Bên lề diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội ngày 14/3, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) khẳng định Amazon không vào Việt Nam như Ladaza, nghĩa là không đặt trang cụ thể tại Việt Nam.
Ông Dũng cho biết, Amazon nhận thấy có rất nhiều website nhận đơn mua hàng về Việt Nam trong khi không nhiều doanh nghiệp, cá nhân Việt bán hàng trên Amazon.
Cùng đó, Amazon nhận thấy với tổng cộng 13 thị trường, doanh nghiệp thương mại điện tử này mới chỉ có 3 thị trường tại châu Á, vì vậy, Việt Nam được chọn để thử nghiệm. Trong chiến lược lần này, Amazon mong muốn thúc đẩy doanh nghiệp Việt bán hàng trên Amazon.
Vị phó chủ tịch VECOM cũng nhận định, nhiều người muốn đưa sản phẩm ra thế giới thông qua Amazon nhưng lại vướng mắc nhiều thủ tục và không biết cách giải quyết.
Vì thế, VECOM và Amazon sẽ phối hợp cùng tổ chức các chương trình đào tạo, cung cấp các kinh nghiệm giải pháp, công cụ, chuyên gia cho các doanh nghiệp Việt Nam để việc kinh doanh online trên Amazon thuận lợi.
Hai bên đã chuẩn bị giáo trình chuyển ngữ, đội ngũ trainer để khóa đào tạo bắt đầu vào tháng 4 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, với khoảng 40- 50 cá nhân được đăng ký trong khóa học.
"Để hiệu quả, sự hỗ trợ về thông tin, công cụ bán hàng cho cá nhân bán hàng online có thể kéo dài rất lâu, đến khi hàng hóa được bán chạy và có thu nhập", phó chủ tịch VECOM khẳng định.
Amazon sẽ bắt đầu hoạt động đầu tiên tại VN thông qua khóa đào tạo phối hợp cùng VECOM vào tháng 4.
Tham gia diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2018, ông Gijae Seong (Giám đốc bộ phận bán hàng toàn cầu của Amazon tại Singapore) cũng khẳng định, Amazon giúp người bán Việt Nam tiếp cận với thị trường thế giới mà không tốn chi phí thuê văn phòng, sử dụng nhà kho tại thị trường đó.
Theo đó, Amazon sẽ cung cấp dịch vụ bán hàng Fulfillment by Amazone (FBA) của Amazon cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Dịch vụ Fulfillment by Amazon (FBA) được hiểu là khi có đơn hàng, Amazon sẽ tự động đóng gói và vận chuyển cho khách. Người bán hàng chỉ cần gửi hàng sang kho cho Amazon và công ty sẽ thực hiện các công đoạn còn lại.
Dịch vụ kho bãi đơn hàng này hỗ trợ khách hàng đổi trả cho khách hàng toàn cầu. Đồng thời FBA cho phép phát triển doanh nghiệp trực tuyến qua mạng lưới đồng thời hoàn thiện đơn hàng giúp người bán tiết kiệm chi phí vận chuyển.
6 ưu thế của FBA được đại diện Amazon chỉ ra bao gồm: Tiết kiệm chi phí bằng cách chuyển hàng số lượng lớn, giúp sản phẩm đến gần với khách hàng toàn cầu hơn, trang sản phẩm được truy cập nhiều hơn, hỗ trợ khách hàng bằng ngôn ngữ địa phương, đổi trả hàng trong nước, sản phẩm được chuyển tới người mua nhanh như từ người bán tại Mỹ.