Bài viết dưới đây của 3 chuyên gia sức khỏe nổi tiếng Trung Quốc:
- Giáo sư Mã Quán Sinh, Chuyên gia dinh dưỡng và vệ sinh thực phẩm, Học viện vệ sinh công cộng Đại học Bắc Kinh.
- Giáo sư Phạm Chí Hồng, Học viên dinh dưỡng và thực phẩm Đại học Nông nghệp Trung Quốc.
- Chuyên gia dinh dưỡng Tống Tân, Khoa dinh dưỡng Bệnh viện Triều Dương, Đại học Y khoa Thủ đô.
"Nuông chiều" cái miệng gây ra nhiều bệnh
Khi xã hội phát triển, kinh tế đi lên, đồng nghĩa với việc chúng ta có đủ tiền để mua thực phẩm. Từ nguyên nhân này, nhiều người chưa có kiến thức chuẩn về cách ăn uống lành mạnh, dẫn đến có tiền thì ăn nhiều, thỏa mãn nhu cầu ăn uống, dẫn đến thừa chất dinh dưỡng.
Cùng với sự phát triển nhanh của ngành thực phẩm chế biến sẵn, rất nhiều món ăn nhanh ra đời, đơn giản, tiện dụng, có tiền là mua được đồ ăn mọi lúc mọi nơi.
Đây chính là nguyên nhân gây ra thói quen ăn uống vô tội vạ, không kể thời gian, ăn không đúng bữa và không theo nhu cầu cơ bản. Người ta ăn ít ngũ cốc và chất xơ, ăn nhiều thịt và chất béo, đồ ngọt, sản phẩm đóng gói.
- Thừa cân và béo phì rơi vào tình trạng nghiêm trọng
Giáo sư Mã Quán Sinh cho rằng, con người hiện nay đang ăn 3 nhóm thực phẩm chính là chất bột, chất đạm và chất béo. Trong đó nhóm chất béo đang ăn quá 30% nhu cầu khuyến cáo.
Theo thống kê năm 2015, người Trung Quốc trưởng thành đang bị thừa cân với tỉ lệ 30,1%, béo phì là 11,9%; trẻ em 6-17 tuổi bị thừa cân chiếm tỉ lệ 9,6%, tỷ lệ béo phì là 6,4%.
- Các bệnh mãn tính phát triển chóng mặt
Chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều dầu mỡ, nhiều đường là một nguyên nhân quan trọng gây ra các bệnh mãn tính thường gặp. Theo thống kê, chỉ trong vòng 10 năm mà người Trung Quốc đã có tỉ lệ người mắc bệnh huyết áp tăng 25,2%, tỷ lệ đái tháo đường là 9,7%, một con số đáng báo động.
Khi có tiền để mua thực phẩm và ăn chúng một cách vô tội vạ, thì chúng ta đang biến "điều kiện tốt" thành gánh nặng cho sức khỏe.
Hiện tại, số người được phát hiện mắc bệnh "tam cao" (huyết áp, tiểu đường, mỡ máu) đang gia tăng nhanh chóng. Bệnh về tim mạch, huyết áp chính là nguyên nhân gây đột tử ở người trẻ, tử vong ở người già rất nghiêm trọng.
- "Thảm họa" kẻ béo phì, người suy dinh dưỡng
Ở nhiều vùng, tỉ lệ chênh lệch về thu nhập và điều kiện sống đã khiến người giàu thì bị béo phì, còn người nghèo lại bị suy dinh dưỡng. Thậm chí giống như là một bức tranh ‘đả kích’ về thực trạng phân hóa dinh dưỡng giữa đô thị và nông thôn, giữa người giàu và người nghèo.
Ngoài ra, ở nhiều nhóm người vẫn đang duy trì thói quen ăn uống "chẳng giống ai" rất đáng lo ngại. Họ săn tìm ăn những món kỳ lạ, động vật hoang dã, côn trùng, những thực phẩm tự nhiên chưa qua kiểm dịch, thiếu an toàn vệ sinh, chứa nguồn bệnh và các loại virus, vi khuẩn.
Đây là một trong những nguyên nhân gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng, ảnh hưởng đến cộng đồng.
Cách ăn uống đang "tàn sát" sức khỏe
Có một thực tế là rất nhiều người vẫn còn giữ tư tưởng "phàm ăn tục uống". Khi đi đâu đó nhìn thấy đàn chim đang bay, đàn cá đang bơi, dù là chim cá cảnh, cũng đã nghĩ đến việc sẽ ăn thịt chúng. Ngày trước khi thiếu thốn có thể nghĩ như vậy, nhưng thì đời sống đã khá hơn, thực phẩm dư thừa, nhiều người vẫn không thay đổi được cách ăn uống của chính mình.
1. Ăn quá nhiều thịt
Nhiều người rất thích ăn thịt, mỗi lần đi ăn thì gọi la liệt các món ăn bày kín mặt bàn, coi đó là "tiêu chuẩn" của một bữa ăn thịnh soạn.
Theo một báo cáo thống kê tại Trung Quốc, năm 1982, trung bình người dân chỉ tiêu thụ 13kg thịt, nhưng hiện nay đã tăng lên 59 kg thịt/năm, cao gấp đôi so với tỉ lệ thịt tiêu thụ trung bình trên thế giới. Việc ăn nhiều thịt chính là một trong những rào cản lớn trong quá trình chăm sóc sức khỏe toàn diện.
2. Ăn quá nhiều dầu mỡ
Nhiều người đang duy trì thói quen thích nấu ăn các món chiên, xào, trộn thực phẩm với rất nhiều dầu mỡ. Đây là một trong những nguyên nhân gây béo phì, thừa cân, dẫn đến rất nhiều các bệnh khác.
Theo khuyến cáo trong bản hướng dẫn ăn uống năm 2016 của Trung Quốc, mỗi người chỉ nên ăn 25-30 gram dầu mỡ/ngày. Nhưng trên thực tế, chúng ta đang ăn trung bình khoảng 42.1 gram bình quân đầu người/ngày.
Các khảo sát cho thấy 80% hộ gia đình tiêu thụ quá nhiều dầu ăn. Những người hay đi ăn ở ngoài thì tỉ lệ này còn cao hơn nhiều do các nhà hàng thường chế biến nhiều dầu hơn ở các gia đình.
3. Ăn quá tinh mịn
Cùng với sự tiến bộ của công nghệ chế biến và chiều theo khẩu vị ngày một cao của con người. Các công ty chế biến thực phẩm thường xuyên cải tiến và phát triển công nghệ sản xuất thực phẩm mới để đáp ứng với nhu cầu của người dân.
Khi thực phẩm tinh đã loại bỏ phần thô, thì các thành phần vitamin, khoáng chất, chất xơ và rất nhiều nguyên tố vi lượng đã bị loại bỏ, con người ăn thường xuyên như vậy sẽ dẫn đến thiếu chất, mất cân bằng dinh dưỡng, không có lợi cho chế độ ăn uống hợp lý trong dài hạn.
4. Ăn quá mặn
Do thói quen từ xa xưa để lại, khẩu vị của từng gia đình do cha mẹ tạo cho con ngay từ khi còn nhỏ, khiến thói quen ăn mặn khá phổ biến và chưa cải thiện hiệu quả được như khuyến cáo của các nhà chuyên môn.
Theo thống kê khảo sát tại Trung Quốc, mỗi người hiện nay đang tiêu thụ khoảng 10,5g muối/ngày, cao hơn nhiều so với số lượng muối đề nghị của Tổ chức y tế thế giới và các chuyên gia sức khỏe của các quốc gia là 5-6g/người/ngày. Thống kê cho thấy có tới 65% dân số (người lớn) ăn muối nhiều hơn mức cho phép.
5. Ăn món kỳ lạ
Có nhiều người vẫn đang duy trì sở thích ăn những thực phẩm kỳ lạ, quái dị, chế biến khác thường. Trên thực tế, mặc dù lý thuyết thì thực phẩm an toàn nào cũng ăn được, không gây "chết" người ngay tức thì. Nhưng những món như chân gà, móng lợn, nội tạng động vật, ở nhiều quốc gia họ không ăn nhiều.
Ngoài ra, nhiều người thích ăn các món như thịt rắn, thịt thỏ, thịt mèo hoặc các loài động vật lạ, hiếm. Một số món ăn "đặc sản" của người dân đã từng khiến người nước ngoài ghê sợ hoặc cảm thấy kỳ lạ.
Thói quen ăn uống này không chỉ "tàn phá" thế giới tự nhiên, mà còn có những tác động không nhỏ tới hệ tiêu hóa, gây cảm giác "phàm ăn" cho người đối diện.
6. Chọn món ăn đắt đỏ, tốn kém
Cùng với điều kiện kinh tế ngày càng nâng cao, nhiều gia đình đã có điều kiện tốt hơn trong việc chăm sóc sức khỏe. Họ bắt đầu theo theo đuổi một chế độ ăn bổ sung những món ăn đắt đỏ, được ca ngợi là siêu thực phẩm như bào ngư, tổ yến, hải sâm và các món ăn đắt tiền khác, yêu chuộng các loại thực phẩm nhập khẩu.
Nhưng theo giáo sư Tống Tân, thực tế thì hàm lượng protein của hải sâm cũng chỉ tương đương trứng gà. Thực phẩm nhập khẩu cũng tương đương với các thực phẩm ở địa phương trong khi nguồn gốc khó kiểm định về độ tin cậy.
Như thế nào là một chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh?
Các chuyên gia nhấn mạnh, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi thói quen ăn uống để phù hợp với thực tế và coi trọng việc chăm sóc sức khỏe. Nếu chỉ ăn và đáp ứng nhu cầu của cái miệng thì sớm muộn gì cũng sẽ sinh bệnh.
Mỗi người đều nên thiết lập một chế độ ăn uống lành mạnh, có lợi cho sức khỏe và kiên trì theo đuổi mục tiêu đã đề ra.
1. Thực phẩm đa dạng, lành mạnh, cân bằng
Chúng ta đều biết rằng không có một loại thực phẩm nào đủ cung cấp dinh dưỡng đa dạng cho nhu cầu của cơ thể. Và cũng không có bất kỳ một loại thực phẩm nào dù đắt tiền có thể đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của con người. Chính vì thế, chúng ta phải ăn nhiều loại thực phẩm mỗi ngày.
Một bữa ăn được xem là lành mạnh bao gồm nhóm ngũ cốc, nhóm rau củ quả, nhóm thịt cá trứng sữa, nhóm đậu đỗ và các loại hạt. Tốt nhất mỗi ngày ăn 12 loại thực phẩm và mỗi tuần ăn khoảng 25 loại thực phẩm khác nhau.
Chuyên gia dinh dưỡng Phạm Chí Hồng cho rằng, nên ăn nhiều loại nguyên liệu thức ăn khác nhau, không phải là ăn nhiều món ăn cùng một nguyên liệu mà chế biến khác nhau. Ví dụ, thay vì bạn ăn bún, bánh đa, phở, cơm (vốn chỉ được làm ra từ gạo) thì bạn nên ăn thực phẩm từ gạo, ngô, khoai, mì…
2. Ngũ cốc chiếm tỉ lệ 50% lượng thức ăn
Nhiều người đang giảm ăn ngũ cốc, nhưng nghiên cứu cho thấy, ngũ cốc rất quan trọng cho sức khỏe, đặc biệt là ngũ cốc thô, ngũ cốc nguyên hạt. Đáng tiếc là hiện nay, chúng ta xay xát gạo quá tinh mịn, dẫn đến làm thất thoát tới 70% vitamin và khoáng chất, chất xơ ở vỏ ngoài hạt gạo.
Thậm chí, có nhiều loại gạo xát kỹ đến nỗi không còn nổi 1% chất xơ, một số thậm chí còn ít hơn 0,5%, rất khó để giúp duy trì sức khỏe của vi khuẩn trong đường ruột. Cùng với sự gia tăng tuổi tác, nhiều người tăng bị đường huyết, kháng insulin. Việc ăn nhiều ngũ cốc thô sẽ cải thiện và kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Chuyên gia khuyến nghị, bạn nên ăn thêm các loại khoai (khoảng 250-400g/ngày) để bổ sung thêm lượng chất xơ cần thiết.
3. Ăn 1 phần thịt, 3 phần rau củ quả
Một chế độ ăn uống được xem là có lợi cho cơ thể chính là 1 phần động vật kết hợp với 3 phần thực vật. Hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng, ăn thêm các loại thực vật có tác dụng vô cùng quan trọng trong việc cân bằng lượng vitamin, khoáng chất, chất xơ…
Chế độ ăn đủ thực vật sẽ có vai trò quan trọng trong việc làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Chuyên gia khuyên bạn nên ăn ít nhất 300 - 500 g rau củ quả mỗi ngày.
Trong các loại rau quả thì nên chọn thực phẩm màu xanh lá, màu đỏ và màu tím, hoặc màu sẫm sẽ tốt hơn màu nhạt.
Mỗi ngày nên ăn khoảng từ 200 - 350g trái cây. Nên lưu ý rằng nước ép trái cây công nghiệp không thay thế cho trái cây tươi.
4. Ít đường, ít muối, hương vị thanh nhạt
Ăn mặn là nguyên nhân làm tăng đáng kể các bệnh về huyết áp, nguy cơ gây ung thư dạ dày. Ăn quá ngọt sẽ làm tăng tiêu thụ năng lượng, dẫn đến tăng cân, béo phì. Nên trau dồi thói quen ăn sáng, hạn chế ăn nhiều muối, đường cao và thực phẩm chiên.
Người lớn không nên ăn quá 6 gram muối mỗi ngày, lượng đường nên được kiểm soát tốt nhất ở mức 25g.
* Theo Lifetimes