1. Tin mới
Ngày 9/3/2017, Tờ “ The Times of India” dẫn tin từ nguồn trong Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết: Delhi đã ra một tối hậu thư bất ngờ cho phía Nga. Nội dung như sau: Ấn Độ chỉ sẽ tiếp tục tham gia vào dự án chung chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ 5 FGFA trị giá nhiều tỷ đô la với Nga trong trường hợp Nga chấp nhận 2 điều kiện sau đây:
1/ Phía Nga phải chuyển giao toàn bộ công nghệ để sau đó Ấn Độ tự mình hiện đại hóa những máy bay trên nhằm tích hợp với các loại vũ khí mới.
Máy bay tiêm kích đa năng Nga Su-35 và T-50 do Phòng thiết kế Sukhoi thiết kế. Ảnh: Маrina Lytseva /ТАSS
2/ Phía Nga phải hỗ trợ Ấn Độ trong dự án máy bay chiến đấu AMCA hiện đang do các chuyên gia công nghiệp hàng không Ấn Độ thực hiện.
Cũng theo tờ báo này, quyết định trên là của “cấp cao nhất” với lý do là để tránh lặp lại “những sai lầm đã mắc” (của Ấn Độ) khi ký hợp đồng (với Nga) sản xuất tại Ấn Độ các máy bay tiêm kích Nga Su-30MKI.
Nguồn tin trên từ Bộ quốc phòng Ấn Độ được tờ báo trích dẫn cũng nhận xét (nguyên văn):
“Mặc dù phần lớn trong số 272 máy bay nhãn “Sukhoi“ (240 chiếc đã có trong trang bị) được Tập đoàn Ấn Độ Hindustan Aeronautics (HA) cho xuất xưởng, nhưng chúng chủ yếu được lắp ráp từ các linh kiện chi tiết nhập khẩu.
Tập đoàn HAL vẫn chưa thể tự mình sản xuất “Su”. Không những thế, các máy bay tiêm kích (Su) lắp ráp tại Ấn Độ còn đắt hơn nhập khẩu nguyên chiếc từ Nga”.
Ngoài ra, cũng theo “The Times of India”, Delhi còn có ý định đòi Nga phải đưa ra những cam kết chắc chắn rằng sau khi Delhi chi khoảng 25 tỷ đô la để thiết kế FGFA, nước này sẽ nhận được 127 máy bay tiêm kích theo giá có thể chấp nhận được.
Có thể thấy rằng, lần này thái độ của người Ấn có vẻ rất “quyết liệt”.
Như Tờ “The Times of India” nhận xét thì Không quân Ấn Độ không hài lòng với máy bay tiêm kích thế hệ năm T-50 chế tạo theo chương trình PAK FA (máy bay không quân chiến trường trong tương lai) của Nga với lý do nó không phải là một máy bay tàng hình đúng nghĩa, hơn nữa, sức đẩy động cơ cũng không đạt yêu cầu.
Trước đó có tin là Delhi đã đưa ra hơn 40 yêu cầu bổ sung đối với dự án FGFA.
Ví dụ, người Ấn đòi phải trang bị cho các máy bay thuộc dự án này động cơ mới nhất của Nga đảm bảo tốc độ hành trình siêu âm (Ấn Độ không đồng ý với đề xuất sử dụng động cơ AL-41F1 của Nga), các tổ hợp radar quan sát vòng tròn và yêu cầu phải giảm độ phản xạ radar hiệu dụng của máy bay.
Và hậu quả của những trục trặc trên là dự án chung với Ấn Độ đã dẫm chân tại chỗ như chính Tổng giám đốc Tập đoàn hàng không thống nhất Nga Iuri Sliusar đã thừa nhận tại Triển lãm Aero India-2017 tại Bangalor (Ấn Độ).
Thêm nữa, còn một số thông tin bổ sung như sau: tháng 6/2013, Nga đã hoàn thành hợp đồng giai đoạn đầu trị giá 295 triệu đô la phác thảo các đặc điểm kỹ thuật cùa FGFA. Thời điểm hiện tại là triển khai hợp đồng giai đoạn hai.
Nội dung hợp đồng này là thiết kế máy bay tiêm kích theo những yêu cầu của phía Ấn Độ. Giá trị hợp đồng giai đoạn hai được đánh giá vào khoảng 4 tỷ đô la đối với mỗi bên tham gia dự án.
2. Quan điểm của các chuyên gia Nga về động thái này của Ấn Độ (khi trả lời phỏng vấn của “Svobodnaia Pressa.ru” (Nga) ngày 10/3/2017):
Chuyên gia hàng đầu của Trung tâm nghiên cứu quân sự- chính trịTrường đại học quan hệ quốc tế Matxcova (MGIMO), Tiến sỹ khoa học chính trị Mikhail Aleksandrov:
- Quyết định hợp tác với Ấn Độ thiết kế máy bay tiêm kích thế hệ năm là một quyết định sai lầm. Trong khuôn khổ dự án này, phía Ấn Độ chủ yếu chỉ thiết kế đảm bảo lập trình, trong khi chúng ta hoàn toàn có khả năng làm được việc đó.
Điều tệ hại là ở chỗ, những người lãnh đạo các xí nghiệp công nghiệp Nga luôn vội vàng tóm lấy mọi cơ hội kiếm ngoại tệ và đôi khi sẵn sàng có những bước đi không thật sự phù hợp để có tiền. Những người này hành động như vậy vì họ vừa không có kinh nghiệm làm việc ở thị trường ngoài nước và kể cả vì họ dính đến tham nhũng nữa.
Tôi xin nói rõ: không một quốc gia nào xuất khẩu những hệ thống vũ khí tiên tiến của mình, lại càng không bao giờ xuất khẩu những hệ thống còn đang trong quá trình thiết kế. Không ai và không bao giờ bán những công nghệ quân sự tiên tiến, khả năng đó hoàn toàn bị loại trừ.
Ví dụ, chúng ta cung cấp cho Trung Quốc máy bay tiêm kích mới nhất Su-35. Nhưng chúng ta còn có máy bay “tiên tiến hơn” – T-50. Nói cách khác, thậm chí cho dù người Trung Quốc có thể tự chế tạo máy bay tiêm kích của mình theo “mẫu” Su-35, chúng ta vẫn đi trước họ cà một thế hệ.
Cũng xin nói thêm, Người Mỹ cũng hành động đúng như vậy. Ví dụ, họ không bán cho bất kỳ ai công nghệ F-22. Vâng, người Mỹ hợp tác với một loạt các nước thực hiện dự án F-35 nhằm giảm giá thành của dự án.
Những nước đối tác của Mỹ, về mặt bản chất, chỉ thiết kế các thành phần quan trọng thứ yếu. Những bộ phận chủ yếu vẫn do Mỹ tự thiết kế và người Mỹ không hề có ý định cấp cho bất kỳ ai giấy phép sản xuất các máy bay đó.
SP: - Thế thì tại sao Ấn Độ lại đòi chúng ta chuyển giao công nghệ cho họ?
- Tôi cho rằng người Ấn đã quá ngang. Năm 2014, Thủ tướng Narenda Mody với những quan điểm dân tộc nổi tiếng của mình lên nắm quyền. Ông này áp dụng một đường lối cứng rắn nhằm nội địa hóa nền sản xuất trên lãnh thổ Ấn Độ. Nhưng trong trường hợp này, theo quan điểm của tôi, Ấn Độ đã đi quá giới hạn cho phép.
Chúng ta đã tạo cho người Ấn Độ cơ hội nội địa hóa công nghiệp sản xuất máy bay Su-30MK – lắp ráp các máy bay tiêm kích từ các linh kiện, chi tiết do Nga cung cấp (trên lãnh thổ Ấn Độ). Đối với Ấn Độ, đó không chỉ là các chỗ làm mới, mà còn là khả năng hoàn thiện tiềm năng của đội ngũ cán bộ và sử dụng họ nhằm phát triển kinh tế.
Nhưng không, đối với họ (người Ấn) như vậy vẫn còn quá ít – bây giờ Delhi lại còn muốn sở hữu các công nghệ tiên tiến của chúng ta. Nhưng, tôi xin nhắc lại, không ai và không bao giờ lại làm như vậy và những bí mật sản xuất sẽ không bao giờ được rao bán.
SP: - Cần phải xử sự với Delhi như thế nào?
- Cần làm làm cho Delhi hiểu một cách rất rõ ràng là Ấn Độ sẽ không nhận được bất cứ một công nghệ nào từ phía chúng ta (Nga). Xin nói rõ, người Ấn Độ không thể có được những công nghệ này từ bất cứ ai – Cả người Pháp, lẫn người Mỹ sẽ không bao giờ chia sẻ những chi tiết nhạy cảm trong công nghệ chế tạo máy bay với Ấn Độ.
Ấn Độ, tôi cho rằng, kể cả dù không có được công nghệ cũng có lợi hơn khi hợp tác với Nga – chúng ta cung cấp cho họ nhiều hơn những nước khác: khả năng tham gia vào các dự án chung, từ đó họ có thể học hỏi được một cái gì đấy, cộng với đó là lắp ráp các máy bay trong các xí nghiệp Ấn Độ.
Nhưng tôi cho rằng, (Nga) không thể đi xa hơn được nữa. Còn nếu như người Ấn Độ vẫn khăng khăng đòi cái mình muốn và tìm cách đẩy Nga ra khỏi thị trường Ấn Độ, cần phải đáp trả một cách phi đối xứng – ví dụ như thiết lập quan hệ với Pakistan chẳng hạn.
Tôi nghĩ rằng, Pakistan sẽ quan tâm tới việc mua vũ khí của chúng ta, và điều đó sẽ là một bất ngờ cực kỳ khó chịu đối với người Ấn.
Tổng biên tập Tạp chí " Xuất khẩu vũ khí " Andrey Florov:
- Dự án chung với Ấn Độ gặp rất nhiều trục trặc, trước hết bởi vì trong Quân đội Ấn Độ có một lực lượng vận động hành lang rất mạnh đại diện cho lợi ích của các tập đoàn quân sự Pháp, Anh và Mỹ. Những bài báo tương tự như vậy trên "The Times of India " đã phản ánh cuộc đấu tranh nội bộ giữa các nhân vật lobby nói trên.
Dự án chung với Ấn Độ gặp rất nhiều trục trặc.
Theo quan điểm của tôi, rõ ràng là sự hiện diện của chương trình FGFA đã hút một nguồn tài chính đáng kể lẽ ra được dành để mua thêm một lô máy bay tiêm kích "Dassault Rafale" của Pháp. Và cần phải hiểu rằng: nhũng người ủng hộ "Rafale" sẽ chiến đấu đến cùng để chống lại sự hợp tác giữa Delhi và Matxcova.
Mặt khác, người Ấn có những tham vọng rất lớn và họ muốn nhận được tối đa từ những khoản tiền mà họ đã bỏ ra: gần như nội địa hóa hoàn toàn công nghiệp sản xuất máy bay ngay từ đầu, chứ không phải là đợi sau 10 đến 15 năm như phía Nga đề xuất.
Tôi nghĩ rằng, căn cứ vào kết quả mặc cả với Ấn Độ, chúng ta có thể chuyển giao một số công nghệ nào đó về thân máy bay và vật liệu. Cộng thêm nữa là tăng đáng kể sự tham gia của người Ấn trong việc bổ sung trang bị do họ tự sản xuất cho máy bay. Nhưng chắc chắn Nga sẽ không chuyển giao công nghệ chế tạo radar hoặc động cơ – ít nhất là trong những năm tới.