Ăn cắp không biết xấu hổ - Đây là lý do khiến tiêm kích “xịn xò” của Trung Quốc mãi ế ẩm?

Lâm Vy |

Hiện có rất ít phía bày tỏ quan tâm đến phiên bản F-16 “made in China” dù yếu tố “nguồn gốc Trung Quốc” ở mẫu máy bay này cao đến đâu đi nữa.

Tiêm kích J-10 mãi ế ẩm

Giữa năm 2019, Trung Quốc cuối cùng đã thành lập phi đoàn máy bay chiến đấu đầu tiên trang bị các tiêm kích tương đối mới J-10C - một phiên bản của mẫu J-10 đã 15 năm tuổi.

Hiện có khoảng 40 chiếc J-10C trong biên chế Không quân Trung Quốc (PLAAF) và một phi đoàn tiêm kích với sức mạnh đầy đủ sẽ bao gồm 24 máy bay.

Hiện không rõ phi đoàn J-10C của Trung Quốc đã đạt sức mạnh đầy đủ hay chưa, bởi nhiều phi đoàn của PLAAF không đạt được mức này.

Các tiêm kích J-10C bắt đầu được phân bổ tới phi đoàn mới hồi tháng Năm năm nay, và nhiều chiếc trong số chúng vẫn đang được sử dụng để huấn luyện hoặc kiểm tra.

Ăn cắp không biết xấu hổ - Đây là lý do khiến tiêm kích “xịn xò” của Trung Quốc mãi ế ẩm? - Ảnh 1.

Tiêm kích J-10C của Trung Quốc.

Trung Quốc có được J-10C - phiên bản mới nhất của J-10 - trong biên chế giữa năm 2017, tức là 13 năm sau khi những chiếc J-10 đầu tiên được đưa vào trang bị (2004). Đây là thành quả sau một nỗ lực dài hơi (từ năm 1988) để đưa mẫu tiêm kích hiện đại do Trung Quốc thiết kế đi vào hoạt động.

Phiên bản mới nhất của J-10 sử dụng vật liệu composite nhiều hơn ở khung máy bay và trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, trong đó có radar AESA.

J-10 là mẫu tiêm kích hiện đại được Trung Quốc sử dụng rộng rãi nhất, với hơn 400 chiếc trong biên chế. Đông đảo không kém là một số mẫu thiết kế hiện đại của Nga. Trung Quốc có được các bản sao chép (hợp pháp và bất hợp pháp) mẫu Su-27/30 của Nga trong những năm 1990.

Theo trang mạng Strategy Page, sở dĩ Trung Quốc sản xuất số lượng lớn J-10 như vậy là bởi Trung Quốc tuyên bố chúng là thiết kế của chính họ, chứ không phải của Nga.

Bắc Kinh mất nhiều thời gian hơn để đưa J-10 vào biên chế, nước này cũng đã sử dụng J-10 để quảng bá cho năng lực phát triển máy bay chiến đấu mới của mình, trong đó bao gồm các hệ thống điện tử hàng không do Trung Quốc phát triển, như “buồng lái kính”, mũ bay với màn hình hiển thị HUD, khả năng “ngắm và bắn”, cũng nhưa radar AESA.

J-10 trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực đầu tiên do Trung Quốc chế tạo, có khả năng điều khiển các loại bom thông minh (dẫn đường bằng vệ tinh hoặc laser). Nó cũng là mẫu máy bay đầu tiên được trang bị pod chỉ thị mục tiêu, pod ECM (đối phó tác chiến điện tử) và hệ thống fly-by-wire cải tiến.

J-10 được kỳ vọng là mẫu tiêm kích Trung Quốc đầu tiên được trang bị động cơ do chính Trung Quốc sản xuất, thay vì phải nhập khẩu từ Nga. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa xảy ra.

Trung Quốc từng thử nghiệm J-10 với động cơ nội địa WS10B nhưng nhìn chung vẫn phụ thuộc vào mẫu động cơ AL-31 của Nga do có độ tin cậy cao hơn.

Theo Strategy Page, có lẽ một phần do phụ thuộc vào động cơ của Nga mà Trung Quốc vẫn chưa nhận được bất cứ đơn hàng xuất khẩu nào đối với J-10. Trung Quốc phải được Nga đồng ý cho sử dụng động cơ AL-31 trên các máy bay J-10 xuất khẩu, trong khi Moscow lại tỏ ra không hợp tác trong vấn đề này.

Trước khi J-10 được đưa vào biên chế PLAAF, Trung Quốc đã mua các máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Nga trong những năm 1990 (Su-27/30).

Họ cũng đã mua, thậm chí đánh cắp nhiều công nghệ máy bay của Nga trong thời gian này do đó là thời điểm Moscow đang gặp khó khăn, thứ duy nhất giúp duy trì các hãng sản xuất hàng không khi ấy là các đơn hàng xuất khẩu.

Trung Quốc và Ấn Độ là hai khách hàng lớn nhất của Nga. Tuy nhiên, khác với Ấn Độ, Trung Quốc có khả năng sản xuất máy bay tiên tiến hơn và không mấy “ngại ngùng” khi đánh cắp công nghệ nước ngoài.

Trước khi kết thúc thập niên 90 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã tạo ra phiên bản nhái bất hợp pháp của Su-27, gọi đó là bản J-11 do “Trung Quốc phát triển”. Tất nhiên người Nga biết rõ sự tình, và mặc dù Bắc Kinh ngoan cố tuyên bố J-11 là thiết kế nội địa, “chỉ tình cờ giống Su-27 mà thôi” nhưng họ đã không nỗ lực rao bán J-11 cho các khách hàng nước ngoài.

Trung Quốc từng chào bán các mẫu thiết kế cũ của Nga mà họ được sao chép theo giấy phép nhưng chỉ có 2 mẫu tiêm kích do Trung Quốc thiết kế được họ tung ra thị trường xuất khẩu, đó là J-10 và JF-17. Trong đó mới có mẫu JF-17 tìm được khách hàng.

Mặ dù nguyên mẫu và phần lớn bộ phận của JF-17 là do Trung Quốc sản xuất nhưng khách hàng chủ lực vẫn là Pakistan (quốc gia hợp tác với Trung Quốc phát triển JF-17).

Trong khi đó, Trung Quốc chưa từng đặt mua chiếc JF-17 nào, chủ yếu là vì vào thời điểm JF-17 được đưa vào biên chế Pakistan (2007) thì J-10 đã được đưa vào sản xuất và nó được xem một mẫu máy bay vượt trội hơn.

Ăn cắp không biết xấu hổ - Đây là lý do khiến tiêm kích “xịn xò” của Trung Quốc mãi ế ẩm? - Ảnh 2.

Tiêm kích JF-17 do Trung Quốc-Paksitan hợp tác phát triển.

Xét về mặt kỹ thuật thì JF-17 là máy bay của Pakistan do phần lớn chúng được lắp ráp tại nước này. Pakistan đã xuất khẩu một số chiếc JF-17 sang Burma và Nigeria bởi Nga đã đồng ý cung cấp và hỗ trợ động cơ RD-93 trang bị cho số máy bay này. Đáp lại, Pakistan đã tăng cường mua vũ khí Nga.

J-10 có một số điểm giống với mẫu F-16 của Mỹ và có cùng khối lượng với nó (19 tấn). Điểm tương đồng giữa hai mẫu máy bay là J-10 cũng chỉ có 1 động cơ, nhưng phần thân của nó dài hơn F-16, để chứa được các động cơ Nga/Trung Quốc với kích cỡ lớn hơn động cơ của Mỹ.

Không phải ngẫu nhiên mà J-10 lại giống F-16, bởi Israel dường như đã bán cho Trung Quốc công nghệ tiêm kích Lavi - một thiết kế được gọi là “siêu F-16” mà Israel đã bỏ dở giữa chừng trong năm 1987 do quá đắt đỏ.

Chưa phải là đối thủ của F-16

Trung Quốc luôn khăng khăng J-10 là thiết kế nội địa của mình nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, nhiều kỹ sư và nhà khoa học từng hỗ trợ Trung Quốc phát triển J-10 đã tiết lộ nhiều chi tiết về cách thức Bắc Kinh tiếp cận công nghệ thiết kế Lavi.

Israel không đưa ra bình luận về vấn đề này bởi Mỹ đã can thiệp vào các thỏa thuận cung cấp công nghệ của Israel sang Trung Quốc trong những năm 1990.

Trung Quốc tỏ ra tự tin với nguồn gốc thiết kế của J-10 tới mức họ đã dự định xuất khẩu mẫu máy bay này nhưng cho tới nay vẫn chưa bán được chiếc nào.

Nguyên nhân một phần là do sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt năm 1991, có rất nhiều tiêm kích F-16 đã qua sử dụng được chào bán, và nhiều nhà cung cấp (trong đó có Israel) đã nâng cấp, cũng như tân trang chúng. So với J-10, F-16 có thâm niên chiến đấu và thành tích tác chiến ấn tương hơn nhiều.

Ăn cắp không biết xấu hổ - Đây là lý do khiến tiêm kích “xịn xò” của Trung Quốc mãi ế ẩm? - Ảnh 3.

J-10 vẫn chưa thể là đối thủ của F-16 trên thị trường xuất khẩu.

Mặc dù J-10 là tiêm kích hiện đại đầu tiên do Trung Quốc thiết kế và được sản xuất nhiều nhất nhưng Bắc Kinh vẫn đặt mua các phiên bản sao chép hợp pháp/bất hợp pháp của mẫu Su-27/30.

Nga vẫn bán cho Trung Quốc các phiên bản cải tiến của Su-30 nhưng với tâm thế là nếu Trung Quốc vẫn tìm cách xuất khẩu các công nghệ đã đánh cắp từ Nga thì Moscow sẽ không để yên và sẽ làm cho Trung Quốc phải bẽ mặt.

Cho tới năm 2007, Trung Quốc thậm chí vẫn chưa thừa nhận sự tồn tại của J-10. Đến năm 2008, các bức ảnh vệ tinh cho thấy một công trình đang được xây dựng, có vẻ như là căn cứ dài cho 4 phi đoàn J-10 của Trung Quốc.

Điều đó có nghĩa đã có khoảng 130 chiếc J-10 được đưa vào biên chế cuối năm 2008. Mỗi phi đoàn có khoảng 28 chiếc. Một số chiếc khác được phân bổ cho các trung tâm huấn luyện. Trong thập kỷ qua, người ta thấy các phi đoàn J-10, cũng như phiên bản H-10 cải tiến của Trung Quốc xuất hiện nhiều hơn.

Trung Quốc đã tiến tới phát triển một số mẫu thiết kế tiêm kích tàng hình, mang đủ tố chất “Trung Quốc” (và không phải là công nghệ đánh cắp từ nước ngoài) để xuất khẩu. Tuy nhiên, họ vẫn chưa có nhiều khách hàng.

Vấn đề lớn của Trung Quốc là nước này vẫn chưa chế tạo thành công động cơ đủ tin cậy.

Bắc Kinh từng nhiều lần tuyên bố kế hoạch đưa vào trang bị động cơ nội địa để thay thế động cơ của Nga nhưng mỗi lần như vậy, kế hoạch của họ đều lẳng lặng bị trì hoãn do quá trình kiểm tra động cơ trên máy bay cho thấy nhiều vấn đề về hiệu suất và độ tin cậy phát sinh.

Mặc dù đã có sự hỗ trợ từ Israel và Nga nhưng J-10 tỏ ra kém hiệu quả trong tác chiến không-đối-không. Để khắc phục, Trung Quốc tập trung tái cấu trúc thiết kế của chúng thành tiêm kích-bom (J-10B). Phiên bản này có thể mang trên 5 tấn bom-tên lửa và được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực có khả năng triển khai tên lửa, cũng như bom thông minh.

Mãi tới năm 2014, J-10B mới được đưa vào biên chế nhưng radar AESA của nó không đạt được độ ổn định cho tới khi J-10C - phiên bản nâng cấp cao hơn- ra đời và được cho là có năng lực ngang bằng với F-16.

Strategy Page cho hay, hiện có rất ít phía bày tỏ quan tâm đến phiên bản F-16 “made in China” dù yếu tố “nguồn gốc Trung Quốc” ở mẫu máy bay này cao đến đâu đi nữa. Về phần mình, Trung Quốc không thể mua được các tiêm kích F-16 nhưng vẫn ngưỡng mộ thiết kế của chúng nên họ vẫn tiếp tục cho ra đời số lượng lớn tiêm kích J-10.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại