Ăn cơm trắng nhiều có béo không?
Báo Lao động dẫn lời TS.BS. Đỗ Thị Phương Hà, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, đa số người Việt đều có thói quen ăn nhiều cơm. Ăn cơm giúp no lâu và có đủ sức khỏe để hoạt động trong cả ngày.
Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều không biết rằng, trong cơm chứa nhiều đường. Do đó, ăn nhiều cơm có thể trở thành nguyên nhân khiến lượng đường trong máu cao. Đây còn là nguyên nhân chủ yếu gây nên các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng sống.
Cũng theo thông tin từ Viện An toàn thực phẩm, mặc dù cơm trắng là một trong những thực phẩm chứa nhiều giá trị dinh dưỡng song việc ăn nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo BS Hà, ăn quá nhiều cơm cũng là nguyên nhân gây béo phì. Một chế độ ăn chứa quá nhiều gạo trắng được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì. Cơm trắng là ngũ cốc tinh chế được hấp thu nhanh hơn khi đưa vào cơ thể. Điều này làm cho bạn cảm thấy đói nhanh hơn và thèm ăn hơn, từ đó dư thừa năng lượng khiến bạn có nguy cơ tăng cân.
Mỗi ngày ăn bao nhiêu bát cơm thì đủ?
PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, trung bình mỗi ngày người Việt ăn khoảng 4 bát cơm. Lượng cơm ăn trong một ngày của người Việt bằng khẩu phần tinh bột trong một tuần của người châu Âu. Đây cũng là lý do khiến bệnh tiểu đường ở các nước châu Á và Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước châu Âu.
Theo nghiên cứu của Đại học Y tế công cộng Harvard (Mỹ), ăn gạo trắng làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường, thậm chí cao hơn nhiều so với đồ uống có ga. Kết quả nghiên cứu này cho thấy, sử dụng một bát cơm trắng mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường lên 11%.
Ăn nhiều cơm sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới tim mạch. Do đó, bạn không nên ăn quá 3 bát một ngày, hãy tập thói quen giảm lượng cơm trắng ở mỗi bữa ăn, thay vào đó hãy đa dạng các món ăn đi kèm.