Ám ảnh kim cương "máu"

Đỗ Quyên |

Treo cổ, tự thiêu hay uống thuốc độc là con đường bế tắc của nhiều công nhân tại "kinh đô kim cương" của Ấn Độ

Sau 10 giờ làm công việc đánh bóng kim cương trong khu xưởng chật chội phía Tây Ấn Độ, Vikram Raujibhai lầm lũi về nhà, chờ cho mọi người trong gia đình đi vắng thì khóa trái cửa lại.

Phần nổi của tảng băng

Raujibhai tẩm dầu hỏa lên khắp thân thể rồi châm lửa. Khi người thân trở về, họ chỉ còn thấy thi thể cháy sém của chàng trai 29 tuổi.

Đó là trường hợp tự tử mới nhất trong số hàng loạt công nhân Ấn Độ tìm tới cái chết trong nền công nghiệp kim cương nở rộ của nước này, vừa được phơi bày trong phóng sự điều tra của Reuters.

Cuộc điều tra kéo dài hơn 1 năm ở bang Gujarat, phía Tây Ấn Độ, đã phát hiện một làn sóng tự tử, trong đó không ít vụ rơi vào im lặng, tại kinh đô kim cương của Ấn Độ.

Những người lao động ở đây tham gia vào quá trình cắt và đánh bóng 90% kim cương bán ra trên toàn cầu nhưng điều kiện làm việc của họ vô cùng tồi tệ và thù lao cũng cực kỳ rẻ.

Chỉ một phần nhỏ nhận lương cứng vào khoảng 100.000 rupee/tháng (tương đương 1.450 USD) trong khi hơn 80% nhân công chỉ được trả thù lao theo từng viên kim cương họ đánh bóng, từ 1-25 rupee/viên, không kèm theo bất cứ phúc lợi nào khác.

Qua phỏng vấn các chủ cửa tiệm, công nhân, gia đình người thân và cảnh sát, phóng viên Reuters phát hiện 9 trường hợp tự tử kể từ tháng 11-2017 ở TP Surat, nơi được coi là "kinh đô kim cương" của Ấn Độ và vùng Saurashtra khô cằn - quê nhà của nhiều công nhân nói trên.

Tuy vậy, các chuyên gia nói rằng đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng. Các thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu kim cương của Ấn Độ vượt 70% trong thập kỷ qua nhưng quy định về điều kiện làm việc cho ngành này vẫn bị thả nổi.

Hiện có khoảng 1,5 triệu công nhân làm việc trong ngành chế tác kim cương Ấn Độ. Dù cực nhọc nhưng phần lớn họ không dám kêu ca vì sợ mất việc.

Theo lời bà Wasanben, mẹ của Raujibhai, cậu con trai bất hạnh của bà bắt đầu đánh bóng kim cương từ năm 16 tuổi. Công việc vất vả hơn theo thời gian khi anh phải vật lộn với ngày càng nhiều khoản chi tiêu.

Chẳng tìm được công việc nào khác, Raujibhai cũng không tìm được vợ. "Raujibhai kiếm được 6.000 rupee/tháng (90 USD) nhưng gia đình chúng tôi có 7 người nên tiền không bao giờ đủ" - bà Wasanben trải lòng.

Đày đọa như nô lệ

Kỹ năng được tích lũy qua nhiều thế hệ của công nhân đánh bóng kim cương Ấn Độ cùng chi phí lao động thấp trở thành sức hút khó cưỡng với nhiều công ty khai thác mỏ lớn trên thế giới. Các tên tuổi như De Beers, Alrosa đều mang kim cương thô đến Ấn Độ gia công.

Khi được hỏi về nạn công nhân tự tử, cả 2 hãng kim cương đều nói chưa gặp trường hợp nào như vậy tại những đối tác mua kim cương thô ở Ấn Độ.

Trong khi đó, giới chức địa phương cho rằng công nhân làm việc trong ngành công nghiệp kim cương được trả lương hậu hĩnh. Đồng thời, họ ca ngợi các công ty đá quý có nhiều hoạt động tích cực như giúp đỡ xây trường học, bệnh viện và tạo việc làm cho người thân của những công nhân đã chết hoặc tự tử.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động chỉ rõ điều kiện làm việc trong máy lạnh, được trả lương cứng chỉ tồn tại ở một số ít công ty lớn. Đối với phần nhiều công ty nhỏ hơn, công nhân phải làm việc, thậm chí cả ăn, ngủ tại xưởng trong điều kiện không khác gì nô lệ.

Kim cương thô nhập khẩu vào Ấn Độ phải được chứng nhận không xuất phát từ khu vực có xung đột nhằm bảo đảm chúng không được sử dụng để tài trợ cho các cuộc chiến hoặc liên quan đến hành vi xâm phạm nhân quyền - tức không phải là "kim cương máu".

Tuy nhiên, chứng nhận cắt và đánh bóng kim cương do Hội đồng Trang sức trách nhiệm (RJC) - một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu - đề ra lại không phải là yêu cầu bắt buộc. Trong số 15.000 công ty kim cương lớn nhỏ ở bang Gujarat, chỉ vỏn vẹn 90 hãng có chứng nhận thành viên RJC.

Theo dữ liệu từ cảnh sát Surat, hơn 5.000 trường hợp tự tử được ghi nhận ở thành phố này kể từ năm 2010, xảy ra nhiều nhất tại những khu vực có công nhân chế tác kim cương sinh sống. Các nạn nhân tìm tới cái chết theo nhiều cách khác nhau, từ treo cổ, uống thuốc độc cho đến tự thiêu.

Phân tích 23 trường hợp tự tử trong 4 tháng đầu năm nay tại Surat, Reuters nhận thấy có 6 công nhân kim cương treo cổ hoặc uống thuốc độc. Họ cũng ghi nhận 3 trường hợp tương tự ở vùng Saurashtra.

Một sĩ quan cảnh sát có tên Ashish Dodiya giải thích: "Họ không chết vì công việc làm kim cương. Vùng này nhiều vụ công nhân kim cương tự tử hơn bởi số lượng công nhân này sống tại đây cao hơn".

Dù vậy, vài cảnh sát khác lại thấy có sự liên hệ. Một số công nhân kể ít nhất 2 tháng mỗi năm họ không có lương do các đơn hàng chậm lại, buộc họ phải vay nợ để trang trải cuộc sống.

Theo bà Ramesh Ziliriya, người thành lập Hiệp hội Lao động kim cương ở Rajkot, năm 2013, trong khi vấn đề nợ nần và lao động trẻ em có thể đã lùi vào quá khứ trong ngành kim cương, chuyện người lao động bị chèn ép và đày đọa vẫn tiếp diễn.

Thu nhập bấp bênh, lại không được nhận các phúc lợi xã hội (lương hưu, bảo hiểm y tế...) như công nhân làm việc trong nhà máy khác nhưng nhiều công nhân chế tác kim cương vẫn cắn răng chịu đựng bởi nếu mất công việc này, họ hầu như không còn cơ hội nào khác!

Thứ đá quý lấp lánh vốn là niềm khao khát của nhiều người từng một thời gắn với bi kịch "kim cương máu", nay ở Ấn Độ có thêm sự chết chóc của "kim cương tự tử".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại