Cách đây khoảng 15 năm, bà Nguyễn Thị Hường (73 tuổi, ngụ Tây Ninh) đột nhiên nghe nóng rát ở trên chân mày trái, cảm giác châm chích như kim đâm. Nghi mình mắc chứng không dám gọi tên, bà Hường đi thầy khoán.
Đi 3 ngày, không những cảm giác nóng rát không khỏi mà trên trán mọc một đường mụn nước dài khoảng 10 cm. Dù vậy, bà Hường vẫn không đi khám mà tiếp tục theo thầy khoán và nhai đậu xanh đắp khiến các mụn nước vỡ ra, nhiễm trùng nặng. Lúc này, bà Hường mới nghe lời con đến bệnh viện khám và được các bác sĩ chẩn đoán bị zona (giời leo).
Đau đớn hàng chục năm
Sau khi điều trị bằng thuốc, dù các mụn nước lặn dần, vùng da trán trở lại bình thường nhưng 15 năm qua, bà Hường luôn sống trong khổ sở. "Cứ đôi ba bữa là vùng da ở trán lại nóng rát, châm chích làm chảy nước mắt rất khó chịu.
Một nửa vùng đầu trái đau như dần khiến tôi mất ngủ triền miên" - bà Hường than thở. Dù được con đưa đi khám và điều trị tại các bệnh viện ở TP HCM nhưng suốt 15 năm qua, bà Hường luôn phải sống trong đau đớn.
Cũng khổ sở với những cơn đau như dao đâm sau khi bị zona, bà Hoàng Thanh Lan (65 tuổi; ngụ quận Đống Đa, TP Hà Nội) lặn lội hàng trăm cây số tìm gặp một ông thầy chuyên chữa đau sau zona bằng bài thuốc dân tộc.
Ai ngờ một thời gian sau khi bôi thuốc, đắp lá và tiêm giảm đau, bà Lan bị biến chứng phải nhập viện cấp cứu.
Trong khi đó, ông Đỗ Văn Khuê (74 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương), sau khi khỏi bệnh zona thì sụt đến 5 kg, suy nhược thần kinh vì đau đớn đến không ăn, không ngủ được.
Thấy vậy, con ông Khuê đưa cha đi khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh và được kê đến 5 loại thuốc. Khi uống thuốc, các cơn đau có giảm nhưng ông Khuê ngủ li bì, thức dậy thì có biểu hiện lú lẫn.
Theo bác sĩ Đặng Bích Diệp, Trưởng Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Da liễu trung ương, zona là một bệnh nhiễm trùng da cấp tính do varicella zoster virus gây nên. Biểu hiện ban đầu của zona dễ nhầm với một số bệnh da như viêm da tiếp xúc do côn trùng cắn hay chứng đau nửa đầu, đau do bệnh lý tim, đau bụng ngoại khoa.
Bác sĩ Diệp cho biết bệnh zona có thể xuất hiện ở nhiều khu vực khác nhau trong cơ thể như mặt, ngực, tay, chân... "Đặc biệt, thấy vết ban và vết phồng nổi lên ở mũi hoặc gần mắt, cần đi khám ngay vì virus có thể lan đến mắt làm tổn thương mắt, giảm thị lực và có thể bị mù" - bác sĩ Diệp cảnh báo.
Dù đã khỏi bệnh zona hơn 15 năm nhưng bà Nguyễn Thị Hường vẫn thường xuyên chịu cảm giác nóng rát, đau nửa đầu Ảnh: HÀ GIANG
Việt Nam chưa có vắc-xin ngừa zona
ThS-BS Nguyễn Trọng Toàn, Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng - Viện Pasteur TP HCM, cho biết nghiên cứu cho thấy cứ 3 người sẽ có 1 người từng mắc bệnh zona trong suốt cuộc đời. Tỉ lệ mắc zona tăng theo độ tuổi và nguy cơ mắc bệnh cũng như độ nặng của bệnh zona cao gấp 3-5 lần ở người nhiễm varicella zoster trong tự nhiên (chưa tiêm vắc-xin thủy đậu) so với người đã tiêm vắc-xin thủy đậu.
Người mắc zona có thể lây nhiễm virus varicella zoster cho người chưa từng tiếp xúc với virus này trước đây và gây bệnh thủy đậu, không gây bệnh zona.
Hiện có 2 loại vắc-xin phòng bệnh zona, một thuộc loại vắc xin sống giảm độc lực, lưu hành từ năm 2006 (Zostavax) và một là loại tái tổ hợp (RZV, Shingrix) lưu hành từ năm 2017. Vắc-xin hiện đang lưu hành tại các nước như Mỹ, châu Âu và một số quốc gia châu Á.
Theo thông tin kê toa của nhà sản xuất, cả hai loại vắc-xin trên đều chỉ định tiêm cho người lớn từ 50 tuổi trở lên, không có chỉ định phòng bệnh thủy đậu. Tương tự, vắc-xin thủy đậu không dùng chỉ định ngừa bệnh zona.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, hiện ở Việt Nam chưa có vắc-xin ngừa zona. Do bệnh có nguy cơ cao ở những người đã từng bị thủy đậu nên những người chưa bị thủy đậu, nhất là trẻ nhỏ, được khuyến cáo tiêm phòng vắc-xin thủy đậu để ngừa bệnh zona.
Không theo thầy khoán, bỏ qua "thời gian vàng"
PGS-TS Nguyễn Duy Hưng, Bệnh viện Da liễu trung ương, cho biết bệnh zona không khó điều trị, đau sau zona mới thật sự là biến chứng đáng sợ. Tuổi càng cao càng dễ bị biến chứng này, nhất là khi không điều trị kịp thời, ngay khi bệnh mới khởi phát.
Đây là tình trạng đau dai dẳng theo khoanh da sau khi mụn nước đã lành. Lúc này, bệnh nhân phải chịu những cơn đau liên tục như dao đâm, cắt thịt từ 2-6 tháng, thậm chí có người đau dai dẳng kéo dài tới hàng năm sau khi tổn thương đã liền.
Giai đoạn đau sau zona, người bệnh thường bị trầm cảm. Một số bệnh nhân có biến chứng bội nhiễm các thương tổn da, viêm não - màng não, viêm gan, thận...
Các bác sĩ cũng cảnh báo có một tỉ lệ lớn người bị đau sau zona là do từng được điều trị sai với các cách chữa dân gian như khoán, đắp thuốc khi bệnh vừa khởi phát. "Thời gian vàng" để điều trị zona hiệu quả là trong vòng 3 ngày tính từ khi khởi bệnh.
Trong thời gian này, nếu được điều trị bằng thuốc kháng virus sẽ mau lành sẹo, giảm mức độ bệnh, rút ngắn thời gian viêm và đau cấp mà quan trọng hơn cả là giảm tỉ lệ bị biến chứng đau sau zona.
Chỉ có thể điều trị triệu chứng
Bác sĩ Đặng Bích Diệp cho biết hiện nay việc điều trị khỏi di chứng đau sau zona vẫn là thách thức lớn cho các bác sĩ lâm sàng (thần kinh, da liễu).
Đau dây thần kinh sau zona hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ có thể điều trị triệu chứng. Với những bệnh nhân đau nhiều sau mắc zona, bác sĩ sẽ kết hợp các phương pháp điều trị để giảm đau như miếng dán có chứa thuốc giảm đau hoặc bôi thuốc giảm đau, sử dụng thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co giật...
Ngoài ra, người bệnh duy trì một lối sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, tinh thần lạc quan cũng sẽ góp phần cải thiện mức độ đau.