Từ hơn 1 năm nay, căn nhà của vợ chồng Quý lại đón thêm một vị khách đặc biệt. Bà cô chồng đã góa bụa nhiều năm, có cậu con trai độc nhất thì bỗng dưng lao vào cờ bạc như con thiêu thân.
Mới hồi năm ngoái thôi, ngôi nhà của hai mẹ con bị giang hồ đến xiết nợ, ông con quý hóa trốn bặt tăm.
Bà cô chồng thì được họ hàng gửi gắm cho vợ chồng Quý với lý do là hai đứa cháu có kinh tế khá giả, nhà cửa rộng rãi thì tiện hơn.
Ban đầu, Quý cũng vui vẻ với việc nhà có thêm người vì mấy lần tiếp xúc thấy bà tương đối hiền lành, chăm chỉ lại thích trẻ con.
Cô đã từng nghĩ đến tương lai sẽ có bà đỡ đần trong việc chăm con, quán xuyến nhà cửa khi hai vợ chồng đi làm.
Thôi coi như là "một công đôi việc", nhà có thêm người giúp việc miễn phí chẳng tốn xu nào và suốt mấy ngày Quý cứ âm ỉ với niềm vui đó.
Nhưng đúng thật là cuộc đời không như mơ, bởi chưa được bao lâu thì nỗi thất vọng đã tràn trề.
Bà cô chồng đúng là bản chất hiền lành, chất phác nhưng sự chất phác của bà vô tình lại là cơn ác mộng của gia đình hai đứa cháu vốn dĩ đang yên ả.
Chẳng nói đâu xa, nết ăn ở của một người già lại quen sống ở nông thôn, cho dù có thế nào cũng chẳng thể làm quen được với sự hiện đại nơi thành phố.
Khi lên nhà cháu ở, bà đem theo tất cả những vật dụng còn lại từ căn nhà bị xiết nợ, nào là chăn gối, nồi niêu, bát đĩa…
Hôm đón bà lên nhà, Quý sốc khi nhìn thấy nguyên 1 thang máy chật kín đồ đạc, các thứ va vào nhau liểng xiểng náo động của một góc hành lang, cái nào cũng cũ mèm, cáu bẩn.
Khi vào nhà, bà nằng nặc đòi được ở phòng riêng vì "quen ở một mình, không muốn chung đụng giường ngủ với ai".
Vì nhà chỉ có 2 phòng ngủ, vốn dĩ cô định để hai bà cháu ở một phòng.
Giờ bà đòi ở một mình mà không muốn ngày đầu đã khiến bà phật ý nên Quý đành chuyển đồ đạc của con sang phòng mình. "Thôi đành chịu khó ở chật chội một chút vậy", Quý tự nhủ.
Ảnh minh họa.
Những ngày bình thường, nhà Quý không mấy khi có người ở nhà vì vợ chồng đi làm, con cái đi học.
Cả nhà chỉ gặp nhau vào các buổi tối và hai ngày cuối tuần. Nhưng từ khi bà đến ở, cứ buổi trưa là Quý phải tranh thủ chạy từ cơ quan về để xem cơm nước cho bà ăn.
Thực ra chuyện nấu cơm chỉ là cái cớ, còn chủ yếu là để… trông nom nhà cửa. Chuyện thật mà như đùa, tưởng rằng có thêm bà đến ở thì sẽ "thêm người đỡ việc", ai ngờ đâu mọi thứ lại rối tung hết cả.
Đúng 1 tuần đầu tiên, buổi trưa nào Quý cũng bị mất giấc ngủ trưa vì nghe điện thoại.
Hôm thì bảo vệ tòa nhà gọi thông báo và nhắc nhở vì bà cô chồng ở nhà đem cá ra kho nhưng để cháy đến mức khói um cả tầng nhà.
Hôm thì hàng xóm "mách tội" bà đem hết chăn nệm ra giữa hành lang, đem cả chậu nước ra giặt giũ, chắn hết cả lối đi lại.
Hôm thì Quý sốt ruột xin về sớm, tá hỏa thấy cửa nhà trống hoác, mở toang trong khi bà cô thì không thấy tăm hơi đâu.
Mãi đến tối, bà mới ló mặt về nhà và bảo: "Ở nhà buồn quá nên tự dưng muốn đi dạo phố". Hai vợ chồng được phen hết hồn, còn tưởng là bà đi lạc hay bị bọn đầu gấu tìm đến tận đây đòi nợ rồi.
Thôi thì vì để tránh có ngày nhà cửa chẳng còn gì, cứ mỗi buổi trưa Quý lại phóng như bay về nhà, vừa nhân tiện cơm nước và dặn dò bà ở nhà cẩn thận.
Bận rộn còn hơn thời con mọn. Cứ nghĩ rằng chỉ vài tuần khi bà quen là sẽ ổn thôi. Ai dè hơn 1 năm rồi, vẫn chẳng hề có tiến triển, trong khi tinh thần cháu dâu thì đã sắp vượt ngưỡng chịu đựng.
Người bà cô nhỏ thó nhưng nết ăn uống thì có lẽ chẳng ai bằng. Mỗi bữa cơm, bà đánh veo 4 bát, đồ ăn thì cứ miếng nào ngon nhất bà xơi trước.
Có những bữa, Quý mua được cho con ít đồ ăn ngon thì vừa đặt lên mâm, ngoảnh đi ngoảnh lại đã nằm chễm chệ trong bát bà dù đã ý tứ cho vào đĩa riêng.
Nhìn mâm cơm mà cô chỉ biết ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong. Chưa kể thói quen ăn ở khác nhau, bà cũng không phải tuýp người ngăn nắp, gọn gàng.
Thành ra càng ngày, sự có mặt của bà càng khiến Quý tức sôi máu.
Nhưng dù thế nào, cô cũng không bao giờ dám hỗn hào với bà, vì Quý thừa biết chồng mình rất gia trưởng, chỉ cần vợ có thái độ không đúng mực với bất cứ ai trong họ hàng, anh sẽ không bao giờ tha thứ cho cô.
Có lẽ mọi việc sẽ cứ tiếp diễn trong sự đau khổ của Quý như vậy, nếu một ngày cô không đem câu chuyện tâm sự với cô hàng xóm.
Cô hàng xóm đã lớn tuổi, từ khi bà cô chồng Quý đến ở thì hai bà tỏ ra rất mến và thân thiết nhau. Quý thực sự sốc khi chính bà cho biết nguyên do mà cô không hề ngờ tới.
Số là một buổi chiều khi vừa chân ướt chân ráo đặt chân đến thành phố và bắt đầu cuộc sống mới ở nhà cháu, bà cô đã vô tình nghe được Quý nói chuyện với bạn, khi ấy bà sững sờ vì cô cháu dâu nói rằng: "Bà đến thì coi như nhà có giúp việc không công, trong khi hai vợ chồng vẫn có tiếng là sống tình nghĩa.
Tính kiểu gì cũng lợi đôi đường". Cũng chính vì câu nói không tôn trọng của Quý, bà đã ngấm ngầm lên kế hoạch khiến cô phải hối hận về điều đó.
Ảnh minh họa.
Vậy là suốt 1 năm qua, bà luôn cố tình làm những điều "chướng tai gai mắt" để cháu dâu phải bực bội.
Bằng thái độ thản nhiên nhất, bà còn đứng sau nhiều phen "chơi khăm" cô cháu quý hóa, như nói xấu hai vợ chồng Quý trong mỗi lần tụ họp với họ hàng, hay tỏ ra vô tội khi đánh rơi đồ, làm hỏng thứ này thứ nọ trong nhà.
Chào hàng xóm sau cuộc nói chuyện tiết lộ bí mật "động trời", Quý phải mất một lúc lâu sau mới định thần được.
Thì ra đây mới đích thực là nguyên nhân khiến bấy lâu nay cô luôn sống trong sự bực bội đến vậy. "Tự mình hại mình rồi Quý ơi!", cô lẩm bẩm, không ngừng tự trách sự hớ hênh của bản thân.
Trong đầu cô vẫn lẩn quẩn với suy nghĩ làm thế nào để cứu vãn được tình hình. Thôi thì, trời không chịu đất thì đất phải chịu trời chứ biết làm thế nào.
Nghĩ đến đây, cô chạy vù ra chợ, định bụng sẽ làm một mâm cơm thật ngon, nhân tiện xin lỗi để bà nguôi giận.
Chỉ mong bà "chín bỏ làm mười" tha thứ cho sự vụng dại của cháu dâu. "Gừng càng già càng cay", bây giờ thì Quý đã thực sự tin điều đó rồi.