và BRICS. Ấn Độ tham gia cả hai tổ chức này với sự ủng hộ của Nga, có nghĩa là có thể kéo Ấn Độ vào các dự án địa chính trị.
Thêm vào đó, điều quan trọng là không được lặp lại những sai lầm đang chống lại Nga. Những lời cáo buộc Moscow kéo dài thời hạn bàn giao và tăng giá liên quan tới câu chuyện bán cho Ấn Độ chiếc tàu sân bay hạng nặng Đô đốc Gorshkov trong quá khứ.
Các cuộc đàm phán để bán chiếc tàu này bắt đầu vào năm 1994. Ban đầu đáng lẽ chiếc tàu phải được chuyển cho Ấn Độ từ năm 2008. nhưng phải đến năm 2013 nó mới được bàn giao.
Cần phải khẳng định với người Ấn Độ rằng câu chuyện tương tự sẽ không lặp lại. Cuối cùng, chính các bản hợp đồng với người Ấn Độ đã cứu ngành công nghiệp xe tăng Nga - "Armata" ra đời phần nhiều là nhờ các bản hợp đồng của Ấn Độ.
Người Ấn Độ cũng "cứu rỗi" các tên lửa "Calibr" khi đặt mua chúng, và cả các doanh nghiệp hàng không. Cần phải cảm ơn họ vì điều đó.
Ấn Độ là đồng minh địa chính trị chủ yếu của Nga trong thế kỷ XXI - cần phải hiểu rõ điều này. Hai nước có chung thế giới quan, cộng với những trang lịch sử chung mà gắn kết hai quốc gia.
Người Ấn Độ cho đến nay vẫn nhớ: Nếu không phải Liên Xô hỗ trợ Ấn Độ, nếu không bán cho Ấn Độ lúa mạch và các thiết bị công nghệ, nếu không xây dựng các nhà máy công nghiệp, Ấn Độ khó có thể tồn tại như một cường quốc tự chủ. Hiện nay điều này cần phải được cải thiện và phát triển và Nga phải là người chủ động.
Tổng quan xe tăng T-14 Armata