Ấn Độ cố moi móc bí mật của xe tăng T-90MS: Nga giật mình "thon thót" - Sẽ có bê bối lớn?

Bảo Lam |

Trong quá khứ, khi Liên Xô cung cấp cho Ai Cập xe tăng T-72 với tính năng rút gọn và tình cờ bị sơ hở về hệ thống điều khiển hỏa lực. Và một vụ bê bối lớn đã nổ ra.

Nga có thể bị tước mất bản hợp đồng cung cấp vũ khí cho Ấn Độ

Bộ Quốc phòng Ấn Độ yêu cầu, để mua các xe tăng T-90MS với tổng giá trị lên tới 1,92 tỷ USD, họ cần mức độ nội địa hoá cao hơn đối với việc sản xuất các phụ tùng. Thông tin này do nguồn tin trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng Ấn Độ chia sẻ với tờ Defense News của Mỹ.

Theo đó, Bộ Quốc phòng Ấn Độ muốn nâng tỷ lệ phụ tùng được sản xuất trong nước từ mức 40% hiện nay lên thành 80%.

Hiện giờ Nga đang cung cấp hệ thống pháo cho T-90MS, mà một phần chi tiết cũng đang được sản xuất ở Ấn Độ. Tuy nhiên, Ấn Độ không chế tạo động cơ và hệ thống truyền động vốn chiếm tới khoảng 40% giá thành của chiếc xe tăng.

Dự kiến các xe tăng T-90MS sẽ được Nhà máy các phương tiện vận tải hạng nặng quốc gia Ấn Độ sản xuất theo giấy phép của "Uralvagonzavod" (Nga).

Một trong những yêu cầu của người Ấn Độ đối với nhà cung cấp - là chuyển giao công nghệ. Loại hình hợp đồng này chưa bao giờ được ký kết giữa các bên, điều có thể khiến cho giá thành sản xuất và bảo dưỡng khí tài tăng lên.

Vào thời điểm hiện nay, bản hợp đồng cung cấp 464 chiếc T-90MS đã được Uỷ ban về an ninh của Văn phòng Chính phủ Ấn Độ thông qua sơ bộ. Trước đó Ấn Độ đã tiếp nhận từ Nga hai lô xe tăng T-9S0: lần lượt là 310 và 347 chiếc, mà một phần được lắp ráp tại Ấn Độ.

Vì sao Ấn Độ mua lượng lớn xe tăng hiện đại từ Nga?

Việc các xe tăng của Nga bán rất chạy cho Ấn Độ có thể một phần là do sự thất bại của chương trình chế tạo xe tăng "Arjun" nội địa. Trong bối cảnh xung đột với Pakistan và mối quan hệ nguội lạnh với Trung Quốc, Ấn Độ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mua khí tài này của các quốc gia khác.

Trong một thời gian dài, Ấn Độ từng là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới và chỉ mới đây phải nhường chỗ cho Ả Rập Xê Út. Trên thị trường vũ khí Ấn Độ, Nga cạnh tranh với Mỹ và Pháp. Như vậy, đây không chỉ là vấn đề cung cấp sản phẩm quân sự, mà còn là vấn đề cạnh tranh về chính trị.

Ấn Độ cố moi móc bí mật của xe tăng T-90MS: Nga giật mình thon thót - Sẽ có bê bối lớn? - Ảnh 2.

Ấn Độ đang có trong biên chế gần 1.000 xe tăng T-90 các loại.

Theo lời tổng biên tập trang điện tử MilitaryRussia. Ru, ông Dmitri Kornev, yêu cầu của người Ấn Độ về nội địa hoá không phải là cái gì đó mới mẻ đối với Nga:

"Với việc sử dụng T-90MS, Ấn Độ sẽ không gặp phải vấn đề. Bởi vì, chúng ta cung cấp thường xuyên cho họ các xe tăng. Và đó là T-72, là T-90. Chúng ta cũng bảo dưỡng các xe tăng này. Bởi vậy, chúng ta hiểu rõ các điều kiện vận hành chúng trong khí hậu nhiệt đới nóng ẩm.

Và thêm nữa, các xe tăng của chúng ta đã qua thử nghiệm chiến đấu ở Afganistan, ở Syria, ở Việt Nam và những khu vực thời tiết nóng ẩm phía nam từ thời kỳ Liên Xô.

Vấn đề chính đối với T-90MS tại Ấn Độ - đó là hệ thống điều hoà. Nó đã được chế tạo và vận hành. Và điều quan trọng là nó được chế tạo dành riêng cho phiên bản khí hậu nóng ẩm.

Việc nội địa hoá quá trình lắp ráp trong 5-10 năm gần đây là một trong những yêu cầu chính, mà Ấn Độ đưa ra, khi mua gần như bất cứ khí tài nhập khẩu nào. Tối thiểu phải nội địa hoá được hoạt động bảo dưỡng, và cả lắp ráp nữa.

Tất cả đều gặp phải vấn đề này: cả người Mỹ lẫn người Pháp và chúng ta. Ít có nhà cung cấp nào trên thế giới lại lách được yêu cầu này. Nếu không người Ấn Độ sẽ không mua.

Thêm nữa, vào thời kỳ Liên Xô, các máy bay MiG-21, MiG-27 của chúng ta cũng từng được lắp ráp tại Ấn Độ. MiG-27 thậm chí còn có tên gọi Ấn Độ là "Bahadur". Có nghĩa đây không phải là vấn đề mới.

Nhờ nội địa hoá Ấn Độ giữ vững được nền kinh tế của mình, phát triển nó. Bên cạnh đó, họ không nhất thiết phải tiếp nhận công nghệ. Ít ra là công nghệ tối quan trọng. Đối với các xe tăng T-90MS những công nghệ này chính là việc sản xuất động cơ và các vật liệu thép.

Còn việc lắp ráp chiếc xe tăng với động cơ được sản xuất tại Nga, hoặc với tháp pháo cung cấp từ Nga, không được coi là chuyển giao công nghệ tối quan trọng.

Nhưng ở đây có những điểm cần quan tâm. Lấy ví dụ, ai sẽ bảo hành cho khí tài của Nga được lắp đặt bởi người Ấn Độ. Bởi vậy, có thể có những yêu cầu công nghệ nào đó. Nhưng tại sao không? Có thể triển khai đàm phán xung quanh vấn đề này.

Liên quan tới công nghệ tối quan trọng, đối với các xe tăng đó là lớp chống đạn của thân xe, lớp chống đạn của tháp pháo, đó là lớp chống đạn chủ động được lắp đặt lên thân xe và tháp pháo. Hơn nữa, trên xe tăng T-90MS sử dụng lớp chống đạn chủ động thế hệ mới nhất.

Lớp giáp này chỉ áp dụng cho T-90MS và Armata. Thậm chí trong các lực lượng vũ trang Nga nó gần như chưa được sử dụng. Sản xuất hệ thống điều khiển hoả lực, hệ thống pháo cũng có thể coi là các công nghệ tối quan trọng.

Ấn Độ cố moi móc bí mật của xe tăng T-90MS: Nga giật mình thon thót - Sẽ có bê bối lớn? - Ảnh 4.

Xe tăng T-14 Armata.

Từng có câu chuyện trong quá khứ, khi Liên Xô cung cấp cho Ai Cập các xe tăng T-72 với chức năng rút gọn và tình cờ bị sơ hở liên quan tới chính các hệ thống điều khiển hoả lực. Và một vụ bê bối lớn đã nổ ra.

Vì các hệ thống điều khiển hoả lực có thể khác nhau, nên điều đó ảnh hướng lớn tới những tính năng chiến đấu thực sự của chiếc xe tăng.

Hiện nay, hệ thống điều khiển hoả lực đã phải là kỹ thuật số, hiện đại. Và vì Ấn Độ là một quốc gia phát triển về công nghệ thông tin, các lập trình viên của họ nổi danh khắp thế giới, thì họ có thể tự mình làm được cái gì đó.

Hoặc làm cùng với Nga một sản phẩm. Điều đó có lẽ sẽ mang lại ý nghĩa. Ví dụ, trường hợp của tổ hợp tên lửa BrahMos. Giao diện điều khiển trên tổ hợp của chúng ta do người Ấn Độ thiết kế".

Tổng biên tập Tạp chí "Xuất khẩu vũ khí" (Nga), ông Andrei Frolov, không loại trừ những trận đấu tăng sẽ xảy ra giữa Ấn Độ và Pakistan.

"Đối với người Ấn Độ, T-90MS ít nhiều có danh tiếng. Họ đã tự lắp ráp T-90 từ các phụ tùng của Nga.

Từng xuất hiện những thông tin cho rằng họ đã làm chủ được các động cơ. Cho nên về mặt lý thuyết, việc tăng tỷ lệ nội địa hoá là điều có thể. Mặt khác, cụ thể họ muốn đưa cái gì vào 20% còn lại. Đó là điều cần phải trao đổi.

Nói chung, đối với Ấn Độ tất cả đều rất bình thường. Hiện nay họ đang tăng cường phát triển chương trình 'Make in India'. Họ cố gắng ở khắp nơi, chỗ nào có thể và chỗ nào không, để tăng tỷ lệ nội địa hoá.

Số lượng các xe tăng của Nga đã lên tới hơn 1 nghìn chiếc ở Ấn Độ, họ cần là để chiến đấu, trước tiên, với Pakistan. Các xe tăng T-90MS của chúng ta là để chống lại các xe tăng của Pakistan. Pakistan đang sở hữu những xe tăng T-80 của Ukraine và "Al-Halid".

Đó cũng là T-80, nhưng chỉ là do Trung Quốc sản xuất. Như vậy, nếu nổ ra cuộc xung đột với Pakistan thì sẽ là cuộc chiến giữa các khí tài của trường phái chế tạo xe tăng Liên Xô.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, khá lạ lùng khi Nga cung cấp cho thị trường nước ngoài hàng trăm xe tăng T-90MS nhưng lại bỏ quên hoàn toàn các lực lượng vũ trang của mình. Căn cứ vào các nguồn tin mở, trong giai đoạn 2018-2019 Bộ Quốc phòng Nga sẽ chỉ mua khoảng 10 chiếc T-90MS.

Ấn Độ cố moi móc bí mật của xe tăng T-90MS: Nga giật mình thon thót - Sẽ có bê bối lớn? - Ảnh 5.

Xe tăng T-90 do Nga chế tạo.

Nguyên nhân là do, thứ nhất, hiện đang diễn ra quá trình nâng cấp xe tăng T-72. Còn có T-80T, T-80U… nữa. Thứ hai, quân đội đang chờ đợi Armata, nó sẽ vượt trội hơn hẳn T-90MS. Ngoài ra, còn các hợp đồng mua T-90M. Quá đủ xe tăng rồi.

Về những khía cạnh chính trị của các yêu cầu từ phía Ấn Độ đối với Nga, nghiên cứu viên của Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ thuộc Viện Phương Đông học Viện Hàn lâm khoa học Nga, ông Sergei Rabey chia sẻ.

"Yêu cầu nội địa hoá sản xuất các xe tăng của Nga ở Ấn Độ rất phù hợp với mô hình phát triển kinh tế hiện nay của Ấn Độ - Make in India. Chính phủ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp để phát triển sản xuất trên lãnh thổ Ấn Độ. Có nghĩa đây là định hướng chung của đất nước.

Mục tiêu của định hướng này – thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá. Ấn Độ cần như thế. Trong vòng vài năm gần đây tốc độ tăng trưởng kinh tế đã đạt mức 8%. Và nếu bây giờ tốc độ này sụt giảm, thì chính quyền hiện tại có thể sẽ phải chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, Ấn Độ cố gắng cạnh tranh với Trung Quốc, như vai trò của công xưởng thế giới.

Có nghĩa là nếu chấp thuận các yêu cầu của Ấn Độ về nội địa hoá sản xuất T-90MS, Nga sẽ thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá của Ấn Độ, đồng thời tăng cường quá trình phi công nghiệp hoá của chính mình.

Các chính khách của Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng Nga với Ấn Độ còn hơn cả bạn và việc Nga sẵn sàng chia sẻ với Ấn Độ các công nghệ, tổ chức sản xuất trên lãnh thổ của Ấn Độ chứng tỏ điều này. Và nhờ hợp tác kinh tế, Nga sẽ đạt được những lợi thế trên phương diện chính trị.

Tình hình căng thẳng xảy ra mới đây ở biên giới Ấn Độ và Pakistan, theo quan điểm của tôi, được kích động một cách cố ý để tăng sự ủng hộ đối với chính phủ hiện tại của Ấn Độ.

Lấy ví dụ, có thể thấy họ cố gắng ném bom những chỗ không người, tránh các căn cứ quân sự và dân sự. Điều này khó có thể leo thang thành cuộc xung đột lớn. Sau cuộc bầu cử đã bắt đầu và sẽ kéo dài 01 tháng, mọi người sẽ quên ngay thôi!

Cho nên khó có một trận đấu tăng lớn nào xảy ra giữa hai bên, mặc dù khí tài quân sự vẫn đang kéo tới khu vực biên giới. Thậm chí cho tới nay Pakistan vẫn chưa mở không phận của mình cho các máy bay dân sự".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại