Theo BBC, Trung Quốc hiện đang bị ám ảnh bởi lời nguyền "siêu đập", trong đó có đập Tam Hiệp nhằm thỏa mãn khát khao những cái "vĩ đại nhất". Tuy nhiên, đằng sau là sự hy sinh không thể tính xuể.
Niềm tự hào Tam Hiệp
Đập Tam Hiệp, công trình vĩ đại nhất thế giới xưa và nay chắn ngang sông Dương Tử. Nó không chỉ có tác dụng kiểm soát lũ lụt và sinh điện năng mà còn là điểm đến du lịch trong thế kỷ XXI. Theo thống kê, đập Tam Hiệp cao 185m, rộng gần hai km, được xây dựng từ 30 triệu m3 bê tông, sử dụng 30 nghìn ha đất nông nghiệp để có hồ chứa khổng lồ rộng tới 80.300 km2.
Riêng hồ chứa nước chiếm toàn bộ diện tích hiện tại của khu vực Tam Hiệp, nằm giữa TP Nghi Xương (tỉnh Hồ Bắc) và Bồi Lăng (Trùng Khánh). Theo thông tin đồn thổi vốn đầu tư chính thức 23 tỷ USD, nhưng các chuyên gia quốc tế tin rằng con số thực phải cao gấp nhiều lần.
Đập Tam Hiệp có tổng công suất 18,2 GW, gấp 10 lần so với các nhà máy điện hạt nhân Daya Bay ở Quảng Đông và gấp 8 lần đập Hoover của Mỹ. Với việc xây dựng đập Tam Hiệp, Trung Quốc hy vọng có thể chế ngự thiên nhiên, tạo tiền đề cho dự án chuyển đổi nước Bắc-Nam đầy tham vọng; nhằm đưa nước từ thung lũng sông Dương Tử ẩm ướt dọc theo hệ thống kênh rạch dài hàng nghìn km đến đồng bằng miền Bắc đang thiếu nước.
Theo truyền thông Trung Quốc, đập Tam Hiệp lập nhiều kỷ lục đáng nể như đập cao nhất, đập tràn có lưu lượng nước khổng lồ, đập có các âu tàu phục vụ du lịch với cột nước cao khổng lồ, dự án có vốn đầu tư vĩ đại nhất… Đập Tam Hiệp chính thức trở thành biểu tượng đang lên của nền kinh tế Trung Quốc những năm đầu thế kỷ XXI.
Họa hay phúc?
Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng công bố sau khi đập Tam Hiệp được chính thức phê duyệt năm 1992 chỉ thiên về mặt lợi, coi nó là một chương trình để củng cố sức mạnh chính trị, kinh tế và công nghệ. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lại đặt nhiều câu hỏi liên quan đến chi phí, xã hội và môi trường mà giới chức mới chỉ nhìn từ một phía.
Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất là việc tái định cư cho người dân bị mất đất trong lưu vực hồ chứa. Diện tích chứa nước đập Tam Hiệp rộng tới 1.000 km2 và kéo dài hơn 600 km về thượng lưu, nơi đây là quê hương bản quán của gần 1,5 triệu người, thuộc 19 quận, huyện, 140 thành phố, 326 thị trấn và 1.351 ngôi làng.
Theo chuyên gia môi trường người Mỹ - Elizabeth C Economy đề cập trong nghiên cứu The River Runs Black (Dòng sông chảy ngược), tuy được ca ngợi nhưng các dự án thủy điện lớn của Trung Quốc lại được xem là những quả bom nổ chậm, lạm dụng "mẹ thiên nhiên", làm thay đổi cơ cấu đất trồng, làm tăng biến đổi khí hậu và nhiều tác động tàn phá khác. Một trong những hệ lụy nhãn tiền là suy thoái môi trường, cướp đi mỗi năm ước khoảng 10% GDP, trong đó có các vấn đề liên quan đến nước, vấn đề tiềm ẩn cho các bất ổn về chính trị đã từng xảy ra, như khởi phát nhiều cuộc biểu tình dân sự, và nạn bạo lực. |
Tất cả đã được di dời đến một vùng đất mới. Số lượng trầm tích giữ lại dưới lòng hồ sẽ làm tăng nguy cơ lũ thượng nguồn sông Dương Tử, tỉnh Tứ Xuyên. Gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái cục bộ, sự ngập lụt của các di sản văn hóa…. Đập có thể là nguồn tạo ra những cơn địa chấn, động đất và sạt lở đất ở vùng lân cận.
Thậm chí, ngay từ đầu nhiều nhà khoa học Trung Quốc bày tỏ sự không đồng tình, khi dự án đập Tạm Hiệp được đưa ra trình bày tại Quốc hội năm 1992, 1/3 đại biểu phản đối.
Nhiều người ủng hộ cũng phải thừa nhận, kể từ khi đập được xây dựng, chưa có trận lũ kinh hoàng nào xảy ra trên sông Dương Tử như trận lũ xảy ra vào năm 1998, cướp đi 3.500 sinh mạng hay đập là thủ phạm gián tiếp trong cuộc động đất ở Tứ Xuyên năm 2008 khiến 87 nghìn người bị thiệt mạng.
Theo New York Times, chưa có bằng chứng cụ thể nhưng những chỉ trích đều cho rằng, đập thủy điện khiến cho mức phân phối nước bị giảm đi ở các vùng hạ lưu khiến người dân trong vùng không kiếm ra nước uống trong thời gian hạn hán từ tháng 1 - 4 hàng năm, thậm chí nạn hạn hán xảy ra năm 2011 ở Tứ Xuyên được cho là tệ nhất trong vòng 50 năm trở lại đây.
Lịch sử cay đắng
Giả sử đập Tam Hiệp là sự tồn vong của Trung Quốc thì Đập Môn Hiệp lại là bài học cay đắng. Nếu những năm 50 ở thế kỷ trước các nhà khoa học dám nói lên sự thật, thì chắc chắn nhân dân hai bờ sông Hoàng Hà sẽ không phải điêu đứng, khốn khổ về hồ nước này suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Năm 1952, Chính phủ Trung Quốc mời Liên Xô giúp lập dự án trị thủy Hoàng Hà nằm giáp tỉnh Hà Nam và Sơn Tây. Đây sẽ là một công trình vĩ đại, xây dựng 46 đập nước lớn, trong đó Tam Môn Hiệp là lớn nhất, tổng công suất phát điện là 23 triệu KW, gấp 10 lần sản lượng điện toàn Trung Quốc năm 1954.
Tháng 9/1960, hồ chứa nước Tam Môn Hiệp hoàn thành. Nhưng sau đó, 800 nghìn mẫu ruộng canh tác lúa hai bờ sông đều bị ngập, phải di dời cả một huyện; TP Tây An bị đe dọa nghiêm trọng. Từ năm 1972, Hoàng Hà bắt đầu đứt dòng chảy và từ năm 1990, bình quân Hoàng Hà có hơn 100 ngày không có nước mỗi năm.
Hàng trăm nghìn nông dân phải rời bỏ ruộng đất màu mỡ đến các vùng đất cằn cỗi ở vùng sâu, vùng xa, một số người phải di dời nhiều lần khiến họ mất sạch cơ nghiệp.
Ngày nay, sau hơn 60 năm, lưu vực Hoàng Hà ngày càng tồi tệ, nước sông phía hạ lưu hầu như chẳng còn lại bao nhiêu. Nông dân bị thiệt hại quá nhiều. Tam Môn Hiệp đã trở thành bài học đắt giá. Hoàng Hà - nơi được ví như "cái nôi của nền văn minh Trung Quốc", sau khi xây dựng đập dòng sông lại trở thành "nỗi buồn Trung Hoa".
Năm 2004, nhiều kỹ sư tham gia thiết kế Tam Môn Hiệp thừa nhận trên truyền hình Trung Quốc, đây là sai lầm cay đắng của Trung Quốc khi bị "móng vuốt và răng của con rồng độc ác" chế ngự. Hiện nếu ai muốn đến thăm đập Tam Môn Hiệp phải trả lệ phí 30 nhân dân tệ (100 nghìn VND)