Báo cáo của Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ, nói rằng Trung Quốc đã điều động hạm đội gần 100 tàu áp sát đảo Thị Tứ.
Nhóm tàu của Trung Quốc được triển khai từ đá Xu Bi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp), bao gồm các tàu hải quân, hải cảnh cùng hàng chục tàu cá.
Báo cáo cho hay động thái trên của Bắc Kinh nhằm buộc Philippines ngừng hoạt động xây dựng trái phép ở đảo Thị Tứ.
Công trình xây dựng trái phép do Philipines tiến hành trên đảo Thị Tứ của Việt Nam, tháng 12/2018 (Ảnh: AMTI)
Những hình ảnh vệ tinh cho thấy một tàu hộ vệ tên lửa lớp Jianghu V và tàu hải cảnh lớp Zhaoduan của Trung Quốc xuất hiện ngoài khơi đảo Thị Tứ vào ngày 20/12/2018, trong khi số lượng tàu Trung Quốc tại đây lên đến 95 chiếc.
Theo AMTI, các chiến hạm Trung Quốc được ghi nhận chỉ cách tàu hải quân Philippines BRP Ramon Alcaraz khoảng hơn 12km.
"Các tàu cá [Trung Quốc] chủ yếu thả neo ở khoảng 2 đến 5.5 hải lý về phía tây đảo Thị Tứ, còn các tàu hải quân và hải cảnh hoạt động xa hơn về phía tây và phía nam," AMTI nêu.
"Cách bố trí này tương tự như các trường hợp trước đây trong 'chiến lược bắp cải' của Trung Quốc, khi họ triển khai nhiều lớp tàu cá, tàu của lực lượng chấp pháp và tàu quân sự xung quanh các khu vực tranh chấp."
"Các tàu cá thể hiện đầy đủ dấu hiệu của lực lượng dân quân hàng hải Trung Quốc, bao gồm không có công cụ nào được thả xuống nước cho hoạt động đánh cá, cũng như tắt Hệ thống nhận dạng tự động (AIS) nhằm che giấu hoạt động," báo cáo chỉ ra, bổ sung rằng chỉ có 1 trong 95 tàu này truyền dữ liệu AIS vào ngày 20/12.
Hàng chục tàu thuyền Trung Quốc được phát hiện xung quanh đảo Thị Tứ (Ảnh: CSIS/AMTI/DigitalGlobe)
Hồi tháng 4/2017, chính phủ Philippines tuyên bố sẽ bắt đầu kế hoạch cải tạo tại đảo Thị Tứ - thực thể mà họ cưỡng chiếm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hoạt động xây dựng trái phép dự kiến kết thúc vào cuối năm ngoái, nhưng giới chức Philippines cho biết tiến độ bị trì hoãn do điều kiện thời tiết và tình trạng biển. Tuy nhiên, AMTI cho rằng sức ép từ đội tàu Trung Quốc có liên quan đến vấn đề này.
Bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana trả lời tờ Philippine Daily Inquirer hôm 4/2, nói công trình [phi pháp] ở đảo Thị Tứ sẽ được hoàn thành trong quý 1 năm nay.
Các hình ảnh vệ tinh của AMTI cho thấy số lượng tàu Trung Quốc xung quanh khu vực Philippines cải tạo đảo trái phép đã tăng lên thành ít nhất 24 tàu từ hôm 3/12/2018 - trước khi giai đoạn xây dựng mới nhất được khởi động, và tăng lên 95 tàu vào 25/12. Đến 26/1, số lượng tàu Trung Quốc giảm còn 46.
Ông Lorenzana cho hay Đại sứ Trung Quốc tại Philippines trước đó đã thúc giục ông hủy bỏ kế hoạch xây dựng nói trên. Dù vậy, việc số tàu Trung Quốc giảm xuống là dấu hiệu "lực lượng Trung Quốc đã chuyển sang cơ chế giám sát và đe dọa, sau khi việc triển khai ồ ạt lượng lớn tàu thuyền ban đầu không thể khiến Manila ngừng việc xây dựng" - báo cáo của AMTI nói.
Đề cập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và hoạt động của các bên ở biển Đông, người phát ngôn Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết vào tháng 10/2018:
"Một lần nữa, chúng tôi khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với tư cách là quốc gia thành viên Công ước liên hợp quốc về Luật biển 1982 và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Việt Nam đề nghị các nước có đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương".