Kế hoạch đào tẩu tinh vi
Ở một góc Tihar - hệ thống nhà tù lớn nhất Nam Á đặt tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ), nhóm tù nhân vừa tìm thấy một con mèo bất tỉnh.
Trong khoảng 2 ngày kế tiếp, con mèo được chăm sóc tận tình, đến ngày thứ ba đã có thể đi lại.
Ngày 17/3/1986, vài hôm sau sự việc nói trên, một chiếc xe màu trắng đỗ xịch trước cổng trước nhà tù Tihar. Ngồi trong xe là David Hall - thanh niên người Anh nhận cáo buộc buôn lậu ma túy nhưng đã được bảo lãnh tại ngoại.
David trao cho hai bảo vệ 100 rupee (chưa tới 1 USD theo tỷ giá lúc bấy giờ) kèm theo giỏ trái cây, nói rằng muốn thăm người bạn Charles. "Hôm nay là sinh nhật của Charles ạ" - Hall nói bằng giọng kính cẩn.
Đó là trưa Chủ nhật nên phạm nhân không được thăm nom theo luật, tuy nhiên David vẫn được phép bước vào trong nhờ món quà và tài ăn nói của mình.
Kẻ mà David đến thăm hôm nay chính là 1 trong những phạm nhân nguy hiểm nhất của nhà tù - Charles Sobhraj.
Trước khi bị tống giam ở Ấn Độ trong suốt 10 năm, hắn đã gây ra hàng chục án mạng đẫm máu ở nhiều nước Đông Nam Á.
Nhưng đằng sau chấn song, Charles không những không ăn năn hối cải mà còn lên kế hoạch vượt ngục, bắt đầu từ lúc kết thân với bạn tù David Hall. Sau khi David được tại ngoại, y đã lo chạy việc vặt cho đồng bọn và chờ thời cơ thực hiện phi vụ táo tợn này.
Charles Sobhraj lúc bị bắt giam ở New Delhi (Ảnh: Getty)
Vượt qua được hàng rào an ninh đầu tiên, Charles và David gặp mặt nhau tại văn phòng phó tổng giám sát nhà tù.
Thực ra, sinh nhật của Charles đã trôi qua từ 3 tuần trước, nhưng bọn chúng vẫn đóng kịch tài tình rồi tặng trái cây cho các viên quản ngục.
Vài phút sau, thuốc mê tẩm trong trái cây bắt đầu phát huy tác dụng, Charles nhanh chóng theo David bước vào ô tô, còn kéo theo một quản ngục trong tình trạng bất tỉnh.
Đến cổng bảo vệ, nhóm tội phạm giơ tay của quản ngục ra ngoài cửa sổ làm như ra hiệu. Bấy nhiêu đó là đủ để lính gác cho xe rời đi trót lọt, không hay biết về một pha vượt ngục chấn động vừa mới xảy ra.
Ít lâu sau, nhà tù Tihar mới phát hiện rằng con mèo từng nằm mê man trong tù cũng là một phần trong kế hoạch của Charles.
Hắn đã dùng con vật để kiểm tra liều lượng thuốc mê được bí mật tẩm vào trái cây suốt thời gian dài.
"Sát nhân bikini" gây rúng động châu Á
Lúc bấy giờ, việc Charles Sobhraj vượt ngục được đăng tải trên trang nhất nhiều tờ báo quốc tế và gây chấn động dư luận.
Trước đó vào thập niên 70, Charles đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người, chủ yếu là khách du lịch đến Đông Nam Á.
Ban đầu, hắn kết thân với du khách và cám dỗ họ dùng chất cấm. Đến lúc nạn nhân lơ là phòng vệ, hắn bèn ra tay sát hại.
Một vài thi thể được tìm thấy trong tình trạng chỉ còn mỗi bikini trên người, do đó Charlrs Sobharaj thường được truyền thông gọi là "sát thủ bikini".
Quá trình gây án và bị bắt giữ của Charles Sobhraj là đề tài của nhiều quyển sách và bộ phim The Serpent trên Netflix (Ảnh: Vice)
Kẻ giết người hàng loạt này có tên thật là Hotchand Bhawnani Gurumukh Sobhraj, sinh năm 1944 với bố người Ấn Độ và mẹ người Việt Nam.
Tuổi thơ của hắn trải qua nhiều bất hạnh. Vào năm 4 tuổi, hắn bị bố ruồng bỏ. Người mẹ cũng đi bước nữa, cùng chồng mới dọn về thành phố Marseille (Pháp). Charles bị bố dượng căm ghét, dần bước vào con đường tội lỗi.
Năm 1963 ở Paris, hắn đã phải ngồi tù lần đầu tiên ở tuổi 19 vì tội trộm cắp.
Tháng 7/1976 khi đã là một kẻ sát nhân mất hết nhân tính, Charles Sobhraj mới bị cảnh sát New Dehi bắt giữ thành công và tống giam vào Tihar. Suốt thời gian ngồi tù, ngày nào Charles cũng chống đẩy 100 cái, sau đó luyện kungfu và karate.
Nhất cử nhất động của hắn đặc biệt thu hút sự chú ý của truyền thông, do Charles thường xuyên có người đến thăm nom và còn được bạn tù tổ chức tiệc hàng tuần.
Thậm chí, có tài liệu cho rằng hắn từng có ý định thành lập dị giáo.
Kẻ sát nhân bị áp giải đến một phiên tòa ở Nepal năm 2014 (Ảnh: Getty)
Sau khi trốn thoát khỏi nhà tù Tihar, kẻ sát nhân đã lang bạt hàng chục năm và cuối cùng trú ẩn ở vùng ngoại ô Paris, Pháp.
Đến năm 2003, không hiểu sao hắn lại đi đến thủ đô Kathmandu, Nepal. Một năm sau, hắn bị tuyên án tù chung thân vì sát hại 2 du khách Connie Jo Bronzich (người Mỹ) và Laurent Ormond Carriere (người Canada).
Năm 2017, khi Charles đã 72 tuổi, hắn trải qua cơn đau tim và phải làm phẫu thuật dưới sự giám sát gắt gao.
Vị bác sĩ người Nepal sau khi thực hiện ca phẫu thuật, đã bày tỏ đầy ẩn ý: Bất chấp cuộc đời tàn bạo và độc ác của mình, "hắn ta vẫn có 1 trái tim và tôi vừa chỉnh lại các van tim bên trong".
Hiện Charles Sobhraj vẫn đang trả giá cho những tội ác tày trời tại nhà tù ở Nepal.