Nga đồng ý đẩy nhanh tiến độ bàn giao S-400 cho Ấn Độ
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời các nhà phân tích quân sự đánh giá, việc đẩy nhanh lộ trình bàn giao hệ thống tên lửa Nga cho Ấn Độ có thể tạo thành mối đe dọa với Trung Quốc trong tranh chấp biên giới Trung-Ấn, nhưng không phải trong ngắn hạn.
Truyền thông Nga hồi cuối tuần trước đưa tin, Moskva đã đồng ý đẩy thời hạn bàn giao một tổ hợp phòng không S-400 vào tháng 1/2021, sớm hơn gần 1 năm so với kế hoạch ban đầu.
New Delhi trước đó đã đề nghị phía Nga tăng tốc thực hiện thỏa thuận trị giá 5.43 tỉ USD, trong bối cảnh căng thẳng quân sự với Trung Quốc leo thang. Theo hợp đồng Ấn Độ ký với Nga tháng 10/2018, số tên lửa đầu tiên trong hệ thống sẽ được chuyển giao vào cuối năm 2021.
Mỹ từng khuyến cáo New Delhi không tham gia thỏa thuận với Nga, trong khi có một số nghi ngờ tại Ấn Độ về tính hiệu quả cũng như khả năng răn đe mà S-400 mang lại. Tuy nhiên, vụ đụng độ đẫm máu giữa quân đội Ấn với Quân giải phóng nhân dân (PLA) hôm 15/6 vừa qua - làm 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và ít nhất 76 người khác bị thương - đã khiến việc thực thi thỏa thuận này trở nên cấp bách.
Trong chuyến công du Moskva hồi tuần trước để tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày chiến thắng phát xít Đức, Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã thúc giục phía Nga tăng tốc không chỉ thỏa thuận cung cấp S-400 mà còn cả đơn hàng 21 máy bay MiG-29 và 12 máy bay Su-30 MKI.
"Tôi đã được [phía Nga] bảo đảm rằng các hợp đồng đang tiến hành sẽ được duy trì, và không chỉ như vậy, hợp đồng sẽ được hoàn thành nhanh chóng, trong thời gian sớm hơn," ông Singh nói, mô tả các cuộc trao đổi của ông với Phó thủ tướng Nga Yury Borisov là "hết sức tích cực và xây dựng".
"Tất cả các đề xuất của chúng tôi đã nhận được phản hồi tích cực từ phía Nga. Tôi hoàn toàn hài lòng với các cuộc thảo luận của mình," báo The Hindu dẫn lời Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ.
Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh (trái) gặp Phó thủ tướng Nga Yury Ivanovich Borisov tại Moskva (Ảnh: PTI )
Quân đội Trung Quốc đã "bắt thóp" lá chắn tên lửa Nga
Nhà bình luận quân sự ở Hồng Kông, ông Song Zhongping, nói rằng tổ hợp S-400 có tầm bắn 400km và có thể đe dọa tiền tuyến Trung Quốc trên dãy Himalaya. Các hệ thống phòng không của PLA tại biên giới là tên lửa HQ-9 và HQ-16, do Trung Quốc phát triển, có tầm bắn hẹp hơn nhiều.
"Nếu S-400 được bố trí gần Đường kiểm soát thực tế (LAC) tại Ladakh, nó có thể tạo thành đe dọa với máy bay Trung Quốc ở sâu trong không phận [của Trung Quốc]," ông Song nói.
"Điều này có thể khiến PLA phải đau đầu trong nỗ lực tuần tra và kiểm soát vùng biên giới phía Tây."
Dù vậy, ông cho hay PLA cũng nhận thức được điểm yếu trong hệ thống của Nga. Bắc Kinh là đối tác quốc tế đầu tiên mua hệ thống phòng không này từ Nga với đơn hàng 3 tỉ USD vào năm 2014. Đợt bàn giao đầu tiên hoàn thành vào tháng 5/2018 và đợt hai vào tháng 1 năm nay, đồng thời các binh sĩ không quân Trung Quốc cũng được đào tạo sử dụng hệ thống tại Nga.
"Từ kinh nghiệm vận hành hệ thống của mình, PLA biết được điểm yếu của S-400 và cách để 'làm mù' hoặc loại bỏ nó," Song nói.
Trong thỏa thuận gây dựng lòng tin giữa quân đội Trung-Ấn tại biên giới, cả hai phía bị cấm điều máy bay hoạt động trong phạm vi 10km của LAC, trừ khi đưa ra thông báo trước. Ông Song nói một vụ tấn công nhằm vào máy bay Trung Quốc không vượt qua phạm vi giới hạn sẽ bị xem là sự thách thức nghiêm trọng và khiến PLA trả đũa.
Nhà phân tích quân sự ở Bắc Kinh Zhou Chenming nhận xét rằng sẽ phải mất thời gian để sự răn đe từ hệ thống S-400 được hiện thực hóa. Zhou cho biết Nga đã nhiều lần trì hoãn các đợt bàn giao đơn hàng vũ khí cho các nước trong quá khứ, bao gồm hợp đồng S-400 với Trung Quốc.
"Sau khi bàn giao, cần mất ít nhất 1-2 năm để hệ thống sẵn sàng tác chiến," ông Zhou nói với SCMP.
"Vì vậy thông tin S-400 được đẩy nhanh tiến độ bàn giao giống như một thông điệp gửi đến Trung Quốc trong cuộc đối đầu này hơn."
Đề nghị của Delhi đặt Nga vào thế khó?
Chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Carnegie Moskva, ông Alexander Gabuev, nói với Bloomberg rằng đề nghị của New Delhi về đẩy nhanh các thỏa thuận vũ khí có thể đặt Nga vào thế khó, do quan hệ gần gũi giữa Nga với Trung Quốc.
"Đây là một bài kiểm tra tổng thể quan trọng về khả năng cân bằng quan hệ của Nga trong khi gia tăng phụ thuộc vào Trung Quốc - nước đang ngày càng trở nên quyết đoán và thúc giục các đối tác phải chọn phe," ông Gabuev bình luận.
Trong khi đó, Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng Nga, ông Igor Korotchenko, tin rằng hợp đồng bán S-400 và chiến đấu cơ Nga cho Ấn Độ sẽ không làm xói mòn quan hệ Nga-Trung.
"Thị trường vũ khí Ấn Độ là ưu tiên hàng đầu với chúng tôi," ông nói. "Không có vấn đề gì ở đây về liên hệ của chúng tôi với Trung Quốc."
Bộ trưởng Singh mô tả hợp tác quốc phòng là một trong những cột mốc quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt Nga-Ấn. Ông cho biết đã cùng Phó thủ tướng Borisov đánh giá quan hệ quốc phòng song phương. Tình hữu nghị truyền thống Nga-Ấn vẫn vững mạnh và các lợi ích chung là "chắc chắn".
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus