Ấn Độ quyết "chơi lớn" mua súng từ cả Nga lẫn Mỹ?
Vào tháng 2/2019, Quân đội Ấn Độ đã tuyên bố họ đã lựa chọn súng trường tấn công SIG716G2 7.62x51mm do Mỹ sản xuất là vũ khí sẽ được trang bị kế tiếp cho kho vũ khí khổng lồ của họ.
Trong cuộc đấu thầu, SIG716G2 đã đánh bại hai khẩu súng trường chiến đấu 7.62x51mm khác: Caracal CAR817 (do UAE sản xuất) và một khẩu của công ty IWI (Israel) có thể là Galil ACE hoặc Tavor 7.
Tại sao để súng trường SIG716G2 vượt qua các đối thủ này? Những lợi thế nào có thể dẫn đến việc quân đội Ấn Độ mua nó?
Súng trường tấn công Caracal CAR817.
Về thiết kế, SIG716G2 thực tế không khác gì khẩu Caracal CAR817. Cả hai khẩu súng trường kiểu AR-15/M-16 này đều bắn đạn 7.62x51mm sử dụng trích khí ngắn với piston.
Có một số khác biệt nhỏ giữa hai khẩu súng trường trong cách bố trí các chi tiết bên trong, thiết kế piston và các tính năng kỹ chiến thuật, nhưng sự khác biệt về chức năng chính là khu vực đặt trích khí.
Trên CAR817, trích khí được gắn ray và là vị trí thước ngắm trước bằng kim loại, thiết kế này được cho rằng nhằm giữ ổn định đường ngắm tốt hơn vì thước ngắm được gắn trực tiếp vào khối nòng súng.
Tuy nhiên, trên CAR 817, điều này có nghĩa là ray picatinny sẽ bị chặn ở trích khí, điều này khiến việc gắn đèn pin hay đèn laser chỉ thị mục tiêu là không thể. Ngược lại, SIG716G2 có khối trích khí nằm dưới đường ray picatinny cho phép gắn thêm nhiều phụ kiện ở phía trên.
Miêu tả chi tiết các thành phần của SIG716G2.
SIG716G2 có thiết kế ốp lót tay và ray "rỗng" tạo không gian cho một công cụ điều chỉnh trích khí theo các phương án khác nhau (bắn tỉa hoặc bắn loạt). Đây là thiết kế phổ biến nhất hiện nay, sử dụng trên súng trường tấn công URG-I mới của Lực lượng đặc biệt Mỹ.
Trích khí của SIG716G2 cũng có thể điều chỉnh 4 chế độ: Tắt (Off) nhằm phóng lựu đạn từ đầu nòng, khóa để bắn phát một, chế độ bắn thường và chế độ khi súng quá nóng (liên tục khai hỏa trong thời gian ngắn) so với chỉ hai phương án trên CAR817.
Khả năng phóng lựu đạn từ đầu nòng của SIG716G2 có thể là yếu tố quyết định khiến Ấn Độ lựa chọn nó. Khẩu súng trường mà SIG716G2 thay thế là INSAS, cũng có một bộ phận khóa trích khí với mục đích phóng lựu đạn từ đầu nòng.
Nếu so với hai khẩu súng trường tấn công của Israel, Galil ACE 7.62x39mm không có khóa trích khí trong khi Tavor 7 có một chế độ. Nhưng Tavor 7 dường như không hỗ trợ gắn lựu đạn đầu nòng.
Quân đội Ấn Độ đã sử dụng hạn chế súng trường Tavor 5.56x45mm, nhưng các biến thể hiện có chỉ phóng lựu đạn từ ống phóng kẹp nòng, chứ không phải lựu đạn đầu nòng.
Tuy nhiên, bất kể tính năng kỹ chiến thuật, việc lựa chọn súng trường của UAE, Israel, Mỹ hoặc Nga để trang bị cho quân đội Ấn Độ có thể chỉ là một động thái chính trị, nhằm cân bằng các cam kết thương mại vũ khí giữa các quốc gia cạnh tranh nhau.
Như vậy, đối thủ thực sự của SIG có thể không phải là súng trường Caracal hay IWI, mà là các súng trường tấn công của Mỹ khác.
Dự kiến Ấn Độ sẽ đặt hàng 72,400 khẩu SIG716G2 từ Mỹ.
Điểm yếu chí tử của Quân đội Ấn Độ
Hợp đồng mua sắm SIG716G2 được Ấn Độ tuyên bố là để bổ sung cho súng trường tấn công AK-103 từ Nga và Caracal CAR 816 từ UAE.
Điều này đồng nghĩa với việc Ấn Độ sẽ trang bị ba cỡ đạn khác nhau trong tương lai gần bao gồm 7.62x51mm (SIG716G2), 7.62x39mm (AK-103) và 5.56x45mm (Caracal CAR 816).
Ngoài ra, Ấn Độ vẫn còn tồn kho từ 700 tới 900 nghìn khẩu INSAS 5.56x45mm, hàng trăm nghìn khẩu AKM 7.62x39mm và hàng chục nghìn biến thể AR-15/M16 5.56x45mm.
Đó là chưa kể tới các loại súng bắn tỉa, súng máy trang bị khắp các đơn vị như SVD Dragunov, PKM (7.62x54mmR) hay Steyr SSG 69, Mauser SP66 SIG Sauer SSG 3000, H&K PSG1, IMI Galil Sniper, IMI Negev, MG-2/5A/6A, M249 (7.62x51mm).
Binh sĩ Ấn Độ và đạn nhập khẩu.
Vào năm 2016, Ấn Độ quyết định giảm nhập khẩu đạn và thay thế bằng các dự án phát triển nhà máy sản xuất đạn dược trong khu vực kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên các quan chức Ấn Độ định hướng khu vực kinh tế tư nhân của nước này tập trung vào thành lập các liên doanh với nước ngoài để sản xuất các cỡ đạn lớn và đạn sản xuất trong nước cũng chỉ có mục tiêu chiếm khoảng 1/4 tổng nhu cầu đạn dược hàng năm.
Năm 2018, liên doanh Techmash của Nga-Ấn Độ đã có thể sản xuất được các loại đạn cỡ lớn như đạn pháo 125mm dùng cho pháo chính của xe tăng.
Sĩ quan Ấn Độ và súng trường tấn công AK sử dụng đạn 7.62x39mm.
Ước tính nhu cầu đạn dược hàng năm của Ấn Độ vượt quá 1 tỷ USD, ở thời điểm hiện tại, với cỡ đạn nhỏ Ấn Độ vẫn chủ yếu nhập khẩu do đạn trong nước thường không đủ điều kiện sử dụng.
Các nhà máy sản xuất đạn súng trường tấn công của Ấn Độ như Varangaon được thành lập vào năm 1965 là một ví dụ.
Đây chuyền sản xuất đạn 7.62x51mm được mua lại từ Hoa Kỳ, ngoài cỡ đạn nói trên, nhà máy được cho là chế tạo các loại đạn súng trường 5.56x45mm và 7,62x39mm.
Mặc dù vậy đạn do nhà máy sản xuất đã gặp phải sự cố trong các vũ khí tự động và bị rút khỏi trang bị của Quân đội Ấn Độ.
Theo bài báo của India Today xuất bản năm 2017, Ấn Độ có tới 152 chủng loại đạn dược và kho dự trữ của nước này yêu cầu là phải đủ đạn dược để tham chiến trong một "cuộc chiến khốc liệt" kéo dài 40 ngày.
Tuy nhiên sau khi kiểm tra, số đạn dược mà Ấn Độ dự trữ chỉ có thể đủ để binh lính tham chiến trong vòng 10 ngày, cụ thể là chỉ có 31 loại đạn và 20% số đạn trong kho là sẵn sàng sử dụng.
Có thể suy đoán, trong trường hợp một cuộc xung đột lớn diễn ra, với quá nhiều loại súng và cỡ đạn khác nhau, đi cùng với số đạn sử dụng được quá thấp, binh sĩ Ấn Độ sẽ phải "bó tay chịu trói" khi có trong tay có vũ khí hiện đại nhưng không đủ đạn để bắn.
Một dây chuyền sản xuất đạn ở Ấn Độ.