"Cuối cùng thì chỉ có đàn ông Việt Nam mới chiến thắng ở các cuộc thi sắc đẹp tầm cỡ thế giới" - phát ngôn của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh ngay sau chiến thắng của người đẹp Hương Giang tại đấu trường nhan sắc chuyển giới quốc tế đang là đề tài gây tranh cãi cộng đồng mạng.
Đạo diễn của phim "Cô gái đến từ hôm qua" đã phủ nhận việc ám chỉ Hương Giang trong câu nói. Tất nhiên, lời phủ nhận của anh không thuyết phục.
Và bởi vì thời điểm anh đăng tải phát ngôn trên khá đặc biệt, nên cộng đồng những người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới không khỏi có sự liên hệ nhạy cảm. Họ đã tổn thương.
Song, câu chuyện này cũng khiến xã hội với đa số là những người dị tính phải suy ngẫm lại cách nhìn nhận và ứng xử với cộng đồng LGBT bấy lâu nay.
"Cuối cùng thì chỉ có đàn ông Việt Nam mới chiến thắng ở các cuộc thi sắc đẹp tầm cỡ thế giới" - phát ngôn của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh ngay sau chiến thắng của người đẹp Hương Giang tại đấu trường nhan sắc chuyển giới quốc tế đang là đề tài gây tranh cãi cộng đồng mạng.
Phim điện ảnh Việt nhiều năm trở lại đây thường đưa yếu tố đồng tính vào phim để... chọc cười. Hình ảnh người đồng tính, chuyển giới hiện lên trên màn ảnh rộng với diện mạo điệu đà, đỏm dáng, ăn mặc lòe loẹt, điệu bộ phô trương, nói năng đi đứng õng ẽo, tính cách đỏng đảnh, "đồng bóng" thất thường...
Nói cách khác là họ không bình thường. Sự không bình thường ấy mặc nhiên là thứ mua vui cho công chúng.
Phần lớn tất cả chúng ta xem những bộ phim đó, với những hình ảnh đó, một cách bình thản. Và phần lớn tất cả chúng ta bình thản cười phá lên. Có gì đâu, vì nó buồn cười thật mà.
Nhưng có những người không cười nổi.
Phát ngôn của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh ở góc nhìn của những người dị tính thực sự thú vị, hài hước.
Quả tình, gần 20 năm miệt mài đi tranh tài nhan sắc từ sân chơi "ao làng" đến sân chơi "đại dương", người đẹp Việt không gặt hái được thành tích đáng kể nào ở những đấu trường có uy tín. Duy nhất có người đẹp Phạm Hồng Thúy Vân lọt Top 5 Hoa hậu Quốc tế 2015.
Trong khi đó, "trai đẹp" của Việt Nam thì luôn đem về những thứ hạng cao ngất ngưởng từ các sân chơi nhan sắc dành cho nam giới. Nổi bật nhất là Tiến Đoàn với danh hiệu Nam Vương quốc tế 2008.
Và giờ thì có Hương Giang với ngôi vị Hoa hậu Chuyển giới quốc tế 2018. Cô gái ấy từng sinh ra trong hình hài một người đàn ông.
Rất nhiều người đẹp Việt đã thất bại trong các cuộc thi nhan sắc có uy tín quốc tế cho đến khi Hương Giang giành chiến thắng. Cô gái ấy lại từng sinh ra trong hình hài một người đàn ông.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nếu thực là ám chỉ Hương Giang trong dòng trạng thái của mình thì cũng chỉ là một "phát hiện thú vị" được viết ra trong sự phấn khích. Trong lời đùa ấy rõ ràng không có ý chê bai, mỉa mai. Hoàn toàn chỉ là đùa vui thôi.
Nhưng có những người không cảm thấy nó vui chút nào.
Cũng như nhiều năm qua, chương trình Táo Quân xây dựng hình ảnh nhân vật Bắc Đẩu thành người chuyển giới để tăng yếu tố vui vẻ, hài hước cho chương trình.
Và quả tình, từng cái hất tóc, cái chỉ tay, cái liếc mắt đỏng đảnh của Bắc Đẩu đều khiến hàng triệu khán giả cười sảng khoái mỗi đêm Giao thừa.
Những có những người không thấy sảng khoái.
Có phải số đông chúng ta đang cười sai, đùa sai, vui sai hay không?
Nhìn nhan sắc của Hương Giang mà xem, có phải số đông chúng ta đang cười sai, đùa sai, vui sai hay không?
Gần đây nhất, nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã đăng tải chùm ảnh Hương Giang ở hậu trường sân khấu trước giờ G đêm chung kết Miss International Queen 2018 lên trang cá nhân với những lời khen tặng về nhan sắc của cô em thân thiết. Nhưng anh đã ca tụng thế này: "Gái thẳng cũng phải về nhì với bé nhé!".
Hương Giang có lẽ đủ thân để đủ hiểu Đàm Vĩnh Hưng khen mình thật lòng. Nhưng những người chuyển giới khác khi nghe "ông hoàng nhạc Việt" phân định "gái thẳng - gái cong" thì hẳn họ sẽ cảm thấy mủi lòng. Bởi thế có nghĩa rằng, vẫn có những người phụ nữ không phải là phụ nữ đúng không?
Việc "ông hoàng nhạc Việt" phân định "gái thẳng - gái cong" liệu có khiến Hương Giang phật lòng?
Không, thực ra Đàm Vĩnh Hưng chẳng có ý thế đâu. Anh ấy thực sự xem Hương Giang là một cô gái. Chỉ có điều anh ấy, như tất cả chúng ta, không biết cách phải dùng từ ngữ sao cho thích hợp để bày tỏ sự yêu mến, cảm phục của mình mà thôi.
Nói đúng hơn thì, thực lòng, chúng ta vẫn chưa xem họ là những người bình thường. Chúng ta vẫn nghĩ họ khác biệt.
Điều đó càng cho thấy nhưng nỗ lực của cộng đồng đồng tính và chuyển giới trong việc được khẳng định bản thân, được thừa nhận về giới vẫn đang gặp phải muôn vàn trở ngại từ định kiến của đám đông chúng ta.
Hãy nhìn Hương Giang mà xem. Cô ấy thực sự là một người phụ nữ mà. Cũng như 27 thí sinh còn lại của Miss International Queen 2018, không ai có thể nghi ngờ họ không phải là phụ nữ.
Sự nữ tính, duyên dáng toát ra từ họ là sự nữ tính của Thượng Đế, không phải của những ca phẫu thuật đầy máu và nước mắt.
Họ là phụ nữ từ trước khi họ chào đời, bất kể hình hài họ mang thuộc giới tính nào. Và vì thế, không có "gái thẳng" hay "gái cong". Chỉ có hai từ "phụ nữ" mà thôi.
Sự nữ tính, duyên dáng toát ra từ họ là sự nữ tính của Thượng Đế, không phải của những ca phẫu thuật đầy máu và nước mắt. Họ là phụ nữ từ trước khi họ chào đời, bất kể hình hài họ mang thuộc giới tính nào.
Cũng bởi thế, chiến thắng của Hương Giang tại Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2018 có ý nghĩa rất quan trọng.
Chiến thắng ấy sẽ giúp chúng ta nhìn nhận đúng đắn hơn về những người thuộc cộng đồng LGBT, rằng họ không như những gì chúng ta vẫn đem ra làm đề tài chọc cười nhau trên sóng truyền hình hay ngoài rạp chiếu phim.
Họ cũng đẹp, cũng duyên dáng, cũng thông minh, cũng tinh tế, cũng vui buồn cười khóc, cũng làm việc cũng cống hiến như tất cả chúng ta.
Nhưng họ là cộng đồng thiểu số yếu thế và luôn bị làm cho tổn thương bởi sự vô tư đến vô tâm của những người may mắn trời sinh về giới tính như chúng ta đây.
Chúng ta phải chăng nên từ bỏ một lối đùa vui đã và đang trở nên tàn nhẫn?