Câu chuyện về người bố khiếm thính khiến cộng đồng mạng xúc động
Tình cảm gia đình luôn là điều thiêng liêng, cao quý và đáng trân trọng nhất trong trái tim mỗi người. Đặc biệt, trong gia đình, cha và con gái thường vô cùng thân thiết.
Người cha không chỉ mang lại cảm giác an toàn cho cô con gái nhỏ, mà còn có thể dạy con gái nhiều điều, không phải bằng cách ngồi xuống trò chuyện, mà qua cách cư xử thường ngày.
Điều này cực kỳ đúng với câu chuyện mà cô con gái có bố bị khiếm thính chia sẻ. Đối với Quách Hường, 28 tuổi, sinh sống và làm việc tại Hà Nội, bố cô chính là người yêu thương, dạy con gái nhiều điều hay lẽ phải theo cách thật đặc biệt của một ông bố mắc chứng khiếm thính từ nhỏ.
Bố của Hường bị khiếm thính từ nhỏ, thường bị người ta gọi bằng biệt danh "thằng điếc"
Được biết, bố Hường năm nay 59 tuổi, đang sống ở ngoại thành Hà Nội. Dù cuộc sống thường nhật với công việc bận rộn khiến cô không thể hằng ngày ở cạnh bố, nhưng giữa Hường và bố vẫn luôn thân thiết và có nhiều khoảnh khắc đáng nhớ.
Quách Hường nhớ lại: "Bố mình bị điếc từ nhỏ, chưa rõ nguyên nhân. Ngày xưa ở quê, người ta hay gọi bố mình là thằng điếc.
Lời lẽ thật vô tư nhưng vào tai một đứa trẻ lúc đó thật khó mà chịu nổi. Có bận, mình về quê nội, một bà cứ oang oang hỏi: "Thằng điếc" có nhà không?!
Mình bảo bà: Nhà cháu chẳng có thằng điếc nào cả, bà đi nhầm rồi. Bà nói, ơ, mày là ai.
Mình bảo, cháu là con bố cháu. Bà lại tiếp, thế bố mày đâu. Mình nói: Bố cháu là bố cháu, bà gọi thằng điếc nào, từ sau bà đừng gọi thế nữa. Từ đó bà ấy không gọi luôn.
Tâm sự về người bố đặc biệt của Quách Hường khiến cộng đồng mạng xúc động
Theo lời Hường chia sẻ, bố mẹ ly hôn từ khi cô mới 5 tuổi. Mẹ cô đơn thân nuôi con, còn bố Hường sống một mình.
Dù không còn chung sống với nhau, bố mẹ cô vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp. Đặc biệt, Hường và gia đình cô vẫn luôn yêu quý người bố khiếm thính và chưa bao giờ mảy may trách cứ bố mình.
Lý do là vì dù không nghe được, nhưng bố cô vẫn rất giỏi trong việc thấu hiểu con gái và vô cùng tâm lý, luôn quan tâm con từ những điều nhỏ nhặt nhất.
"Bố mình rất sợ thấy con gái dỗi, chỉ cần to tiếng mà con gái xị mặt xuống nói bố đừng quát con là ánh mắt bố bắt đầu lo lắng, dịu xuống ngay, đáng yêu lắm!
Dù không có câu nào xin lỗi hay vỗ về gì, chỉ cần thấy nét mặt khó xử không biết làm thế nào như vậy của bố là mình thấy tuyệt lắm rồi.
Mình rất yêu bố, dù sống và làm việc ngoài thành phố nhưng định kỳ mình sẽ về thăm bố, mỗi dịp như thế bố con lại quấn quýt, thân thiết như hai người bạn".
Vì con có người bố không như bố nhà người ta, nên bố yêu con cũng thật đặc biệt theo một cách rất riêng
Dù bố không nghe được, giao tiếp cũng có phần hạn chế, nhưng đối với cô gái trẻ, bố chính là người dạy cho cô nhiều bài học về cuộc sống, cách đối nhân xử thế, yêu thương mọi người xung quanh.
Mỗi lần về thăm bố, Quách Hường luôn cảm nhận được tình cảm ấm áp, sự quan tâm bố dành cho cô từ những hành động giản dị nhất
Đặc biệt, Quách Hường nhận ra nhiều thông điệp về tình yêu thương từ cách mà bố mẹ cô đối xử với nhau:
"Bố mẹ chính thức không ở với nhau nữa khi mình 5 tuổi, sau một vài biến cố và có lẽ còn vì hết duyên. Nhưng mỗi lần gặp bố mẹ vẫn trò chuyện, cư xử văn minh lắm.
Bố mẹ hồi còn sống với nhau rất ăn ý, bố bị điếc từ nhỏ nên thần kinh cũng không nhanh nhạy tính toán như người ta, thế nên mẹ là người tính toán công việc trong nhà, còn bố làm theo nhưng hai người rất tôn trọng nhau.
Bố mình không nghe được, tuy nhiên nhìn miệng đoán rất siêu, chỉ cần nhìn miệng nói là hiểu, có khi bố mẹ nói chuyện với nhau người ngoài còn chẳng biết.
Bố hiền lắm, chỉ cần biết cách để giao tiếp với bố thì cảm xúc của bố được cân bằng, sẽ không xảy ra bất kỳ sự to tiếng nào, và mẹ rất giỏi trong việc thấu hiểu bố".
Câu chuyện của cô con gái về người bố đặc biệt của mình đã khiến dân mạng xúc động và hiện vẫn nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Thông qua câu chuyện của mình, cô gái trẻ mong muốn nhắn gửi thông điệp: Gia đình vẫn luôn là nơi “Khi ta quay đầu có ba mẹ đứng chờ”, dù cách ba mẹ “chờ” có thể khác nhau nhưng tình yêu thương của họ là vô bờ.
Nếu vẫn chưa cảm nhận được, thì hãy thử một lần học cách đọc tình yêu thương theo ngôn ngữ của bố mẹ để bao dung và yêu họ nhiều hơn.