Họp = thu tiền
Một tuần sau khai giảng học mới 2019-2020, nhiều trường học đã tổ chức buổi họp phụ huynh đầu năm.
Mong chờ được nghe các thông tin trao đổi của giáo viên về phương pháp giáo dục, nhưng anh Phạm Đăng Trung (phụ huynh có con học lớp 2 tại khu vực Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) lại tỏ ra vô cùng thất vọng khi buổi họp phụ huynh hầu như chỉ xoay quanh vấn đề nộp tiền .
Anh Trung chia sẻ: Mỗi một năm học, nhà trường thường tổ chức họp phụ huynh 3 lần vào đầu năm, sơ kết học kỳ 1 và tổng kết năm học.
Các cuộc họp lâu nay đều diễn ra theo trình tự quen thuộc là phụ huynh nghe giáo viên chủ nhiệm báo cáo sơ nét về tình hình chung của trường, của lớp; thông qua các khoản đóng góp, thu chi.
"Dành thời gian đi họp phụ huynh, tôi mong muốn được nghe cô giáo chia sẻ về cách giáo dục con, quan điểm dạy dỗ của cô nhưng cuối cùng chỉ là nộp tiền và yêu cầu phụ huynh chép tay biên bản thoả thuận. 2 tiếng họp phụ huynh khiến tôi vô cùng thất vọng" - anh Trung chán nản nói về buổi họp phụ huynh vừa diễn ra cuối tuần qua.
Phụ huynh mong muốn cuộc họp phụ huynh không chỉ bàn chuyện đóng tiền. Ảnh minh hoạ: TL
Đồng cảnh ngộ, nghe đến việc họp phụ huynh là chị N.M.T có con học tại Trường Tiểu học Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) ngao ngán. “Đi họp chỉ để nghe thông báo về các khoản thu.
Tôi thực sự mong muốn cuộc họp phụ huynh là cơ hội để giáo viên, phụ huynh giao lưu để hiểu nhau hơn trong phương pháp giáo dục. Chúng tôi cũng mong muốn được biết hoàn cảnh của các em học sinh khó khăn, đặc biệt để phụ huynh cùng chung tay chăm sóc các cháu" - chị Lan nói.
Theo chị Lan, không chỉ mình chị mà nhiều phụ huynh khác cũng ngại đi họp bởi hầu như mọi chuyện đã được giáo viên ấn định, mời phụ huynh đến chỉ để thông báo các khoản thu đầu năm.
Hội phụ huynh hay... "hội từ thiện"?
Theo các phụ huynh, ngoài học phí và các loại bảo hiểm bắt buộc, khá nhiều khoản đóng góp theo tinh thần tự nguyện nhưng thực chất không tự nguyện.
Có hàng loạt các khoản thu như quỹ hoạt động của Hội Cha mẹ học sinh trường, lớp, tiền phục vụ, học tăng tiết, học Anh văn, sinh hoạt câu lạc bộ, tiền vệ sinh, tiền giữ xe đạp…
Các khoản vận động khác như sửa sân, xây dựng bờ rào, vận động trao phần thưởng cuối năm…
Các khoản đóng góp luôn khoác danh nghĩa “tự nguyện” có thể đóng hoặc không và tùy hoàn cảnh mà chênh lệch mức đóng góp. Nhưng phần lớn đều được ấn định một mức tối thiểu buộc người ta phải theo.
Anh Phạm Đăng Trung bày tỏ sự không đồng tình khi năm nay nhà trường yêu cầu phụ huynh phải ngồi chép tay từng bản thoả thuận, cam kết tự nguyện đóng tiền hay đăng ký hoạt động ngoại khoá cho con. "Thực chất vẫn là ép buộc trên tinh thần tự nguyện" - anh Trung bức xúc.
Về vấn đề này, TS Phạm Văn Hoà - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) nhận định nhiều trường đang quá nặng nề về các khoản đóng góp khiến cho buổi họp phụ huynh trở nên nặng nề.
Theo ông Hoà, họp phụ huynh là cơ hội để phụ huynh và nhà trường thấu hiểu và sẻ chia với nhau chứ không phải chỉ bàn chuyện thu tiền.
"Chúng tôi đã và đang xây dựng trường học hạnh phúc. Cha mẹ yêu thương con vô bờ bến nhưng kỳ vọng về con rất nhiều, họ chưa thực sự hiểu con, nên vô tình tạo nhiều áp lực đối với tuổi thơ.
Chúng tôi mong muốn cha mẹ phải hiểu con nhiều hơn vì vậy mỗi buổi họp phụ huynh ở Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm là ngày hội của cha mẹ học sinh để họ cũng được học, được trao đổi là ngày.
Nhà trường giúp phụ huynh nắm được tâm lý, năng lực, mong muốn của con hơn, hỗ trợ cha mẹ nâng cao nhận thức về tâm lý học, giá trị sống.
Dịp này, lãnh đạo nhà trường cũng cùng cha mẹ làm rõ triết lý giáo dục, khi phụ huynh hiểu, đồng cảm, ủng hộ, đồng hành cùng nhà trường thì sẽ có trường học hạnh phúc và sự tiến bộ của học sinh" ông Hoà nhấn mạnh.