Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng Trung Quốc rất quan tâm đến vụ việc và Ấn Độ phải có trách nhiệm duy trì các quyền của doanh nghiệp Trung Quốc. Trước đó một ngày, Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ cho rằng các ứng dụng bị cấm đã gây tổn hại cho chủ quyền và toàn vẹn, quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự công của Ấn Độ.
TikTok thuộc sở hữu của Công ty công nghệ Bytedance cho biết hãng này vẫn luôn tuân thủ quy định của chính phủ Ấn Độ và tiếp tục tuân thủ các yêu cầu về quyền riêng tư cũng như bảo mật dữ liệu theo luật Ấn Độ.
Ứng dụng đình đám này cũng khẳng định không chia sẻ thông tin người dùng ở Ấn Độ với bất kỳ chính phủ nước ngoài nào, kể cả chính phủ Trung Quốc và thậm chí nếu được yêu cầu làm thế trong tương lai, TikTok cũng sẽ từ chối.
Trước đó, Bộ Công nghệ Thông tin Ấn Độ cho biết đã cấm 59 ứng dụng Trung Quốc sau khi nhận được nhiều khiếu nại từ nhiều nguồn khác nhau về việc các ứng dụng đánh cắp và lén lút truyền dữ liệu của người dùng một cách trái phép.
Động thái mới nhất của Ấn Độ không chỉ đánh dấu sự leo thang căng thẳng với Trung Quốc mà còn là nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào sản phẩm của quốc gia láng giềng cũng như ngăn chặn các tập đoàn lớn của Trung Quốc gây ảnh hưởng lên đất nước của họ. TikTok hiện là ứng dụng thành công nhất của Trung Quốc bên ngoài lãnh thổ và Ấn Độ là thị trường quốc tế lớn nhất của ByteDance, công ty có kế hoạch đầu tư 1 tỉ USD vào nước này.
Tarun Pathak, nhà phân tích tại công ty Counterpoint, cho rằng lệnh cấm trên cũng sẽ ảnh hưởng đến 1/3 người dùng điện thoại thông minh tại Ấn Độ. Theo số liệu của một trong các công ty nghiên cứu điện thoại di động hàng đầu, TikTok, Club Factory, UC Browser và các ứng dụng khác có trên 500 triệu người dùng tích cực tại Ấn Độ trong tháng 5 vừa qua. Ngoài ra, 27 trong số 59 ứng dụng bị cấm nằm trong tốp 1.000 ứng dụng Android hàng đầu tại Ấn Độ trong tháng 5.
Ông Jayanth Kolla, nhà phân tích tại Công ty nghiên cứu Convergence Catalyst, cho rằng động thái hôm 29-6 của New Delhi là đáng ngạc nhiên và sẽ có tác động lớn đến các công ty Trung Quốc, vốn coi Ấn Độ là thị trường lớn nhất của họ. Chuyên gia này nói rằng việc cấm các ứng dụng Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều người Ấn Độ, những người trực tiếp hoặc gián tiếp làm việc cho đối tác Trung Quốc.
Vụ việc diễn ra trong lúc quan hệ Trung Quốc - Ấn tiếp tục căng thẳng sau vụ đụng độ đẫm máu giữa quân đội hai nước tại thung lũng Galwan ở vùng Ladakh. Ấn Độ cho biết 20 binh sĩ nước này thiệt mạng và 76 người bị thương trong khi Trung Quốc vẫn chưa công bố số liệu thương vong. Trong ngày 30-6, lãnh đạo quân sự hai nước tiếp tục có cuộc gặp thứ 3 tại Ladakh nhằm giúp xoa dịu căng thẳng.