Đúng ra theo kế hoạch sẽ có cuộc nói chuyện trực tiếp với bác sỹ Raksha, nhưng trước khi có cuộc trao đổi qua điện thoại chị đã gửi thư điện tử này:
Chị viết "Xin chào, xin gửi lời chào từ Ấn Độ và từ mặt trận-Covid-19. Tôi đáng ra muốn trao đổi kinh nghiệm của mình với các bạn, nhưng thật tiếc, lúc này tôi bị sốt xuất huyết."
Ấn Độ có 1,3 tỷ dân, là nước đứng thứ ba trên thế giới về số người bị lây nhiễm mới virus corona, sau Hoa Kỳ và Brazin. Chính thức đã có trên một triệu ca lây nhiễm - Covid, 25.000 người đã bị chết. Các nhà nghiên cứu thuộc Massachusetts Institute of Technology (MIT) dự đoán, đầu năm 2021 Ấn Độ sẽ là quốc gia bùng phát dịch tồi tệ nhất thế giới.
Đã có những bức ảnh chụp người bệnh nằm trên bìa các tông trên nền nhà ở các bệnh viện tại Delhi hay Mumbai chờ được chữa trị; những bức hình về các tuyến đường xa lộ vắng tanh, nơi trước đây thường xuyên bị ùn tắc cả tiếng đồng hồ.
Chúng tôi quá thiếu bác sỹ, nhân viên điều dưỡng và thiết bị y tế trong cuộc chiến chống virus hiện nay. Vậy mà giờ đây người nữ bác sỹ này phải nằm viện vì bị sốt xuất huyết, bệnh viện này mỗi ngày phải tiếp nhận không biết bao nhiều người bệnh mới vì virus corona.
Raksha Bhat trong bệnh viện ở Bangalore: "Tôi có thể viết một cuốn sách"
Raksha Bhat, 33 tuổi, nữ bác sỹ về các bệnh truyền nhiễm tại St. Martha's Hospital ở Bangalore, chị viết, tôi hy vọng sau một vài ngày có thể trở lại bệnh viện để làm việc, bệnh viện chờ đợi chị vì các bệnh nhân corona ngày càng nhiều.
Sau đó bác sỹ hỏi, liệu chị có thể thay cho trả lời điện thoại gửi một văn bản viết về những gì đã xẩy ra trong mấy tuần qua ở bệnh viện này được không, chị thấy việc này quan trọng và chị muốn kể về những gì đã xảy ra tại đây. Vâng, chị có thể làm như vậy. Và đây là báo cáo của nữ bác sỹ Raksha:
"Trời ơi, tôi có thể viết một cuốn sách về những gì mà tôi đã trải qua trong đại dịch này. Chuông điện thoại réo liên hồi, những con người đầy lo âu gọi điện tới. Nhiều bệnh nhân điều trị tại khoa chúng tôi không chỉ vì Covid-19: một số người còn bị lây nhiễm các loại vi khuẩn gây bệnh khác, một số bị sốt xuất huyết cùng với Covid-19.
Có cả chị em bụng mang dạ chửa bị Covid-19 cũng điều trị tại đây. Tôi vừa lấy mẫu ở mấy đứa trẻ sơ sinh và cả ở những người vừa mới qua đời, thật không thể tả xiết.
"Không thể giải quyết những bê bối trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ ngày một ngày hai được"
Hiện tại đã có một triệu trường hợp lây nhiễm đã chính thức được công nhận ở Ấn Độ. Một triệu! Tại Bangalore, nơi tôi sinh sống, chính phủ của Karnataka đã ra lệnh tái cách ly - lần cách ly này trước mắt sẽ diễn ra đến ngày thứ tư tới. Nhu cầu về giường bệnh tăng với cấp số nhân . Chúng tôi biết làm gì để làm chủ được tình hình đây?
Từ nhiều năm nay mảng chăm sóc sức khoẻ ở chỗ chúng tôi đã có nhiều vấn đề, cho nên vụ đại dịch này sẽ vượt ra khỏi tầm kiểm soát của các bệnh viện. Chúng tôi sẽ còn phải chứng kiến nhiều bệnh nhân Covid-19 trông đợi để có giường bệnh hoặc những người phải chầu chực cả ngày trời để nhận được kết quả khám nghiệm.
Cuối tháng 12 tôi đã được đọc những bài viết đầu tiên về Covid-19. Tôi nhận thức được rằng chúng tôi phải tự chuẩn bị để đối đầu với một cái gì đó rất nghiêm trọng sắp xảy ra. Giờ đây tôi bị quật ngã vì sốt xuất huyết, bị tê liệt hoàn toàn. Tôi cảm thấy khắp người đau mỏi, tôi không đứng lên nổi. Tuy vậy tôi vẫn cố làm việc tại nhà, kết nối công việc. Tôi hy vọng sớm bình phục để có thể hỗ trợ cho cuộc chiến.
Chính phủ Ấn Độ đã ban hành rất sớm quyết định cách ly trong cả nước. Điều đó đã giúp chúng tôi có thêm thời gian. Tuy nhiên những yếu kém về hạ tầng trong hệ thống chăm sóc sức khoẻ người ta không thể ngày một ngày hai, thậm chí trong vài ba tháng mà có thể khắc phục được. Ấn Độ xếp thứ 145 trên thế giới về khả năng tiếp cận sự hỗ trợ về y tế cũng như về chất lượng chăm sóc y tế. Ấn Độ chỉ chi 1,6% tổng sản phẩm quốc nội (BIP) cho chăm sóc sức khoẻ người dân.
Tôi lo lắng cho anh chị em điều dưỡng: lúc này nhiều người bị cắt chế độ nghỉ phép, đã thế họ còn phải chấp nhận bị cắt giảm lương. Bệnh viện thiếu thiết bị hô hấp , thiếu y tá và các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm. Mọi sự sẽ dẫn đến đâu? Cái hộp Pandora đã mở. Chúng tôi làm việc vì người bệnh của mình và đã vượt quá khả năng của mình.
Những người cần sự trợ giúp cấp tính không phải là những con số hay dữ liệu thống kê. Họ là những con người. Chúng tôi những người ở bệnh viện cũng vậy. Chúng tôi không phải là các chiến sỹ Covid-19 hay đại loại cái gì đó như vậy. Chúng tôi cũng chỉ là con người. Chúng tôi làm tất cả những gì có thể, liệu chúng tôi còn trụ lại được bao lâu nữa, tôi không biết ."
Theo spiegel.de