Dàn trận chăn khách
Trước đây, trung bình mỗi tháng, cửa khẩu Móng Cái đón khoảng 5-7 nghìn lượt du khách đến từ Trung Quốc làm thủ tục nhập cảnh. Nhưng trong thời gian gần đây, số lượng du khách Trung Quốc tăng đột biến. Ngày cao điểm có đến hơn 15.000 lượt khách tham gia làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam.
Thông tin từ phía Hải quan Quảng Ninh, có đến hơn 90% lượt người làm thủ tục nhập cảnh qua cửa khẩu Móng Cái là để tham quan du lịch, chủ yếu thăm vịnh Hạ Long và một số địa điểm trong tỉnh Quảng Ninh. Khách du lịch sau khi làm thủ tục nhập cảnh sẽ được các công ty du lịch săn đón tận tình và di chuyển đến những điểm đã lập trình.
Để lý giải nguyên do khách Trung Quốc ồ ạt vào Quảng Ninh thời gian gần đây, Tiền Phong đã có dịp tìm hiểu đường đi của một loại hình du lịch có tên gọi "tour 0 đồng". Điển hình là tour giá thấp đến mức trở thành "tour 0 đồng", thậm chí là "tour âm đồng".
Đây là loại hình du lịch mà công ty đón khách không thu bất kỳ một chi phí nào, thậm chí trả tiền ngược lại cho các công ty gửi khách, hiện tượng này còn được gọi là "mua đoàn".
Thông qua các hình thức chăn dắt khách đi mua sắm hay bán thêm các chương trình, dịch vụ tại điểm đến để bù lại phần chi phí đầu vào gồm khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển và phí visa...
Chính vì vậy, các công ty du lịch chấp nhận hạ giá tour đến mức thấp nhất, bày ra đủ chiêu trò hòng lừa du khách sử dụng những dịch vụ mà họ đã bày sẵn "thiên la địa võng". Một khi du khách lạc vào "ma trận" thì việc bị các công ty du lịch "móc ví" là điều không thể tránh khỏi.
HDV tiếng Trung dẫn khách Trung Quốc tại cảng Tuần Châu, TP Hạ Long.
Đa số du khách Trung Quốc đến Quảng Ninh với loại hình du lịch 4 ngày 3 đêm. Sau khi làm thủ tục nhập cảnh, du khách sẽ được công ty du lịch đón tại cửa khẩu để đi vào nội địa. Trên đường từ Móng Cái về TP Hạ Long, đoàn sẽ được dừng nghỉ tại một địa điểm cố định có "giao kèo" trước đó.
Tùy vào thời gian có thể ăn trưa tại đây hoặc chỉ để mua sắm. Hướng dẫn viên (HDV) và lái xe có nhiệm vụ dẫn khách đến và nhận tiền hoa hồng từ các cửa hàng này.
Tại Hạ Long, khách sẽ được thu xếp nghỉ ngơi tại một số nhà nghỉ giá từ 200-300 nghìn/phòng, đa số chỉ nghỉ theo giờ từ 5-8 tiếng. Sau đó HDV dẫn đến các địa điểm bán hàng dành riêng cho khách Trung Quốc. Tại đây, các mặt hàng như đồ gỗ mỹ nghệ, đá quý, trầm hương, gối đệm cao su... được niêm yết giá "trên trời" và chỉ có khách Trung Quốc mới được vào.
"Xin lỗi anh không thể vào, cửa hàng chúng em chỉ chuyên phục vụ khách nước ngoài" – Một nhân viên của cửa hàng Tiến Đạt Dream (có địa chỉ tại số 3, lô B, Khu đô thị mới phần mở rộng đầu đường Tuần Châu, phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) xua tay nói khi chúng tôi có ý định vào tham quan.
Khi chúng tôi xuất trình giấy tờ và yêu cầu hợp tác, nữ nhân viên này nhanh tay cầm bộ đàm nói một loạt tiếng Trung để báo cho bên trong cửa hàng.
Điểm bán hàng chỉ dành riêng cho người Trung Quốc.
Đợi một lúc sau, nhân viên này mời chúng tôi vào nhưng dặn trước – "Cửa hàng chúng em đã đến giờ đóng cửa, mong anh thông cảm không dùng máy ảnh và xem nhanh giúp em". Bên trong không một bóng khách nhưng la liệt các mặt hàng được niêm yết giá tiền nhân dân tệ. Phía sau có 1 phòng riêng, nhìn thoáng qua có rất đông khách Trung Quốc đang bị "giam lỏng" vì có người lạ viếng thăm.
Trong một cuộc nói chuyện của cánh lái xe khách du lịch 0 đồng, chúng tôi tình cờ nghe được những câu chuyện đau lòng về hình ảnh du lịch Quảng Ninh đang bị bóp méo.
"Hôm qua xe tao có hơn chục khách không chịu xuống mua hàng. Nói mãi không nghe, điên tiết tao tắt điều hòa đóng kín cửa một lúc đành xin xuống" – "Tối qua đứa HDV bên tao còn phải đi gõ cửa từng phòng bắt bọn nó mua thêm vé tham quan chứ không thì chuyến này móm nặng".
Khi nhận khách "tour 0 đồng", một số công ty lữ hành tìm mọi cách để lừa khách đến những cửa hàng nằm trong đường dây. Tại đây HDV và lái xe sẽ được hưởng hoa hồng từ 20-30 triệu đồng. Số tiền này sẽ được nộp về công ty và chia phần theo công trạng.
Giá của các mặt hàng được bày bán "thổi" lên cao chót vót. Một chiếc gối bằng cao su thị trường Trung Quốc không có, được cho là hỗ trợ chữa bệnh vai gáy) có giá từ 3 triệu đồng trở lên, trong khi đó giá trên thị trường chỉ vài trăm nghìn.
"Tình trạng chăn khách Trung Quốc diễn ra từ tháng 6/2016 và dai dẳng cho đến nay. Thời gian gần đây khách tăng đột biến nên tình trạng này càng nở rộ. Không đi thì không có tiền, nhưng nhận tour rồi thì phải luồn lách đủ thứ mới có lãi. Phỉnh phờ họ mua hàng giá "trên trời" cũng day dứt lắm chứ!" - Anh Trần Văn Ngọc, một HDV tự do cho biết.
Không chỉ ăn chia từ các cửa hàng, các công ty này còn tìm cách chèo kéo khách tham gia những địa điểm ngoài chương trình, thậm chí còn bòn rút từ các suất ăn của khách. Hình ảnh du lịch Quảng Ninh đang bị biến dạng méo mó bởi cách làm du lịch chụp giật, thời vụ, bất chấp luật pháp.
Lấy đá ghè chân nhau
Với lượng khách vào ngày cao điểm có thể lên đến hơn 15.000 người nhập cảnh qua cửa khẩu Móng Cái là cơ hội để cho các công ty du lịch tiếp cận và cung cấp những tour truyền thống lâu nay. Nhưng vì hám lợi, nhiều công ty đã bất chấp mọi thủ đoạn để cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ giá tour, thậm chí chịu bù lỗ để đón được khách.
Nhiều tour được thiết kế mới để lôi kéo khách hay thiết kế tour theo yêu cầu của khách. Sau khi "nhử" được khách vào "ma trận" thì các công ty này tha hồ tự tung, tự tác. Những công ty du lịch làm ăn chân chính hầu như không có chỗ đứng trong những phi vụ này. Đặc biệt, những công ty làm ăn kiểu chụp giật, liên kết với bên ngoài đều có trụ sở ở Móng Cái.
"Để xảy ra tình trạng rối loạn thị trường du lịch trong thời gian vừa qua tại Quảng Ninh chính là do các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong nước đã không đoàn kết. Chính họ đã tạo ra tour 0 đồng và tạo nên một môi trường du lịch không lành mạnh, khác gì họ đang tự lấy đá ghè chân nhau" – Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist thẳng thắn chia sẻ.
"Đây là lần đầu tiên gia đình chúng tôi đến Việt Nam, vịnh Hạ Long là điểm đến được chúng tôi lựa chọn hàng đầu vì chỉ cần di chuyển bằng đường bộ là có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp nơi đây. Ẩm thực của các bạn thật tuyệt vời nhưng hàng hóa ở đây khá đắt đỏ so với những nơi chúng tôi từng đến" – Anh Lưu Dĩ Kha, một du khách đến từ tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) chia sẻ.
Nếu xét về khía cạnh kinh tế, tour giá rẻ hay tour 0 đồng, âm đồng khi tổ chức tốt, hợp lý vẫn tạo ra việc làm cho người dân và nguồn thu trực tiếp cho. Nhưng phải có một chế tài quản lý chặt chẽ và hợp lý vì Trung Quốc là một thị trường lớn về số lượng du khách và nhu cầu du lịch, mua sắm.
Theo ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh – "Vấn đề tour 0 đồng sẽ ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp. Những doanh nghiệp làm ăn bài bản sẽ không tổ chức những loại tour như thế này". Ông Thanh cũng đề nghị các doanh nghiệp phải tôn trọng quy luật cung cầu và hoàn toàn phản đối kiểu cạnh tranh "bẩn" của một số doanh nghiệp.
Đi một vòng quanh bến cảng Tuần Châu, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những hình ảnh tay xách, nách mang của du khách đến từ Trung Quốc với lỉnh kỉnh hàng Việt giá không tưởng.
UBND tỉnh Quảng Ninh đã phải họp khẩn để tìm cách xử lý tình trạng "tour 0 đồng". Biện pháp cấp bách được đưa ra là thống nhất với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch phải cam kết tổ chức khách nằm trong khuôn khổ đã được quy định.
Giao các sở ban ngành liên quan kiểm tra, giám sát và mạnh tay xử lý các doanh nghiệp có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh. Quyết chấn chỉnh tình trạng náo loạn thị trường du lịch trên địa bàn trong thời gian qua.
"Tỉnh Quảng Ninh kiên quyết đấu tranh làm sạch môi trường kinh doanh du lịch, đặc biệt môi trường kinh doanh lữ hành và sẽ xử lý nghiêm các đơn vị lữ hành chào bán các tour du lịch với giá trị bằng "0" thông qua các điểm kinh doanh trá hình của người Trung Quốc và người Việt Nam bán hàng cho du khách ngoại quốc với giá thành cao gấp nhiều lần giá trị thật của mặt hàng để thu lợi bất chính làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là khách Trung Quốc".
Bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh