Đã từ rất lâu, người Việt vẫn có thói quen tận dụng cơm nguội, hấp lại ăn bữa sau. Thậm chí cơm nguội còn được chế biến thành các món ăn ngon, hấp dẫn như cơm rang, cơm cháy…
Trước thông tin cơm nguội không nên để trong tủ lạnh vì ăn sẽ gây ung thư, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia công nghệ thực phẩm, nêu quan điểm: "Trên báo tôi thấy có người gắn tên tôi: PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói: 'Cơm nguội để trong tủ lạnh ăn sẽ gây ung thư…'. Điều này là không đúng. Tôi khẳng định họ đang nói bậy, tôi chẳng bao giờ nói như vậy. Ung thư là căn bệnh không dễ mắc như mọi người nghĩ. Tới nay khoa học cũng chưa chứng minh rõ ràng nguồn gốc gây bệnh ung thư. Chỉ có các hoá chất, nấm mốc (độc tố aflatoxin trong nấm mốc) đã được chứng minh gây ung thư".
Cũng theo PGS Thịnh, ngay cả khi cơm nguội có hỏng do nhiễm vi sinh vật thì cũng không gây ra ung thư. Vi sinh vật thường sẽ tạo ra các độc tố gấy ra ngộ độc cấp tính, ví dụ vụ ngộ độc cá muối chua gần đây xảy ra tại Quảng Nam.
"Cơm nguội nếu bảo quản tốt, hấp lại vẫn có thể ăn bình thường. Về nguyên tắc, các thực phẩm nấu chín đều sẽbị thiu. Do vậy, cơm khi nấu chín nếu không bảo quản tốt thì vi sinh vật có thể xâm nhập và gây hỏng cơm. Để bảo quản cơm có thể cho cơm vào tủ lạnh", PGS Thịnh nói.
Cơm nguội (Ảnh: Internet)
Một số loại cơm khác có giá trị dinh dưỡng và giá thành cao hơn, ví dụ như cơm nếp, vị chuyên gia công nghệ thực phẩm khuyên có thể bảo quản trong tủ đá. Tuy nhiên, thời gian bảo quản cơm nếp không quá 1 tuần vì để lâu cơm có hấp lại thì cũng mất gần hết giá trị dinh dưỡng.
Cũng theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng viện Y học ứng dụng, không có bằng chứng cho thấy ăn cơm nguội có thể bị ung thư. Chưa ghi nhận trường hợp mắc ung thư dạ dày do ăn cơm nguội. Do vậy, mọi người cần phải tỉnh táo trước những thông tin vô căn cứ.
Bản thân việc ăn cơm nguội hay hâm nóng cơm nguội không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bảo quản cơm nguội trước khi được hâm nóng không đúng cách thì có thể dẫn đến việc cơm đã bị hỏng, ăn vào sẽ gây ngộ độc.
Để sử dụng cơm nguội an toàn, TS.BS Sơn cho rằng, các gia đình khi nấu cơm chỉ nên nấu lượng vừa đủ bữa ăn để tránh thừa cơm. Trong trường hợp cơm còn thừa, cần bảo quản để tránh tối đa các nguy cơ phát triển vi khuẩn có hại trong cơm nguội.
Cơm nguội còn lại sau bữa ăn nên cất vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản, ức chế sự hoạt động của vi khuẩn. Trong quá trình bảo quản trong tủ lạnh, không nên để quá 24 giờ và không nên hâm đi hâm lại nhiều lần để tránh cơm bị mất chất.
Theo khuyến cáo của chuyên gia, khi gạo chưa được nấu chín có thể chứa các bào tử của Bacillus cereus (một vi khuẩn). Gạo được nấu chín thành cơm, các bào tử Bacillus cereus vẫn có thể sống sót. Do vậy, khi cơm nguội để lâu ở nhiệt độ phòng các vi khuẩn sẽ phát triển gây ra độc tố.
Nếu ăn phải cơm có chứa vi khuẩn Bacillus cereus thì có thể buồn nôn và nôn hoặc tiêu chảy. Các triệu chứng ngộ độc thường ở mức nhẹ và kéo dài trong 24 giờ.
Các chuyên gia cũng lưu ý thêm, tuyệt đối không sử dụng cơm nguội khi cơm có dấu hiệu hư hỏng, có mùi là để tránh gây ngộ độc, rối loạn tiêu hoá không đáng có.