Chúng tôi về thôn Lan Mát vào giữa trưa hè. Giờ ấy ít người qua lại. Tuy nhiên, lác đác vẫn thấy những chiếc xe tải cỡ lớn chở đá phóng vụt qua kéo theo mịt mù bụi đá.
Lan Mát nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi đá. Tuy nhiên, núi ấy nham nhở như chiếc bánh bị ai đó ăn dở. Phóng mắt vào núi, góc nào cũng thấy bụi trắng lòa.
Thấy có nhà báo đến tìm mình, chẳng cần giới thiệu, trưởng thôn Lan Mát, ông Trần Văn Thức bảo: "Các anh đến để kêu khổ cho dân chúng tôi đấy à?".
Theo ông Thức, ở thôn ông, đặc biệt là những gia đình sống cạnh đường, nhà nào nhà nấy phải làm 2- 3 lớp cửa. Tất cả cũng chỉ để chắn không cho bụi đá len vào nhà.
"Thế nhưng ngày nào cũng phải lau bàn ghế, đồ đạc đấy! Các anh thấy không, nền nhà vừa lau khi sáng mà giờ đi đã thấy sàn sạn rồi", ông trưởng thôn bức xúc.
Cũng theo ông Thức, sống với bụi đá nên vài năm gần đây, dân thôn ông phải đối mặt với rất nhiều loại bệnh hiểm nghèo, trong đó, hãi hùng nhất là ung thư.
"Chết trẻ nhiều lắm, ung thư nhiều lắm, hầu như tháng nào cũng có người chết đấy", ông Thức cho biết.
Theo chân ông Thức, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Mạc, năm nay 82 tuổi, một cao niên của làng.
Sở dĩ ông Thức dẫn tôi đến nhà ông Mạc bởi nói như ông Thức, gia đình ông Mạc cũng là một trong những nạn nhân của bụi đá. Ông Mạc mất vợ bởi bệnh ung thư.
Bà Nguyệt, vợ ông Mạc vừa mất năm ngoái, sau gần chục năm vật lộn với chứng ung thư cột sống. Ông Mạc bảo, thấy ông chăm vợ tận tình, ở thôn ai cũng khen nức nở. Thế nhưng, sự chu đáo của ông cũng không cứu được bà.
Bà mất, ông Mạc thấy mình lẻ loi, thấy mình như con chim cô độc chao giữa trời giông bão. Nhớ bà, ông Mạc đã sắm cả chục cuốn kinh Phật để mỗi ngày ê a đọc cho nỗi nhớ dịu vơi.
Ngày chăm vợ ốm, thấy thôn có nhiều cảnh ngộ bi đát, có nhiều cái chết thảm thương, ông Mạc đã tỉ mẩn ghi lại những chuyện buồn ấy vào cuốn sổ to cỡ bàn tay.
"Đau đớn là những tai ương, những chuyện buồn ấy đều liên quan tới việc khai thác đá các anh ạ", ông Mạc nói trong đau xót.
Theo những ghi chép của ông Mạc thì tính tới thời điểm này, thôn Lan Mát đã có đến 80 phụ nữ góa chồng và 15 người đàn ông mất vợ.
Trong số những gia đình mất đi người đàn ông trụ cột, theo thống kê của ông Mạc thì phần nhiều là chết do tai nạn trong quá trình khai thác đá mưu sinh.
Nhắc tới chuyện tai nạn trong quá trình làm đá, trưởng thôn Lan Mát, ông Trần Đình Thức góp chuyện ngay. Theo ông Thức, bố ông chính là người đầu tiên ở thôn bỏ mạng bởi nghề nguy hiểm này.
Năm 1967, khi đang là xã viên HTX khai thác đá Thanh Lân, bố ông Thức đã lâm nạn. Ông chết không toàn thây bởi bị đá lở vò nát.
Tai ương chưa dừng lại với gia đình ông Thức. Năm 2001, ông Trần Văn Trụ, em trai ông Thức cũng bị "thần đá" bắt đi. Ông Trụ ngã núi, bị mũi đá nhọn xuyên thủng hộp sọ.
Ông Thức bảo, làm đá như đánh cược sinh mạng của mình với tử thần. Ngày trước, khi hợp tác xã còn, bởi sự nguy hiểm này mà cứ vài tháng, các xã viên lại tổ chức gặp mặt, liên hoan.
Gặp gỡ để phổ biến, động viên nhau tìm cách lao động an toàn. Liên hoan là để vui với nhau cho đã bởi chẳng biết sống chết thế nào, chuyện sinh ly tử biệt chỉ là trong chớp mắt.
Đánh cược mạng sống với tử thần như vậy nhưng phu đá cũng chẳng kiếm được là bao. Bây giờ, đánh vật cả ngày trên chon von chóp núi thì một người đàn ông lực lưỡng cũng chỉ mang về cho gia đình 3-4 triệu đồng mỗi tháng.
Thu nhập như trên thì sự nhọc nhằn, thiếu thốn đương nhiên hiển hiện ngay cả với những gia đình còn có người treo mình trên vách núi. Với những gia đình bà góa, không chỗ dựa, không còn lao động chính thì gian nan gấp cả ngàn lần.
Ông Thức dẫn chúng tôi đến thăm nhà bà Nguyễn Thị Hà, 57 tuổi ở ngay giữa thôn. Bà Hà phải sống cảnh mẹ góa con côi từ 3 năm về trước.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Hà vẫn không thể nào quên được cái ngày hãi hùng ấy. "Chồng tôi vừa đi khỏi được cơ tiếng đồng hồ thì mọi người từ trên núi chạy về báo tin dữ", bà Hà nhớ lại.
Luýnh quýnh chạy theo mọi người lên viện, nơi chồng mình vừa được các đồng nghiệp đưa đến nhưng đã quá muộn.
Biết tin chồng mình đã chết bà Hà cũng lịm đi, không còn biết trời đất gì nữa.
Bà Hà bảo, chồng mất, gánh nặng gia đình đổ lên vai bà. Ba đứa con cũng bởi thế mà không được học hành đến nơi đến chốn bởi phải ở nhà giúp mẹ mưu sinh.
Sức yếu nên bà Hà cùng cô con gái út bán hàng ngay trước cửa nhà. Sạp hàng chỉ lèo tèo mấy loại hoa quả héo quắt.
Nắng quái chiếu xiên, nhìn sạp hàng, nhìn ngôi nhà trống hoác, nhìn mặt người đàn bà khắc khổ, bất cứ ai lại qua cũng cảm thấy ái ngại, buốt lòng.
Làm đá gặp nạn, đôi khi mất mạng lại là… đều may bởi với nhiều người, sau tai nạn, sống còn kinh hoàng, sống không bằng chết.
Anh Nguyễn Bá Hùng (SN 1982) gần 6 năm nay nằm bệt trên giường. Năm 2010, treo mình khoan đá, núi lở, anh Hùng rơi từ độ cao 20m.
Cú rơi đó khiến anh bi gãy tay phải, cột sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Điều trị khắp nơi không khỏi, gia đình đưa về, đặt trên chiếc giường ở ngay gian nhà áp với đường chính của thôn.
Bà Nguyễn Thị Thọ, mẹ anh Hùng bảo, đặt anh ở đó để anh còn thấy được người qua, kẻ lại cho đỡ buồn chứ toàn thân chỉ có tay trái của anh là còn có thể cử động.
Cột sống hỏng, hai chân anh ngày một teo tóp. Nằm bệt một chỗ, phần hông, lưng của anh cũng hoại tử, bốc mùi.
"Tất cả sinh hoạt của nó giờ đều phải do tôi chăm sóc", bà Thọ nghẹn ngào.
Đối diện giường anh Hùng có treo bức ảnh anh chụp thời còn đi lính hải quân. Nhìn chàng thanh niên lực lưỡng, đẹp trai trong ảnh, chúng tôi cố so sánh nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy giống với thân thể quắt queo, mệt mỏi đang nằm co quắp trên giường.
Dưới bức ảnh ấy là bức ảnh chụp vợ chồng anh Hùng bên hai cô con gái đẹp như tranh.
"Thằng Hùng bị tai nạn khi vợ nó đang mang thai đứa thứ hai. Đây là ảnh ghép đấy. Thợ ảnh phải ghép người nó vào để có đủ vợ đủ chồng. Chứ nó nằm một chỗ thế kia thì chụp sao được", bà Thọ chua chát.
Nằm một chỗ buồn bực, anh Hùng hay cáu bẳn. Chăm anh, bà Thọ làm cái gì không vừa ý là anh to tiếng. "Nó chán, nó gắt cũng phải thôi, mấy năm nằm thế ai chịu được. Nhưng nhiều lúc nó gắt, tôi không giận nhưng nước mắt cứ ứa ra", bà Thọ nghẹn giọng.
Trời nóng, được bà cho tiền, cô con gái lớn của anh Hùng ù đi một loáng rồi về, trên tay là một chiếc kem. Hai chị em để que kem vào bát rồi cứ thế ngồi trên giường nhìn với ánh mắt thèm thuồng.
"Sao không ăn đi các cháu, kem chảy nước bây giờ", bà Thọ nhắc hai đứa cháu. "Không, cháu không ăn, cháu phần bố". Vừa nói, cô con gái lớn tuổi lên 5 ấy cầm que kem chạy qua giường bố.
Trên đường về, ông Thức dẫn chúng tôi qua nghĩa địa của thôn. Vừa đi ông vừa "thuyết minh" gốc tích những ngôi mộ trong nghĩa địa ấy.
Theo giới thiệu của ông Thức thì nhiều nấm mồ có chủ nhân chết do dính ung thư, chết do tai nạn khi khai thác đá.
Phía đường có hai ngôi mộ mới, vòng hoa vẫn còn nguyên sắc. "Đây là mộ mẹ tôi, kia là mộ chị dâu tôi. Chị dâu tôi mất sau mẹ tôi đúng một tuần. Chị ấy cũng vì ung thư mà mất".
Nấm mồ chị dâu ông Thức nằm ngay sát đường, nơi những chiếc xe chở đá vẫn vù qua cuốn theo mịt mù bụi bẩn.