Ngày cưới mẹ là sinh nhật 2 tuổi của con
Vừa kết hôn được vài ngày, Nguyễn Thị Hằng (Bắc Giang) vui vẻ khoe ảnh cưới của mình với "hội chị em" trên mạng xã hội.
Điều thú vị là, không chỉ khoe đám cưới hạnh phúc, cô muốn tìm những trường hợp "éo le" như mình: đám cưới Hằng được tổ chức cùng ngày sinh nhật 2 tuổi của con trai cô.
Đám cưới hạnh phúc của cặp đôi "ăn cơm trước kẻng" có sự tham dự của cậu con trai 2 tuổi khiến chị em thích thú.
Những lời chúc phúc, những biểu cảm ngạc nhiên, những lời tò mò (một phần trong số đó là cay đắng) và cả những sẻ chia từ những chị em cùng cảnh ngộ đã được gửi đến cô dâu "mới" này.
Điều thú vị là, bên cạnh những ồ à ngạc nhiên kiểu: "Sao lại thế nhỉ?" hay "Ở quê em mà thế này chắc cả làng đổ ra xem, hoặc cô dâu bị nói cho ngượng mặt luôn", không ít phụ nữ chứng minh, đó là chuyện bình thường.
Nhiều người đã kể lại chuyện mình cưới "chạy đẻ", cưới xong 1 tháng là sinh em bé, đến mức hàng xóm đặt biệt danh cho bé con là "một tháng".
Chuyện con vài tuổi mình mới được cưới, được đăng ký kết hôn, con mới được khai sinh và nhập hộ khẩu; hoặc ngạc nhiên hơn, có cặp đôi còn có 2 con rồi mới chịu về một nhà với nhau.
Một đám khác thậm chí có 2 con mới thèm cưới cũng khoe "thành tích" của mình.
Còn Nguyễn Thị Hằng, cô thẳng thắn chia sẻ, cũng như những lời tò mò trên mạng ảo, ở ngoài đời thực, cô cũng từng chịu những dèm pha, những điều tiếng vì chuyện chưa chồng mà chửa.
Hằng kể, cô có thai trong thời gian người yêu đang đi nghĩa vụ quân sự (1 tháng anh về thăm nhà 1 lần), nên chưa thể tổ chức đám cưới ngay khi vừa biết tin.
Thời điểm đó, gia đình hai bên cũng khuyên nhủ Hằng bỏ em bé, nhưng hai người quyết định giữ, cùng lời hứa, khi người yêu hết nghĩa vụ sẽ về cưới Hằng. Người mẹ trẻ, không danh không phận, cứ thế về nhà chồng làm dâu trước khi làm vợ.
Người mẹ trẻ đã chịu nhiều tai tiếng, dèm pha khi chưa được cưới chính thức đã làm mẹ, làm dâu.
Quãng thời gian mang bầu, rồi sinh nở, chăm con, Hằng gần như chỉ có một mình. Mẹ ruột cô đi làm ở nước ngoài; người yêu thì cả tháng mới về một lần, có tháng không về.
Gia đình người yêu, chỉ có bà mẹ sáng chiều ngày nào cũng đi 7 km sang chăm sóc, còn bố của người yêu Hằng, nhất quyết không chịu nhận cháu.
Nghe phong thanh, ai đó còn nói cần phải xét nghiệm ADN xem em bé của Hằng có thực sự là dòng giống bên nội không, dù lúc có thai, Hằng và người yêu đã gắn bó với nhau 5 năm. Hàng xóm xung quanh cũng xì xào, bàn tán.
Nhưng rồi Hằng chấp hết, vì "với mình khi ấy, con là niềm hạnh phúc vô bờ, được ôm con trong lòng, ngắm gương mặt đáng yêu của con, mình chẳng thèm quan tâm đến những thị phi xung quanh nữa!".
Thiên thần nhỏ này là động lực để cô vượt qua tai tiếng "ăn cơm trước kẻng".
Đến khi em bé được 2 tháng tuổi, hai mẹ con Hằng được đón về nhà người yêu cô, Hằng làm dâu trước khi làm vợ từ đấy.
Mới đây, khi người yêu Hằng đã thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, hai người đã chính thức làm đám cưới và trở thành vợ chồng, cả trên danh phận lẫn thực tế, sau 7 năm bên nhau.
Cho con đi dự đám cưới, Hằng cười bảo: "Ai cũng hạnh phúc cả. Bố nó thì quá lãi rồi, vì được cả mẹ lẫn con, còn em bé sau này xem ảnh cưới cũng khỏi phải hỏi:
"Sao bố mẹ không cho con dự đám cưới?", "Lúc bố mẹ cưới thì con ở đâu?" như các bạn khác nữa!".
Đám cưới thú vị, bố và con cùng đi đón mẹ.
Chưa chồng mà chửa, thế mới ngoan...
Chuyện "ăn cơm trước kẻng", có thai trước khi cưới, thậm chí sinh con một thời gian rồi mới cưới không còn là một chuyện quá lạ ở xã hội Việt Nam hiện đại.
Cái lạ là, dù càng lúc càng có nhiều trường hợp "cưới do bác sĩ chỉ định", thiên hạ vẫn thích cười vào mũi những cặp đôi ấy, vẫn thích hỏi họ những câu vặn vẹo, và vẫn có chút gì kỳ thị, chòng ghẹo.
Hội trẻ thì cười cười, mai mỉa đúng kiểu: Bọn này kiến thức giới tính tệ quá, bao nhiêu là biện pháp tránh thai, sao lại để dính?
Người lớn tuổi thì dè bỉu, chép miệng, bĩu môi nói giọng kẻ cả: Thanh niên bây giờ thật là hư hỏng, phải như ngày xưa thì gọt đầu bôi vôi cả lũ, chả hiểu sao giờ mặt chúng cứ trơ ra...
Và hạnh phúc của một gia đình nhỏ, đặc biệt là của người phụ nữ, có thể bị lung lay trước những bão giông dèm pha ấy.
Hằng, người mẹ trẻ đã từng cả một thời gian dài không dám ló mặt ra đường, chỉ quanh quẩn ở nhà chăm con, từng bị nhìn ngó, hỏi han "Bao giờ mới cưới?", "Con lớn thế này mà chưa cưới à?", "Chưa cưới đã về đây (nhà chồng) ở à?"... chia sẻ:
"Bản thân mình là người mang thai trước khi kết hôn, là người làm dâu trước khi làm vợ, mình đồng cảm với những cô gái như mình, rất khó để vượt qua những điều tiếng của làng xóm họ hàng.
Cũng may là mình có được một gia đình tuyệt vời, mọi người luôn quan tâm và động viên nên mình thấy thoải mái, và chuyện có bầu, sinh con trước khi kết hôn không thành vấn đề đáng ngại của mình nữa.
"Có thai trước hôn nhân, phụ nữ dễ bị mắng là gái hư, nhưng mình hạnh phúc với điều đó"
Nhưng ở đâu đó ngoài kia, nhiều người đàn bà vẫn luôn chịu thiệt thòi như vậy. Ví dụ, nếu đàn ông ngoại tình, thậm chí chung sống với 2 - 3 vợ, xã hội vẫn tha thứ, có khi còn ngầm công nhận, những người đàn ông khác còn ngưỡng mộ; nhưng nếu một người đàn bà ngoại tình.
Họ sẽ bị sỉ vả, bị nhục mạ, bị người đời chửi mắng bằng những ngôn từ kinh khủng. Chuyện mang thai trước hôn nhân cũng thế, người phụ nữ luôn là đối tượng chịu chỉ trích.
Bậc làm cha làm mẹ coi đó là điều đáng xấu hổ, người đời xem điều đó là chuyện đáng khinh.
Họ nghĩ một người con gái ngủ với một người đàn ông và để có thai trước khi kết hôn là người con gái ấy mất nết. Rồi sẽ bàn tán, tò mò không biết cha đứa bé là ai, rồi tại sao không cưới...".
Tuy chẳng nói thẳng, nhưng Hằng, và nhiều cô nàng khác đã làm mẹ trước khi làm vợ, có con rồi mới kết hôn, có lẽ không thể chấp nhận luận điệu có thai trước hôn nhân là hư hỏng mà người đời áp lên mình.
Thời nay, chẳng ai gọt đầu bôi vôi, thả trôi sông một cô gái vì tội "chửa hoang" nữa, nhưng những kỳ thị, khinh bỉ, những ánh nhìn dèm pha, những lời xì xào vẫn là những dòng sông nước xiết.
Hạnh phúc ngọt ngào - thành quả của sự "hư", kể ra cũng đáng đánh đổi lắm chứ!
Nếu cô gái ấy may mắn có bạn trai có trách nhiệm, kết hôn ngay khi cái thai còn bé bỏng, mọi chuyện sẽ ồn ã một thời gian, cùng lắm là sau kỳ sinh nở, rồi thiên hạ sẽ cười: "Hóa ra bọn chúng trồng giống ngắn ngày", rồi thôi.
Nhưng nếu anh chàng kia, vì một lý do nào đó: gia đình không chấp nhận, còn đi học, ít tiền, là kẻ Sở Khanh... chưa thể hoặc không kết hôn, người hứng chịu mọi nỗi đau và cay đắng sẽ luôn là phụ nữ.
"Ai bảo ngu?", "Ai bảo ngủ với nó, để nó lừa cho?", "Đồ con gái hư hỏng", "Dại thì tự chịu đi", "Mày bôi tro trát trấu lên mặt bố mẹ rồi!", "Nhà tao không có loại con gái mất nết như mày"...
Hàng nghìn những câu nói như thế, từ gia đình, họ hàng, người xung quanh sẽ đổ lên đầu cô gái, dù hậu quả của việc yêu đương, là do cả hai cùng tác thành.
Vậy đấy! Nhưng tôi vẫn cứ nghĩ, dù sao thì những cô gái như Hằng, chưa chồng mà chửa, vẫn còn ngoan chán! Họ là gái ngoan, bởi ít ra họ dám sống có trách nhiệm với hình hài đang sống trong cơ thể mình.
Họ ngoan, bởi họ chẳng chọn con đường "dễ": bỏ thai (thậm chí bỏ năm lần bảy lượt). Họ ngoan, bởi đã dám "xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" để trao thân cho người họ yêu, để hạnh phúc tột cùng trong những cơn hoan lạc, họ cũng dám thừa nhận điều đó, và chấp nhận "rủi ro".
Ngoan, vì đã không dễ dàng hạ sát một sinh linh, phủi tay và nhún vai sống tiếp, như thể chẳng có chuyện gì từng xảy ra. Ngoan, vì họ dám thừa nhận chuyện mình "phá bỏ lễ giáo, khăn áo theo trai" chứ chẳng phải giả vờ làm trinh nữ...
Có chồng mà chửa, thế gian thiếu gì? Chưa chồng mà chửa, thế mới ngoan!